21/05/2014 4:01 PM
Câu chuyện lợi nhuận vốn được giới ngân hàng tạm quên vì những khó khăn về nợ xấu, tăng trưởng tín dụng... Vậy nhưng, nhìn vào báo cáo tài chính (BCTC) quý I/2014 của nhiều ngân hàng cho thấy, mặc dù những vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết, nhưng lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng mạnh. Vì sao vậy?

Hình minh họa

Theo nhận định của chuyên gia, khác với mọi năm, lợi nhuận của ngành Ngân hàng không đến nhiều từ hoạt động tín dụng do áp lực giảm lãi suất, mà chủ yếu đến từ nguồn thu dịch vụ, tiết giảm chi phí, xử lý nợ xấu… "Đây là nỗ lực của ngành Ngân hàng và là điều mà thị trường mong muốn", một chuyên gia bình luận.

Lợi nhuận khởi sắc

Gây bất ngờ nhất phải kể đến Techcombank. Theo BCTC mà Techcombank công bố, lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong quý I/2014 đạt 673 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ, đạt 57% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2014. Trong đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 435 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 65% tổng lợi nhuận trước thuế, tăng đáng kể so với số cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 122 tỷ đồng và 30%.
BIDV cũng là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao. Theo BCTC quý I/2014, lợi nhuận trước thuế quý I/2014 của BIDV tăng 29% so với quý I/2013 và đạt gần 1.950 tỷ đồng. Ngân hàng SHB cũng có mức tăng trưởng ấn tượng 27% với lợi nhuận 277 tỷ đồng. Vietinbank và Vietcombank cũng đạt lợi nhuận trước thuế quý I/2014 quanh mức 1.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 20 - 30% kế hoạch năm 2014.

Tuy vậy, dẫn đầu về lợi nhuận vẫn là MB. Theo BCTC quý I/2014, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 809,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 636 tỷ đồng, tăng 1,4% so với quý I/2013. Dù vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của MB giảm 2,6% (quý I/2013 là 831,49 tỷ đồng) nhưng đây vẫn là mức lãi cao nhất trong Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam.

Bức tranh lợi nhuận quý I/2014 cũng cho thấy sự đi xuống hoặc sự nỗ lực vươn lên của từng ngân hàng. Đơn cử như ACB. Mặc dù đang còn vướng vào vụ của "bầu Kiên" và lợi nhuận quý I/2014 chỉ đạt 318 tỷ đồng (giảm 19,4% so với cùng kỳ), nhưng nhìn vào nguồn thu của ngân hàng này cho thấy kết quả tái cơ cấu đã bắt đầu thể hiện.

Đó là, trong khi thu nhập lãi quý I giảm (do áp lực giảm lãi suất để tăng trưởng tín dụng) nhưng các nguồn thu nhập khác đều cao hơn, như thu nhập ròng từ phí dịch vụ tăng 17,1% và đạt 200 tỷ đồng, thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 51 tỷ đồng, so với mức lỗ là 84 tỷ đồng trong quý I/2013 (do liên quan đến việc mua vàng trả lại cho người gửi vàng)…

Cũng liên đới tới vụ của "bầu Kiên", nhưng lợi nhuận quý I/2014 của Eximbank tương đối khả quan. Theo BCTC hợp nhất quý I/2014 của Eximbank, lợi nhuận trước thuế quý I là 444,76 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp vào đó là thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đã tăng 3,3% lên 836,38 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, lên 68,51 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối của Eximbank trong quý I là hơn 38 tỷ đồng, trong khi quý I năm 2013 lỗ 1,86 tỷ.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số ngân hàng vẫn cho thấy sự giảm sút lợi nhuận rõ rệt. Ví như DongABank với lãi sau thuế sụt giảm đến 60% xuống 404 tỷ đồng, Ngân hàng Quốc Dân, tiền thân là Navibank, cũng sụt giảm đến 86% lợi nhuận trước thuế với vỏn vẹn 3 tỷ đồng…

Vẫn chưa ổn định

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu, thay đổi cơ cấu nguồn thu hướng đến an toàn, giảm phụ thuộc vào tín dụng. Tuy nhiên, quá trình này mới bắt đầu chuyển động, nên không loại trừ tình huống những quý tới của nhiều ngân hàng sẽ không suôn sẻ như quý này.

Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến lợi nhuận. Trước tiên là lãi suất. Tính đến 22/4, tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới đạt 0,62%, nên sẽ là áp lực không nhỏ cho các ngân hàng trong cuộc chạy đua tăng trưởng tín dụng trong những quý tới. Mà một trong những giải pháp để đẩy mạnh tín dụng đó là lãi suất. Giảm lãi suất thời điểm này vừa là để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, vừa là để ngân hàng cứu mình.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất này đã ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận ngân hàng, vì dù đang nỗ lực, nhưng tín dụng vẫn đóng góp chính vào lợi nhuận của ngân hàng. Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết, việc lựa chọn khách hàng tốt mà chấp nhận cho vay lãi suất thấp mà an toàn còn hơn là lãi suất cao nhưng rủi ro. Vì cho vay những khách hàng này ngân hàng không phải mất nhiều chi phí khác như đòi nợ, trích lập dự phòng rủi ro.

Một nguyên nhân nữa cũng trực tiếp tác động đến lợi nhuận ngân hàng, đó là nợ xấu. Nhìn vào kết quả của các ngân hàng trong quý I/2014 đều cho thấy sự tăng trở lại của nợ xấu. Nhiều ngân hàng bị tác động bởi điều này.

Ví như lợi nhuận trước thuế quý I/2014 của Sacombank giảm hơn 11% so với cùng kỳ, đạt 793,8 tỷ đồng mà nguyên do là nợ xấu tăng từ 1,45% cuối 2013 lên 1,86%. Hay như DongABank với nợ xấu tăng lên gần 4% khiến cho lợi nhuận giảm 60%; ACB cũng có nợ xấu tăng lên 3,27% so với con số 3% cuối năm ngoái…

Với những diễn biến trên, rõ ràng, hoạt động ngân hàng vẫn chưa ổn định, lợi nhuận của các ngân hàng còn bị tác động bởi nhiều yếu tố mang tính bất ngờ. Hơn nữa, theo nhận định của giới chuyên gia, hoạt động ngân hàng còn nhiều tác động, nhất là khi Thông tư 09 có hiệu lực. Khi đó, nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng lên, trích lập dự phòng cũng sẽ khắt khe hơn, vì thế sẽ tác động nhiều tới lợi nhuận ngân hàng.

Vậy nhưng, giới chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng xử lý dứt điểm nợ xấu để phục hồi sức khỏe tài chính trong tương lai. Để làm được điều đó, việc giảm lợi nhuận, thậm chí là thua lỗ cũng phải tính đến và đó là điều cần thiết.

Minh Huệ (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.