Duyệt một đường,làm một nẻo
Năm 2007, TP. Hà Nội chính thức phê duyệt cống hóa mương đoạn phố Phan Kế Bính (quận Ba Đình) để làm điểm trông giữ xe nhằm giảm tải bức xúc trên địa bàn. Thế nhưng, thay vì trông giữ xe, một trung tâm thương mại 3 tầng với chức năng nhà hàng kiêm phòng trưng bày sản phẩm lù lù mọc lên.
Án ngữ ngay mặt đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) là khu đất đắc địa gắn biển số lộc phát (địa chỉ 68 Lê Văn Lương) cũng trong danh sách làm bãi đỗ xe. Trong tổng số 6.500m2 của khu đất này, điểm trông giữ xe chỉ chừng vài trăm m2 nhưng nó tạm bợ chứ không phải là điểm đỗ xe với đầy đủ công năng như đã được phê duyệt.
Ngay tại trung tâm Thủ đô, lô đất 3.000m2 tại số 16 Phan Chu Trinh được quy hoạch là điểm đỗ xe cho khu vực Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Hàm Long, Lý Thường Kiệt... nhưng nay đã trở thành tòa nhà cao tầng và là trụ sở một ngân hàng. Khu "đất vàng" 1.400m2 tại góc phố Hai Bà Trưng - Hàng Bài do công ty Nhựa Hà Nội sử dụng, dự kiến xây dựng bãi đỗ xe nhiều tầng ngầm và nổi để thay thế các điểm đỗ trên hè phố Hai Bà Trưng, Hàm Long, Hàng Trống, Bà Triệu... Tuy nhiên, hiện đang xây dựng thành tòa nhà cho thuê, văn phòng cao cấp. Quanh khu vực bờ Hồ Hoàn Kiếm một dự án trông giữ xe trên phố Tràng Thi do xí nghiệp Xe đạp Viha từng quản lý được phê duyệt. Thế nhưng, hiện nay là siêu thị...
TP. Hà Nội đang rất cần những bãi gửi xe.
Tất cả phải vì lợi ích của dân
Năm 2003, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định số 165/2003/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn đến năm 2020, do viện Quy hoạch, đô thị, nông thôn - bộ Xây dựng lập. Theo đó, điểm đỗ xe được chia thành 3 loại với tổng diện tích là 503,32 ha. Thực tế đã không diễn ra như vậy, hàng loạt các khu "đất vàng" trước đây được phê duyệt làm bãi trông giữ xe, hiện tại đã biến tướng, thay đổi công năng sử dụng và điều đó vô hình trung khiến cho kế hoạch, chủ trương của ngành giao thông vận tải về tăng các điểm trông giữ xe tĩnh (đáp ứng được khoảng 20 - 25% nhu cầu gửi xe của người dân đến năm 2020- PV) khó trở thành hiện thực.
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên giám đốc, tổng biên tập NXB Giao thông vận tải (bộ Giao thông vận tải) cho biết: “Hiện tại, thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 10 - 15% nhu cầu của người dân trong lĩnh vực này. Trong khi đó, tất cả những bãi, điểm trông giữ xe chủ yếu được tận dụng từ những vỉa hè, những khoảng đất trống hay những tuyến đường tại các khu đô thị, trường học, bệnh viện... mà chưa có điểm trông giữ xe nào thật sự hiện đại, văn minh, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, kỹ thuật có thể chứa được 500 - 1.000 xe".
TS. Nguyễn Xuân Thuỷ nhấn mạnh, chúng ta không nên nhìn vào lợi ích trước mắt, dành "đất vàng" cho trung tâm thương mại mà nên đầu tư cho đỗ xe, từ đó mới tạo hiệu quả lớn cho Thủ đô, cho xã hội. Ngoài ra, cũng có thể so sánh việc ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên sẽ gây lãng phí rất lớn về nhân lực, gây thất thoát về kinh tế cho Nhà nước kể cả về hữu hình và vô hình. Theo ước tính sơ bộ, việc thất thoát này, tính cả TP.Hà Nội và Hồ Chí Minh, mỗi năm không dưới 20.000 tỷ đồng. Vậy thử hỏi, mỗi năm trung tâm thương mại có giúp cho mỗi thành phố đạt được 100 tỷ đồng hay không?! Đấy là con số định lượng rõ ràng!
Theo sở GTVT Hà Nội, nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc về điểm đỗ xe cho người dân, thời gian qua, đơn vị này đã cho triển khai hàng loạt dự án bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố. Hiện nhiều dự án đã hoàn thành hoặc đang được triển khai xây dựng như: Bãi đỗ xe chợ Hàng Da, Chợ Mơ, Gia Thụy, bãi đỗ xe lắp ghép giàn thép cao tầng tại các tuyến phố (như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Công Trứ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải). Nhưng điều đáng nói là nhiều khu đất từng được quy hoạch làm bến, bãi, điểm đỗ xe đã được chuyển đổi mục đích sử dụng. |