Ngân hàng tung ra nhiều ưu đãi
Nhìn chung, tháng 4/2021, các ngân hàng thương mại Nhà nước có lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức thấp chỉ từ 5-6%/năm và cho vay trung dài hạn ở ngưỡng 7-8%/năm. Lãi suất cho vay của các ngân hàng quốc doanh vẫn giữ ở mức thấp hơn một chút so với khối ngân hàng thương mại cổ phần.
Từ đầu tháng 4/2021, Ngân hàng Vietcombank giảm mạnh lãi suất cho vay xuống còn 6,79%/năm trong 6 tháng đầu tiên hoặc 7,29%/năm trong 12 tháng đầu tiên.
Vietcombank cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với toàn bộ dư nợ vay hiện hữu. Theo đó, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả cho các khách hàng doanh nghiệp và giảm 5% số tiền lãi phải trả cho các khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Khách hàng cá nhân cũng được giảm lãi suất 0,2 điểm phần trăm khi vay vốn sản xuất, kinh doanh. Dự kiến, đợt giảm lãi suất lần này có khoảng 105.000 khách hàng với quy mô tín dụng 350.000 tỷ đồng, chiếm hơn 40% dư nợ của Vietcombank.
Bên cạnh đó, các khách hàng cá nhân nhận lương qua Vietcombank sẽ được vay vốn với mức lãi suất giảm 0,1%/năm so với lãi suất vay thông thường. Khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh có thể vay vốn mức lãi suất “siêu ưu đãi’ chỉ 5,7%/năm.
VietinBank tiếp tục gia hạn chương trình “Vay ưu đãi, lãi tri ân” đến ngày 30/6/2021, tăng quy mô gói cho vay ưu đãi lãi suất trung và dài hạn lên đến 50.000 tỷ đồng. Đây là chương trình ưu đãi lãi suất cho vay với quy mô vốn lớn nhất năm 2020 và 2021 của Vietinbank.
Các ngân hàng đang có lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức thấp chỉ từ 5-6%/năm. Ảnh minh họa
BIDV cũng đang áp dụng gói cho vay lãi suất thấp từ 3,8-5,5%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, 4-6%/năm kỳ hạn 3-6 tháng và 4,5-6,5%/năm kỳ hạn 6-9 tháng áp dụng đến hết ngày 30/9.
HDBank cũng công bố giảm lãi suất cho vay, trong đó thấp nhất là 3%/năm đối với các cá nhân và các doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi Covid-19. HDBank còn hỗ trợ người cho mua nhà vay với hạn mức lên đến hai tỷ đồng/khách hàng, lãi suất ưu đãi từ 9%/năm.
Vietbank cũng triển khai chương trình “Chung tay cùng doanh nghiệp năm 2021” và “Gắn kết doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2021” với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ 6,8%/năm. Riêng mục đích giải ngân phục vụ sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu thì lãi suất cho vay chỉ từ 6,5%/năm (VND) và 3%/năm (USD).
ABBank đang áp dụng gói cho vay hạn mức 1.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,4%/năm cho khách hàng với nhu cầu mua ngoại tệ và mức lãi vay từ 4,9%/năm với nhu cầu vay bổ sung vốn. ABBank cũng dành 4.000 tỷ cho các khách hàng SME và SSE vay ngắn hạn dưới 12 tháng với mức lãi từ 6,2%/năm.
Xu hướng giảm lãi suất cho vay cũng đang diễn ra tại một số ngân hàng vừa và nhỏ. Mức giảm dao động từ 0,1 đến 0,4 điểm phần trăm mỗi năm, chủ yếu áp dụng các khoản vay ngắn hạn.
Theo số liệu trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay và huy động đã giảm từ 2,5 - 3,5% so với mặt bằng lãi suất năm 2015 - 2016. Mức lãi suất áp dụng cho các lĩnh vực ưu tiên là khoảng 4,5%, giảm 2,5% so với năm 2016. Lãi suất cho vay bình quân hiện nay của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của ASEAN+4.
