06/12/2020 9:10 PM
Theo các chuyên gia kinh tế, trên phạm vi toàn cầu, giá trị mua bán – sáp nhập (M&A) năm 2020 tính đến quý II/2020 đã suy giảm 52%, tuy nhiên Việt Nam được đánh giá ít bị tác động nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Theo đó, giới đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn tin vào sức bật của thị trường trong giai đoạn hậu COVID-19.

M&A trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới

Chú thích ảnh

Thời gian gần đây, lĩnh vực công nghiệp trong nước thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019; vốn thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Về hoạt động M&A, giá trị M&A năm 2020 tuy có suy giảm nhưng vẫn có nhiều thương vụ đáng chú ý, tạo nền tảng cho sự bứt phá mạnh hơn trong giai đoạn 2021 - 2022. Theo dự báo, thời điểm sau khi COVID-19 được kiểm soát, hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.

Nhóm nghiên cứu diễn đàn M&A Việt Nam (MAF RESEARCH) và Viện nghiên cứu đầu tư M&A (CMAC INSTITUTE) cho biết, dự kiến giá trị M&A năm 2020 tại Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với năm 2019 là 7,2 tỷ USD). Tuy giá trị M&A suy giảm, nhưng trong 6 tháng cuối năm, thị trường vẫn chứng kiến những thương vụ đáng chú ý, đặc biệt là những thương vụ mua lại hoặc tái cấu trúc của các tập đoàn tư nhân. Trong đó, giai đoạn 2019 – 2020, thị trường M&A chứng kiến sự “trỗi dậy” của các nhà đầu tư khối nội khi doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua chiếm 1/3 tổng giá trị M&A được thực hiện. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tích cực tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam.

Những thương vụ đầu tư, phát hành riêng lẻ có thể kể đến như KEB Hana Bank góp vốn vào BIDV với tỷ lệ 15% cổ phần, tương đương giá trị 878,61 triệu USD; KKR & Temasek góp vốn 6% cổ phần vào mảng bất động sản Vinhomes với giá trị 652,17 triệu USD; Sumitomo Life đầu tư 5% mảng tài chính Bảo Việt có giá trị 173 triệu USD; Aozora đầu tư 15% vào OCB với giá trị 139 triệu USD… Trong khi đó, các thương vụ mua lại, sát nhập đáng chú ý khác là Masan Consumer mua 86% ngành bán lẻ của VinCommerce & VinEco; Danh Khôi Holdings mua lại 100% Sun Frontier với tổng trị giá 920 triệu USD; Stark Corporation mua lại 100% Thipha Cables & Dovina (ngành công nghiệp) với giá trị 240 triệu USD; Central Group mua lại 51% Nguyễn Kim với giá trị 113,04 triệu USD; Yamato Koyo mua lại 49% Posco SS Vina (ngành công nghiệp) với giá trị 100 triệu USD; Vinamilk mua lại 75% GTN - Sữa Mộc Châu với giá trị 76 triệu USD…

Chú thích ảnh

Lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử cũng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm M&A.

Theo MAF và CMAC, qua các thương vụ M&A tại Việt Nam, bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ là những ngành thu hút và ưa chuộng nhất các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những lĩnh vực logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế, xây dựng cũng được quan tâm. Đáng chú ý, thị trường ghi nhận thêm nhiều thương vụ M&A của nhà đầu tư Nhật Bản khi chỉ trong 9 tháng năm 2020, có đến 19 giao dịch được công bố. Các lĩnh vực doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm là bất động sản, xây dựng, tài chính - ngân hàng, dược phẩm - y tế; trong đó đáng chú ý là Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% trong giai đoạn 2 dự án Grand Park của Vingroup; Ngân hàng Aozora mua lại 15% cổ phần OCB; Công ty dược phẩm ASKA mua 24,9% cổ phần của Công ty Dược Hà Tây…

Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng tích cực trong các hoạt động M&A với một số thương vụ đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm 2020 như: SK Investment III (công ty con của SK Group) nhận hơn 12 triệu cổ phiếu, tương đương gần 25% cổ phiếu của Imexpharm Corporation; Lotte Chemical (thuộc Tập đoàn Lotte) mua lại Công ty VinaPolytech; GS Caltex đã chi 39 tỷ đồng mua lại 16,7% cổ phần của VI Automotive Service (Công ty mẹ của VietWash)...

