Ảnh minh hoạ.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiếp tục hút về 20.000 tỷ qua tín phiếu trong phiên 27/9, lãi suất trúng thầu 0,65% (cao hơn phiên trước (0,58%). Tổng cộng 5 phiên giao dịch vừa qua, NHNN đã hút gần 70.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.
Bình luận về động thái này của NHNN, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, động thái phát hành tín phiếu của NHNN là một công cụ trong chính sách tiền tệ, là hoạt động thường thấy từ các NHTW nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống. Mục đích của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.
Đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa có sự bứt phá và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát trong năm nay, nghiệp vụ này không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ, theo SSI.
Theo SSI, áp lực tỷ giá là một trong những nguyên nhân chính khiến NHNN phát hành tín phiếu trong cả hai giai đoạn tháng 6/2022 và tháng 9/2023. Công cụ chính sách tiền tệ này được thực hiện nhằm điều tiết bớt một lượng thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn – là một phần trong nỗ lực nhằm giảm mức chênh lệch lãi suất VND và USD và từ đó hạn chế các hoạt động đầu cơ trên thị trường.
Xét về bối cảnh quốc tế, áp lực đồng VND giảm giá trong cả hai giai đoạn 2022 và 2023 xuất phát từ trong bối cảnh đồng USD có khả năng tăng mạnh hơn đến từ những quyết định từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mặc dù vị thế Fed đã có sự thay đổi so với năm ngoái (2022 đánh dấu là năm đầu tiên của chu kỳ thắt chặt trong khi thời điểm hiện tại, Fed đã tiến gần đến giai đoạn cuối chu kỳ tăng lãi suất), đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh và tăng giá đáng kể so với các đồng tiền khác. Trong chiều ngược lại, NHNN đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng và việc sử dụng các công cụ phát hành tín phiếu này là bước đầu nhằm hạn chế áp lực tỷ giá.
Xét về bối cảnh trong nước, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đối với đồng VND ở mức dưới 1% tại thời điểm phát hành tín phiếu khi thanh khoản dồi dào trên toàn hệ thống (do tăng trưởng tín dụng chạm trần vào giữa năm 2022, trong khi hoạt động tín dụng chậm lại vào 2023). Điều này dẫn đến mức chênh lệch lãi suất liên ngân hàng giữa đồng VND và USD khá lớn (-100 điểm cơ bản trong 2022, trong 2 tháng liên tiếp và -500 điểm cơ bản trong 2023 cho 5 tháng liên tiếp), khiến các ngân hàng tăng mạnh nhu cầu nắm giữ đồng USD hơn đồng VND.
Động thái phát hành tín phiếu của NHNN có thể giúp điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND.
Vào ngày 11/9, tỷ giá chính thức tại các ngân hàng đã vượt qua 24.000 và đạt mức cao nhất từ đầu năm cho tới nay, tăng 2,6% so với đầu năm và tăng 3,8% so với đáy thời điểm giữa tháng 4 năm nay. Giá bán USD tại các ngân hàng thương mại đã ghi nhận vượt qua mức 24.500 VND/USD ở chiều bán.
Hiện tại, tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt và tiếp tục tìm đỉnh mới. Sáng 27/9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.088 VND/USD, tăng nhẹ 4 đồng mỗi USD so với phiên trước.
Trên thị trường tự do, giá USD cũng tăng mạnh lên khoảng 24.300 VND/USD chiều mua vào và 24.400 VND/USD chiều bán ra. Như vậy, giá USD tự do đang thấp hơn khá nhiều so với giá USD các ngân hàng thương mại.
-
Một ngân hàng có lãi suất tiết kiệm lên tới 11%/năm, kì hạn 12-13 tháng
Ngân hàng PVcombank niêm yết lãi suất cao nhất là 11%/năm cho kì hạn 12-13 tháng, áp dụng đối với sản phẩm tiền gửi Đại Chúng tại quầy cho số dư tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng trở lên.