Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết quý 2/2023, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình, với tổng diện tích khoảng trên dưới 7 triệu m2 sàn xây dựng.

Ngày 18/9 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh” với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, và đơn vị tư vấn liên quan đến công trình xanh và tiết kiệm năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại tọa đàm "Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh"

Theo Bộ Xây dựng, các thành phố trên thế giới hiện chiếm 3% diện tích bề mặt trái đất nhưng lại chiếm hơn 70% tổng lượng phát thải nhà kính thải vào khí quyển. Để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C hoặc thấp hơn, các thành phố phải đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tính đến hết quý 2/2023, cả nước hiện có khoảng gần 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của Lotus (VGBC), Edge (IFC-WB), LEED (Hội đồng Công trình xanh Mỹ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2

Trong đó, Việt Nam hiện đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được chứng nhận LEED.

Được biết, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh và đến năm 2030 con số này là 150 công trình.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, là quốc gia đang phát triển, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã gây áp lực đáng kể lên cả cơ sở hạ tầng và môi trường, đặc biệt là áp lực về nhu cầu nhà ở, tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải và ô nhiễm ngày càng tăng.

Để đối phó với những thách thức phát triển xanh, bền vững, phát thải carbon thấp tiến tới phát thải ròng bằng 0, Chính phủ đã khởi xướng có nhiều hành động và chính sách nhằm thúc đẩy công trình xanh. Tuy nhiên, việc áp dụng công trình xanh ở Việt Nam hiện nay vẫn còn có nhiều rào cản và thách thức.

Ngoài khó khăn do tác động của đại dịch Covid, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, Bộ Xây dựng cho rằng các chủ đầu tư dự án công trình xanh còn gặp những khó khăn về:tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh; thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh...

Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát triển công trình xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng: Cơ hội và thách thức” do Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, xây dựng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển công trình xanh tổ chức.

Sự kiện bao gồm chuỗi các sự kiện hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khóa đào tạo tăng cường năng lực, cuộc thi kiến trúc xanh sinh viên được tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước trong đó các hoạt động cao điểm diễn ra từ 27-28/9/2023 tại TP.HCM.

Chủ đề: Vật liệu xanh,
Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.