17/03/2012 4:46 PM
Kinh doanh casino từ lâu đã là ngành công nghiệp hái ra tiền. Chính casino đã biến vùng sa mạc khô cằn Las Vegas phía Tây nước Mỹ thành kinh đô của thế giới đỏ đen, biến Macau thành thủ phủ cờ bạc của châu Á. Sức hấp dẫn của casino đang lan tỏa đến nhiều nước châu Á, trong đó có Singapore và sẽ đến Việt Nam…
Cuối tháng 8 - 2007, những nhà báo Việt Nam cùng hàng trăm nhà báo nhiều nước trên thế giới có mặt tại Macau theo lời mời của Tập đoàn Las Vegas Sands, tham dự lễ khánh thành khu phức hợp khách sạn - resort - casino Venice Macau (Venetian Macau Resort Hotel).
Tại cuộc họp báo lúc đó, trả lời câu hỏi của các nhà báo Việt Nam, tỉ phú Sheldon Adelson, chủ Tập đoàn Las Vegas Sands, nói rằng tập đoàn của ông sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam nếu điều kiện cho phép. Và đúng như vậy, chưa đầy 5 năm sau, đầu năm 2012, Sheldon Adelson có mặt ở Việt Nam để chào gói đầu tư khoảng 6 tỉ USD cho hai khu nghỉ dưỡng - khách sạn - sòng bạc ở TPHCM và Hà Nội.

Macau, sòng bạc và tiền

Nói đến Macau, người ta nghĩ ngay đến các sòng bài. Với diện tích chỉ có 30 km2 nhưng Macau có đến hàng trăm sòng bài lớn, nhỏ. Là thuộc địa của Bồ Đào Nha, đến năm 1999, Macau trở về với Trung Quốc, trở thành đặc khu hành chính. Cách đây hơn 10 năm, chính quyền Macau xóa bỏ độc quyền kinh doanh sòng bạc, cho phép nước ngoài vào đầu tư. Macau nhanh chóng trở thành thủ phủ cờ bạc của châu Á, cũng là nơi duy nhất thuộc Trung Quốc được phép công khai đánh bạc.


Khu phức hợp giải trí Venetian Macau Resort Hotel của Tập đoàn Las Vegas Sands. Ảnh: VENICE MACAU

Khu nghỉ dưỡng, khách sạn - sòng bài Venetian cực lớn, là kết quả của chính sách mở cửa đầu tư lĩnh vực này của Macau. Khu này rộng hơn 975.000 m2, cũng là tòa nhà lớn nhất châu Á lúc bấy giờ, với vốn đầu tư 2,4 tỉ USD, có 3.000 phòng nghỉ, nhiều khu mua sắm, bảo tàng, nhà hội nghị, khu du lịch, sân vận động có sức chứa 15.000 chỗ ngồi, có hệ thống 3 con sông đào uốn lượn
Đặc biệt, khu sòng bạc có 870 bàn đánh bạc với hơn 3.400 máy đánh bạc slot - là casino lớn nhất thế giới lúc đó. Venetian đã làm “tái sinh thủ đô giải trí ở châu Á cho người châu Á” - như phát biểu của tỉ phú Sheldon Adelson. Để Venetian hoạt động, cần đến một đội ngũ nhân lực lên đến hơn 16.000 người. Trước khi Venetian đi vào hoạt động, doanh thu về từ sòng bạc đã đem lại cho Macau 7,2 tỉ USD, vượt qua cả Las Vegas.

Venetian đã góp phần rất lớn biến Macau thành “thiên đường” giải trí, cờ bạc. Năm 2011, tổng doanh thu từ các sòng bạc ở Macau là 33,5 tỉ USD, tăng hơn 42% so với năm trước, bất chấp nền kinh tế thế giới đang rất khó khăn. Chỉ tính riêng trong tháng 1-2012 (trùng những ngày nghỉ Tết Nguyên đán), doanh thu từ các sòng bạc ở Macau tăng đột biến, đạt 3,13 tỉ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số đó cho thấy sức hấp dẫn của casino đối với nhiều quốc gia, dù người ta vẫn thấy rất rõ mặt trái của ngành kinh doanh này.

Singapore hợp pháp hóa casino

Hơn 40 năm qua, Singapore là một trong các quốc gia cấm kinh doanh casino. Khi ông Lý Hiển Long (nay là thủ tướng Singapore) còn là người đứng đầu Ủy ban Nghiên cứu các chiến lược tăng trưởng ở Singapore, ông đã ủng hộ quan điểm cấm các hoạt động casino. Nhưng chỉ vài năm sau quan điểm của ông đã thay đổi.

