Vicem sẽ thu về bao nhiêu từ khoản đầu tư vào VietCredit?
Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc đấu giá bán cổ phần của Công ty tài chính CP Tín Việt (VietCredit - mã chứng khoán TIN) do Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) sở hữu.
Theo đó, Vicem sẽ bán đấu giá toàn bộ hơn 10 triệu cổ phiếu TIN vào ngày 29/8 tới đây với giá khởi điểm 71.759 đồng/cổ phiếu. Trong khi cổ phiếu TIN chốt phiên ngày 18/8 chỉ 12.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 6 lần so với giá khởi điểm mà Vicem đưa ra.
Nếu kết quả đấu giá thành công thì Vicem sẽ thu về tối thiểu 717 tỷ đồng. Việc doanh nghiệp này đưa ra giá khởi điểm bán cổ phần VietCredit quá cao khiến không ít nhà đầu tư trên thị trường tỏ ra nghi ngại.
Vicem thoái toàn bộ vốn tại VietCredit
Theo tìm hiểu, VietCredit tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC), được thành lập vào tháng 5/2008 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng. Trong đó, Vicem là cổ đông sáng lập góp 120 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 40%. Các cổ đông lớn khác là Ngân hàng Thương mại CP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) góp vốn với tỷ lệ lần lượt là 11% và 10,5%.
Sau 2 năm thành lập, vốn điều lệ của VietCredit tăng lên trên 600 tỷ đồng và Vicem vẫn là cổ đông sáng lập có số vốn góp lớn nhất với 240 tỷ đồng (tỷ lệ 39,7%).
Theo chủ trương của Chính phủ và được sự cho phép của Bộ Xây dựng, Vicem đã thoái vốn tại VietCredit với giá trị vốn góp là 144,92 tỷ đồng, tương ứng gần 15 triệu cổ phiếu.
Sau thương vụ thoái vốn lần 1 diễn ra vào năm 2015 thu về gần 166 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với vốn đầu tư ban đầu, Vicem còn nắm giữ hơn 10 triệu cổ phần (tương ứng 100 tỷ đồng vốn góp của Vicem tại VietCredit. Như vậy, tổng cộng Vicem ước thu về khoảng 883 tỷ đồng, cao gấp 7,3 lần vốn góp của Vicem tại Vietcredit.
Không chỉ Vicem, cổ đông sáng lập là Vietcombank cũng đã phải thoái toàn bộ vốn tại VietCredit theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Với việc cơ cấu cổ đông có nhiều thay đổi, tình hình kinh doanh của VietCredit cũng có nhiều biến động. Năm 2022, VietCredit đạt được kết quả lãi 75,6 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2021. Tới quý 1/2023, doanh nghiệp này báo lãi trước thuế đạt 54,3 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, đến quý 2/2023, VietCredit bất ngờ báo lỗ sau khi công bố báo cáo soát xét sau kiểm toán.
Cụ thể, báo cáo tài chính bán niên cho giai đoạn 6 tháng kết thúc ngày 30/6 của VietCredit công bố lần đầu ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 17 tỷ đồng. Trong đó bao gồm doanh thu ghi nhận từ một số loại phí phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng qua thẻ tín dụng.
Theo công bố mới đây, sau soát xét báo cáo tài chính bán niên, VietCredit đã điều chỉnh phân bổ doanh thu các loại phí này thay vì ghi nhận một lần tại thời điểm phát sinh như nhiều loại doanh thu phí khác, để đảm bảo tính thận trọng hơn trong việc ghi nhận doanh thu. Theo đó, kết quả hoạt động kinh doanh của VietCredit nửa đầu năm nay ghi nhận khoản lỗ 73,6 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của Vicem hiện ra sao?
Đánh giá về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nửa đầu năm 2023, Tổng Giám đốc Vicem Lê Nam Khánh cho rằng công ty đang đứng trước khó khăn nhất trong 120 năm hoạt động khi sản lượng tiêu thụ, xuất khẩu xi măng và clinker suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò…
Vicem đang đứng trước khó khăn nhất trong 120 năm hoạt động
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, sản lượng sản xuất xi măng 6 tháng đầu năm nay đạt 39 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất tăng mạnh, thiếu điện buộc doanh nghiệp xi măng phải tính toán lại phương án sản xuất kinh doanh năm nay.
Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ trong giai đoạn này đạt 43 triệu tấn, giảm 10%, trong đó tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Kênh xuất khẩu cũng không khả dĩ hơn. Tình hình tiêu thụ khó khăn tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines… khiến sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam sụt giảm kỷ lục. Qua 6 tháng, các doanh nghiệp xi măng mới xuất bán được 14 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với Vicem, 5 tháng đầu năm, tổng sản phẩm chính tiêu thụ của doanh nghiệp này đạt 9,7 triệu tấn với tổng doanh thu 13.701 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vicem cho biết, công suất thiết kế của các nhà máy xi măng ở Việt Nam lên đến 120 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu xi măng chỉ khoảng 65 triệu tấn, dư thừa gần một nửa. Hiện tồn kho clinker rất lớn, phải đổ ra các bãi ngoài trời, không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn làm ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do lĩnh vực bất động sản đóng băng, cả nước không có dự án lớn nào khởi công hay xây dựng. Trong khí đó, giá điện, than, vật tư, nguyên liệu đầu vào để sản xuất xi măng đều tăng đáng kể làm cho Vicem như đứng ngồi trên đống lửa.
Xác định nửa cuối năm 2023, tình hình thị trường xi măng trong và ngoài nước còn nhiều biến động, Vicem đã đề ra hàng loạt giải pháp để duy trì hoạt động, đảm bảo đời sống và thu nhập cho người lao động.
Thời gian tới, Vicem sẽ chú trọng công tác duy tu, bảo trì sản xuất ổn định; thực hiện tiết giảm chi phí sửa chữa máy móc, thiết bị, tiêu hao nguyên nhiên vật liệu để nâng cao sản xuất kinh doanh. Đồng thời, bám sát tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ giữa khối sản xuất và tiêu thụ để rà soát, xây dựng các kịch bản và linh hoạt lựa chọn phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên bám sát diễn biến thị trường tiêu thụ, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào để có các giải pháp xây dựng giá bán và chính sách bán hàng linh hoạt theo từng chủng loại, địa bàn, thị trường. Thực hiện nghiêm kỷ cương trong phối hợp thị trường về địa bàn, giá bán để tăng sức mạnh cạnh tranh và tận dụng lợi thế, quy mô của các đơn vị thành viên.
Cùng với đó, đa dạng sản phẩm xi măng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của khách hàng, của các thị trường; nghiên cứu sản xuất các sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu chất lượng của các thị trường khó tính.
-
Chuyện chưa từng có trong lịch sử đang xảy ra tại công ty xi măng lớn nhất Việt Nam
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đang đứng trước khó khăn nhất trong 120 năm hoạt động khi sản lượng tiêu thụ, xuất khẩu xi măng và clinker suy giảm, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò…
-
Lộ diện cái tên “đen” nhất ngành xi măng: Thua lỗ kéo dài, âm nặng vốn chủ, nợ một nữ đại gia 326 tỷ suốt hơn một thập kỷ
Tính đến ngày 30/6/2024, nợ phải trả của Xi măng Công Thanh ghi nhận hơn 19.550 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 7.300 tỷ đồng và các khoản chi phí lãi vay phải trả dài hạn là 10.557 tỷ đồng.
-
Âm vốn chủ sở hữu 7.700 tỷ, “khất nợ” nghìn tỷ trái phiếu đến hạn, kiểm toán cũng "cạn lời" với doanh nghiệp này
Phía kiểm toán tiếp tục từ chối đưa ra kết luận đối với báo cáo tài chính bán niên 2024 của Công ty CP Xi măng Công Thanh vì lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu và công ty chậm trả những khoản vay và trái phiếu đến hạn....
-
Nợ thuế tiền tỷ, nhà sản xuất xi măng 47 năm tuổi tại Tuyên Quang bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn
Công ty CP Xi măng Tuyên Quang vừa bị cơ quan thuế tỉnh Tuyên Quang ra quyết định cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn, do nợ thuế hơn 8,3 tỷ đồng.