Lãi suất còn dư địa giảm?
Kết thúc quý 1 GDP tăng 4,48%, hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng lần lượt 22% và 26,3%. CPI tháng 3 tăng 1,16%, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2016. Như vậy, CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29% và là mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 19/3/2021, tăng trưởng tín dụng là 1,47% so với đầu năm, gấp 2,16 lần so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn mức tăng trưởng 0,54% của tiền gửi. Tốc độ tăng cung tiền M2 ổn định ở quanh mức 13%-14% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng.
Thực tế, lãi suất cho vay giảm chưa tương xứng với lãi suất huy động, khiến biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng đều ở mức cao. Cụ thể, trong năm 2020, lãi suất huy động giảm 2 - 2,5%/năm, trong khi lãi suất cho vay chỉ giảm từ 1 - 1,5%/năm. Do đó, NIM của hầu hết các ngân hàng đã tăng rất mạnh và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%. Vì vậy, nếu lãi suất tiền gửi vẫn duy trì ở mức thấp, các ngân hàng sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay bằng cách thu hẹp NIM về mức thông thường là 3,5%.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Vì thế, kể từ ngày 17/5 tới đây, các ngân hàng sẽ thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ và miễn giảm lãi suất cho vay cho khách hàng với thời gian thực hiện kéo dài đến ngày 31/12/2021.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết nếu các chỉ số nêu trên diễn biến tích cực, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất cả huy động và cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Cùng với đó là yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí để giảm lãi suất hỗ trợ người dân.
Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước cho rằng cũng phải cảnh giác với những dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới (như giá nguyên liệu được dự đoán tăng 30% trong năm nay) hoặc một số lĩnh vực khác, kể cả việc dịch chuyển giữa các dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, chứng khoán, thị trường bất động sản …
Theo số liệu được Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú đưa ra mới đây, tính đến ngày 15/3, tín dụng bất động sản tăng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (khoảng 2,04%).
Ngân hàng Nhà nước vẫn theo xu hướng muốn siết chặt hoạt động cho vay bất động sản để kiểm soát tốt hơn vấn đề dư nợ bất động sản. Cụ thể, Thông tư 22/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm nay đã giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Điều này có thể hạn chế phần nào vốn đang đổ vào thị trường bất động sản đang đang có dấu hiệu tăng mạnh.
Như vậy, nhìn chung thị trường tài chính đang có dấu hiệu rất tích cực. Nhiều khả năng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ổn định trong thời gian tới. Thậm chí lãi suất vẫn còn có thể giảm hơn nữa khi mà lạm phát vẫn đang khá thấp và dư địa tăng trưởng tín dụng vẫn còn lớn.
-
Lãi suất cho vay bất động sản sẽ tăng?
CafeLand - Về việc lãi suất huy động tăng trong thời gian gần đây, giới chuyên gia cho rằng đây là tình trạng riêng lẻ ở một số ngân hàng chứ chưa phải là xu hướng chung. Việc tăng lãi suất cho vay nói chung và cho vay bất động sản nói riêng phụ thuộc khá nhiều vào con số lạm phát trong quý 2, quý 3 tới.
-
Techcombank: Chính sách thuế quan của ông Trump ít ảnh hưởng tỷ giá và lãi suất của Việt Nam năm 2025
Trong báo cáo mới đây, Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính Ngân hàng Techcombank nhận định rằng do ít có nguy cơ bị áp thuế cao, tác động chính sách của chính quyền ông Donald Trump sẽ không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến diễn biến ...
-
Lộ diện ngân hàng có lãi suất tiết kiệm trên 8%/năm
Tháng 11 chứng kiến xu hướng điều chỉnh lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng.
-
Một ngân hàng số tăng kịch trần lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng lên cao nhất thị trường
Ngân hàng số Cake by VPBank vừa cập nhật biểu lãi suất mới, trong đó kỳ hạn 1 tháng lên tới 4,1%/năm lãi suất, cạnh tranh mạnh với các ngân hàng quốc doanh.