Sau một đợt giảm giá mạnh đến 30-50% cách đây khoảng hai tháng, hiện nhiều dự án tiếp tục tung chiêu giảm giá, khuyến mãi quà tặng có giá trị, giãn tiến độ thanh toán hay tăng chiết khấu nhằm thu hút khách hàng, song tình hình cũng không mấy khả quan. Nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù giá bất động sản (BĐS) đã giảm về đáy, tuy nhiên vẫn còn khá cao so với thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam.
Hầu hết dự án BĐS trên địa bàn TP.HCM rơi vào tình trạng chậm tiến độ, trong đó đa số ngưng thi công vì thiếu vốn. Do đó, khách hàng cần tìm hiểu kỹ năng lực chủ đầu tư trước khi mua nhà nếu dự án chưa xây xong - Ảnh minh họa
Đủ chiêu
Mới đây, chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp Morning Star (Q.Bình Thạnh) đã công bố giảm 18% giá bán căn hộ, xuống còn 25 triệu đồng/m2. Dự án chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh (Q.5), với giá bán khoảng 1,5 tỷ đồng/căn, chủ đầu tư cũng giảm 15% giá bán. Công ty CIC8 cũng đang giảm giá bán căn hộ tại dự án Green Building (Q.9) từ khoảng 15 - 16 triệu đồng/m2 xuống còn 11 - 12 triệu đồng/m2…
Không chỉ giảm giá, nhiều chủ đầu tư còn tăng chiết khấu hay hỗ trợ vay ngân hàng (NH) lên đến 85%. Theo Công ty Hưng Thịnh Land, doanh nghiệp này vừa mở bán căn hộ tại dự án Âu Cơ Tower (Q.Tân Phú), với giá từ 1,1 tỷ đồng/căn. Khi mua căn hộ, khách hàng được chiết khấu đến 7%. Đặc biệt, dự án này được NH hỗ trợ vay đến 85% giá trị căn hộ với lãi suất chỉ 12%/năm. Tương tự, Công ty HVK cũng vừa mở bán 100 căn hộ của dự án The Eastern (P.Phú Hữu, Q.9), với mức giá khoảng từ 1,2 tỷ đồng/căn hộ hoàn thiện, đã bao gồm VAT. Khi mua căn hộ, khách hàng chỉ cần đặt cọc 10% là có thể nhận nhà, 85% còn lại sẽ thanh toán sau đó. Nếu khách hàng đóng vượt 10% sẽ được chủ đầu tư trả lãi suất.
Công ty TNHH Việt Thuận Thành, chủ đầu tư của hàng loạt dự án tại TP.HCM, Đồng Nai, Đăk Lăk còn chơi trội hơn khi cam kết sẽ nhận lại nhà, hoàn trả tiền gốc và tiền lãi theo lãi suất NH (tính theo thời điểm hoàn trả vốn), nếu khách hàng không có nhu cầu nhận căn hộ khi bàn giao nhà. Chính sách này được Việt Thuận Thành áp dụng cho dự án V_Citilight ở Biên Hòa, Đồng Nai. Những dự án có quy mô lớn, vốn đầu tư nước ngoài không áp dụng chính sách giảm giá nhưng giãn tiến độ thanh toán, như Khu đô thị sinh thái EcoLakes Mỹ Phước (Bình Dương) đã nới chính sách thanh toán của mình từ hai năm lên ba năm.
Về đáy, nhưng vẫn còn cao
Đó là nhận định của TS Tô Văn Nhụ, chuyên gia BĐS. Theo ông, giá BĐS hiện đã về đáy và không thể giảm hơn nữa. Những dự án của Công ty Hoàng Anh Gia Lai được xem là giảm mạnh nhất. Có dự án giảm từ 45 triệu đồng/m2 xuống mức dưới 20 triệu mỗi m2 nhưng những người có nhu cầu vẫn khó mà với tới. Với thu nhập của người Việt Nam hiện nay, giá BĐS vẫn còn cao, dù giá vật liệu xây dựng đã giảm xuống mức chấp nhận được. Chính vì thế, thị trường chưa thể khởi sắc được. Ông Nhụ tính toán, một m2 sàn tương đương 0,2m2 đất, cộng với các chi phí, một m2 nhà hiện chỉ khoảng 13 - 14 triệu đồng. Với mức này, chủ đầu tư chỉ hòa vốn, chứ không có lãi. Tuy nhiên, đa số dự án vẫn không thể bán được.
Vẫn theo ông Nhụ, với tình hình như hiện nay, chủ đầu tư từ nhỏ đến lớn đều nợ ngập đầu vì những khoản đầu tư trước đây, khi thị trường sốt ảo. Chính vì thế, nếu không đẩy được hàng thì càng khó khăn hơn. Thời điểm này là lúc để người có nhu cầu mua nhà, vì giá nhà đất không thể xuống hơn được nữa. Đồng thời, đây cũng chính là thời điểm để Nhà nước triển khai mua lại nợ của các doanh nghiệp (DN) BĐS, sau đó bán giá rẻ cho người dân.
Một DN BĐS cho rằng, những dự án giảm giá, khuyến mãi trong lúc này hầu như mang tính hình thức là nhiều vì chỉ những khách hàng có tiền mặt mới có thể hưởng những ưu đãi. Ngoài ra, không ít dự án giảm giá ảo, nghĩa là giảm giá trên giá thị trường chứ không phải giá do chủ đầu tư đưa ra. “Đây là thời điểm để các chủ đầu tư vơ vét khách hàng trong lúc lãi suất NH xuống thấp. Tuy nhiên, sự e dè với dự án căn hộ thời gian qua khiến thị trường vẫn ế ẩm, mặc dù nhiều chiêu được DN tung ra”, một DN nhận xét.