Khu phức hợp - nghỉ dưỡng casino Marina Bay Sands ở Singapore.
ẢNH CỦA TẬP ĐOÀN LAS VEGAS SANDS
Và khi ông Lý Hiển Long đảm nhận cương vị thủ tướng, casino đã có mặt hợp pháp ở đảo quốc này. Tháng 2-2010, Tập đoàn Genting Singapore khai trương Resort World Casino ở Sentos Land, với số vốn đầu tư lên đến 4,7 tỉ USD. Hai tháng sau, tháng 4-2010, Tập đoàn Las Vegas Sands của ông chủ Sheldon Adelson cũng khánh thành casino Marina Bay Sands, với số tiền đầu tư hơn 5,5 tỉ USD.

Điều gì đã làm nhà chiến lược kinh tế Lý Hiển Long thay đổi cả chiến lược phát triển quốc gia? Các nhà kinh tế phân tích Singapore muốn đa dạng hóa nền kinh tế của họ trong khi các ngành khác như tài chính, sản xuất công nghệ cao, hàng hải…bị các quốc gia khác đang cạnh tranh mạnh mẽ. Họ cho rằng việc phát triển casino là xu thế của nền kinh tế hiện đại, không muốn cũng phải làm, dù biết rõ những mặt trái của nó và dù bị nhiều nhà hoạt động xã hội, các tổ chức tôn giáo và cả người dân lên tiếng phản đối.

Và thật vậy, với hai khu nghỉ dưỡng - giải trí phức hợp này, Singapore nhanh chóng trở thành một trung tâm sòng bạc châu Á. Khách du lịch đến với đảo quốc này tăng vọt lên đến 11,6 triệu người trong năm 2011. Ngay trong năm 2010, hai casino này cũng đã đóng góp hơn 14,7% GDP cho Singapore. Các chuyên gia kinh tế quốc tế dự đoán Singapore sẽ vượt mặt Úc, Hàn Quốc để trở thành quốc gia có hoạt động casino - nghỉ dưỡng số 2 ở châu Á, chỉ sau Macau. Năm 2011, hai khu nghỉ dưỡng - casino này đạt doanh thu hơn 5,5 tỉ USD và dự kiến đến năm 2104 sẽ đạt 8,3 tỉ USD.

Đó chính là lý do vì sao Singapore phá vỡ “lời nguyền” cấm cửa casino. “Lời nguyền” tương tự cũng đang dần dần bị phá vỡ ở Nhật Bản – cũng là một trong các quốc gia dị ứng với hoạt động kinh doanh casino.

Đến Việt Nam

Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa hợp pháp hóa các hoạt động casino. Tuy nhiên, đã có nhiều dự án đầu tư nước ngoài, trong đó có các khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài như Silver Shores Hoàng Đạt Đà Nẵng, Hoàng Đồng Lạng Sơn, Hồ Tràm…

Và cũng không thể nằm ngoài xu thế, các nhà đầu tư casino nước ngoài đang nhòm ngó Việt Nam như là một điểm hấp dẫn của ngành công nghiệp hái ra tiền này. Quảng Ninh đang ngắm nghía dự án casino – khu nghỉ dưỡng Vân Đồn với số vốn đầu tư 4-5 tỉ USD. Phát biểu quan điểm của mình về việc đầu tư khu phức hợp nghỉ dưỡng - casino, ông Đặng Huy Mậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho rằng “Việt Nam nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.
Đầu năm 2012, ông trùm casino Sheldon Adelson đã đến Việt Nam không phải để đi du lịch. Ông Adelson tuyên bố thẳng rằng: “Tập đoàn Las Vegas Sands muốn được đầu tư vào Việt Nam, nhưng đây là quyết định của người dân và Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi”.
Trả lời báo chí, ông Adelson tuyên bố muốn đầu tư hai khu nghỉ dưỡng phức hợp – casino ở TPHCM và Hà Nội với tổng số vốn lên đến 6 tỉ USD, gồm tổ hợp nhà hàng, khách sạn, khu triển lãm, hội chợ, khu hội nghị, trung tâm mua sắm, spa, khu thể thao, rạp hát, rạp chiếu bóng, bảo tàng và nhiều dịch vụ giải trí khác, tất nhiên trong đó có casino.

Những tín hiệu đầu tư này hình như đã được các cơ quan có trách nhiệm rất chú ý khi mà, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết bộ này đã hoàn tất việc lấy ý kiến đóng góp dự thảo nghị định về các hoạt động kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.

Đang xem xét các dự án casino

Trong buổi đối thoại trực tuyến tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chiều 16-3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư - Bùi Quang Vinh cho biết tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất xây dựng khu giải trí phức hợp có casino. Các bộ, ngành khác cũng có ý kiến đóng góp cho dự án này. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng quan điểm của bộ là nếu có cho phép hoạt động casino thì tổ chức ở những nơi biệt lập và cấm người Việt vào chơi. Ông cũng khẳng định bộ đang xem xét dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Vân Đồn của Quảng Ninh; xác nhận Tập đoàn Las Vegas Sands có sang Việt Nam đặt vấn đề đầu tư.

Theo Người Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.