09/06/2019 8:12 PM
Công trình xây dựng dở dang 8 năm nay tại Hà Nội đã được Tổng công ty Công nghiệp xi măng đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng (VICEM) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc triển khai chuyển nhượng dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM, nằm ở đoạn giao đường Phạm Hùng và Dương Đình Nghệ, thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Đây là dự án có diện tích đất xấp xỉ 8.500 m2. Theo quyết định phê duyệt năm 2010, dự án có quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm với tổng diện tích sàn 81.000 m2 ban đầu được dự kiến là Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM kết hợp cho thuê văn phòng. Tổng mức đầu tư dự kiến khi đó là 1.951 tỷ đồng, tuy nhiên trong quyết định năm 2011 thì con số này được điều chỉnh lên 2.743 tỷ.

Được khởi công vào 5/2011, tuy nhiên sau khi hoàn thành thi công xây lắp toàn bộ kết cấu phần ngầm và thân công trình thì dự án bị "đắp chiếu", suốt nhiều năm nay không triển khai thêm hạng mục nào. Chủ đầu tư cho biết hiện tổng chi phí đã rót vào dự án này vào khoảng 1.430 tỷ, bằng vốn tự có.

Trong báo cáo, VICEM cho biết từ năm 2016 đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về chủ trương tìm nhà đầu tư chuyển nhượng dự án nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chủ trương thoái vốn lĩnh vực ngoài ngành. Chủ trương này cũng được cơ quan quản lý như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đồng ý trên tinh thần bảo đảm nguyên tắc thị trường và thu lại lợi ích tối đa cho Nhà nước.

Hiện Tổng công ty cho biết đã thuê Công ty cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam đánh giá, đề xuất phương án xử lý dự án. Trên cơ sở đó, VICEM đã đề xuất với Bộ Xây dựng phương án chuyển nhượng toàn bộ dự án, song trong văn bản này chưa đề cập đến giá bán kỳ vọng.

Là một trong những doanh nghiệp chủ chốt trực thuộc quản lý của Bộ Xây dựng, nhưng vài năm gần đây Tổng công ty Công nghiệp Xi măng gặp không ít khó khăn khi nhiều công ty con liên tục làm ăn thua lỗ, cùng với đó là những sai phạm trong quá trình điều hành, dẫn đến việc thay đổi về nhân sự cấp cao.

Báo cáo tài chính năm 2018 ghi nhận tổng doanh thu VICEM đạt 1.691 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.052 tỷ. Tuy nhiên, đơn vị này cũng phải đối mặt với các khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng từ các công ty con. Cụ thể, VICEM Tam Điệp lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 khoảng 1.103 tỷ đồng, thuộc diện mất an toàn về tài chính. Ximăng Hạ Long và Ximăng Sông Thao cũng có hệ số nợ phải trả lớn hơn 3 lần vốn chủ sở hữu, thuộc diện mất an toàn về tài chính. Trong đó, Ximăng Hạ Long lỗ lũy kế đến hết 2018 khoảng 3.580 tỷ đồng, Ximăng Sông Thao lỗ lũy kế 410 tỷ.

Nguyễn Hà (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.