Các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục có những thương vụ M&A trong lĩnh vực sản xuất. Điển hình là thương vụ Tập đoàn Stark mua lại Công ty cáp điện Thịnh Phát và Dovina, Tập đoàn SCG mua lại Công ty bao bì Biên Hoà…

Triển vọng đột phá trong năm 2021

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, so với các năm trước, hoạt động M&A Việt Nam có giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng có thể hồi phục từ giữa năm 2021 nhờ nhiều chính sách quan trọng của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư như cơ sở hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo hành lang thông thoáng cho đầu tư.

Cụ thể, trong năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.

Chú thích ảnh

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định M&A sẽ phục hồi mạnh mẽ năm 2021 nhờ các chính sách quan trọng của Chính phủ.

“Lần đầu tiên, danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Chính phủ ban hành theo nguyên tắc chọn - bỏ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin và đánh giá đây là cải cách quan trọng, giúp nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường tương tự như nhà đầu tư trong nước đối với toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực không có tên trong danh sách trên.

Song song đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương hoàn thiện Chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, với mục tiêu ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại… Ngoài ra, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài cũng đã được thành lập để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đến đầu tư, nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.

Đặc biệt, ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết đã mở ra thị trường mới với gần 30% dân số thế giới và chiếm khoảng 29,1% GDP toàn cầu. Những tính toán cho thấy, RCEP có giá trị như một khoản đầu tư 7.200 tỷ USD với tỷ suất lợi nhuận 4% mỗi năm; giúp thương mại toàn cầu tăng thêm khoảng 1,9%. Hiệp định RCEP cùng với các Hiệp định thương mại tự do khác như EVFTA hay CPTPP chắc chắn sẽ tạo thêm động lực cho tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực cũng như toàn cầu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các hoạt động thương mại, đầu tư bị gián đoạn do đại dịch COVID-19.

“Những yếu tố quan trọng nói trên đang mở ra cơ hội mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2021 và những năm tiếp theo”, ông Trần Quốc Phương kỳ vọng.

Trong Diễn đàn M&A vừa được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện rất nhiều tổ chức, cá nhân với tư cách là các nhà tư vấn, bên mua và bên bán đều đang trải qua thời gian khá bận rộn để đưa các thương vụ đến điểm chốt, bất chấp những bất tiện nhất định về giao tiếp và gặp gỡ. Vì vậy, một sự trỗi dậy về quy mô và giá trị thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam dường như đang được rất nhiều người chờ đón trong thời gian tới, chỉ còn chờ một số điều kiện và tiền đề cần thiết.

Tuy nhiên, để thị trường đạt một tầm cao mới, vẫn cần chờ đợi những thương vụ lớn cũng như các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và doanh nghiệp. Nhóm nghiên cứu MAF và CMAC dự tính, chỉ cần Chính phủ quyết liệt đưa ra một vài thương vụ thoái vốn lớn thì mọi dự báo sẽ trở nên lạc hậu và giá trị M&A năm 2021 có thể sẽ ở một mốc khác cao hơn nhiều so với dự đoán. Bởi năm sau, Việt Nam cũng tổ chức xong Đại hội Đảng lần XIII và sự khởi đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới. Giới đầu tư kỳ vọng, sự kiện này sẽ là động lực thúc đẩy tiến trình thoái vốn và cổ phần hoá mạnh mẽ hơn. Xu hướng M&A trong một số lĩnh vực các nhà đầu tư kỳ vọng, đó là lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử, y tế, bất động sản, tài chính - ngân hàng...

Hải Yến (Báo Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.