Quan sát diễn biến giá vàng gần đây (biểu đồ bên dưới) dễ dàng nhận thấy giá trong nước thường thấp hơn, và biến động chậm hơn giá thế giới. Dòng chảy thị trường vàng đang nghẽn, khiến cho mối lợi rơi lọt vào túi những người biết cửa đưa vàng ra thế giới.
Các chức năng công cụ đầu tư, thanh toán của vàng đang giảm dần trong đời sống thị trường.
Ở công cụ thanh toán, các hoạt động mua bán nhà, bất động sản hiện nay hầu hết đều thanh toán bằng tiền đồng. Ba năm trở lại đây hiếm thấy doanh nghiệp bất động sản nào rao bán căn hộ tính theo giá vàng.
Còn trong lĩnh vực trang sức, vai trò của vàng cũng đã giảm khi các nhà sản xuất nữ trang liên tục tung ra các dòng sản phẩm làm từ vàng 10 – 12K, áp dụng kỹ thuật chế tác mới. Bên cạnh đó, việc định giá trang sức theo món, theo thương hiệu khiến cho người mua khi cần bán phải chịu lỗ từ 30 – 40%.
Ở công cụ đầu tư, sàn vàng đã đóng cửa. Các ngân hàng cũng không còn mặn huy động vàng do không có đầu ra nên lãi suất huy động vàng vào ngân hàng từ mức 4,5 – 5%/năm xuống còn 0,05%/năm. Trước đây, thời kỳ lãi suất cao (năm 2008) và khó vay, doanh nghiệp còn vay vàng đổi lấy tiền đồng. Nay doanh nghiệp không vay vàng vì ngại rủi ro giá vàng biến động.
Ảnh: SGTT
Qua thời lướt sóng
Tuy giá vàng trong nước vẫn theo nhịp lên xuống của thị trường vàng thế giới, song có độ trễ và xuất hiện chênh lệch giá khá bất thường.
Có lúc, vàng trong nước cao hoặc thấp hơn thế giới, với chênh lệch giá từ 200.000 tới 300.000 đồng mỗi lượng. Có khi mức chênh lệch lên tới trên 500.000 đồng mỗi lượng. Giới kinh doanh giải thích rằng sự chênh lệch này chủ yếu do không còn sự liên thông.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có tính toán, khi giá vàng thay đổi bất thường, thì khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra thường được bên mua nới ra. Điều này khiến cho người muốn lướt sóng vàng khó có cơ hội thu lời lớn.
Những người từng lướt sóng vàng cũng có trải nghiệm không mấy tốt đẹp qua các đợt sóng vàng, giờ cũng ít tham gia. Từ tháng 3 đến nay, hầu hết các tiệm vàng chúng tôi tiếp xúc đều cho biết lượng giao dịch giảm. Số lượng thống kê ở hai doanh nghiệp lớn là PNJ và SJC cũng thể hiện điều này. Trước tết năm ngoái, lúc sôi động giao dịch của SJC và PNJ cộng lại lên tới 40.000 – 50.000 lượng mỗi ngày. Còn trong hai ngày 8 và 9.6 vừa qua – những ngày được xem là giao dịch sôi động, cũng chỉ 4.000 – 6.000 lượng mỗi ngày.
Hoạt động sôi nổi, từng mang lại lợi nhuận cao cho giới kinh doanh vàng là chốt giá mua bán với nhau, nay cũng đã giảm hẳn. Bà chủ tiệm vàng Kim Hoàn ở chợ Bàn Cờ kể: “Giá bây giờ biến động quá bất thường, gần như không chủ tiệm nào dám ôm vàng để qua đêm. Lúc nào cũng hai tay hai máy điện thoại, đầu này vừa mua vô thì đầu kia phải kiếm chỗ bán ngay lập tức”.
Sau vụ bể nợ ở một vài doanh nghiệp có tiếng trong giới kinh doanh vàng, hoạt động hùn vốn của nhiều tiệm vàng nhỏ cùng lướt sóng vàng vật chất theo các đầu mối lớn gần như không còn. Các kiểu kinh doanh như gửi vàng của tiệm này cho tiệm kia xoay vòng lấy lãi mỗi lượng kiếm thêm từ 30.000 – 40.000 đồng mỗi ngày ít xảy ra hơn. Ngay ở doanh nghiệp lớn như PNJ, thì trạng thái cân bằng giữa mua và bán hiện nay không tính theo ngày, mà chỉ còn chừng ba giờ đồng hồ cho mỗi vòng xoay vốn.
Cửa ra xuất khẩu
Bà Nguyễn Phạm, một trong những mối mua bán vàng sỉ ở Việt Nam hiện nay nhận xét: “Giá lên hay xuống trong nước thời gian gần đây phụ thuộc vào lực mua bán của những đơn vị nắm giữ nguồn vốn lớn cả ngàn tỉ đồng trở lên”.
Chẳng hạn hôm 8 và 9.6 vừa qua, lúc giá vàng thế giới tăng vọt thì các đơn vị này không vội mua, nên giá trong nước chỉ nhích lên chầm chậm.
Đến lúc khoảng cách chênh lệch đạt đến trên 400.000 đồng/lượng thì trong khoảnh khắc họ áp dụng hai tay hai máy điện thoại, tay này bung lệnh mua, tay kia họ chốt giá bán liền cho nước ngoài, hàng sẽ giao sau khi chế tác thành “nữ trang”. Nhưng khi giá trong nước đã tăng lên, thì họ giảm mua ngay.
Ngoài ra, thời gian giao hàng phụ thuộc vào thời gian chế tác. Cách mua bán như vậy khiến cho giá vàng trong nước lệch nhịp với bên ngoài về thời gian cũng như mức giá.
Giới kinh doanh vàng cho biết, một cửa khác là xuất lậu. Tuy nhiên, phải sau 72 giờ mới có thể giao hàng đến nơi, nên cửa này khá hẹp. Phải có đầu mối ở nước ngoài chốt giá mua, mới làm được. Còn nếu cứ mua khi thấy giá trong nước thấp để xuất đi, thì có khi không kịp, vì giá thế giới đang trồi sụt rất nhanh.
Cafeland.vn
theo SGTT