Tháng 10 vừa qua, Trung Quốc lần đầu tiên chứng kiến sự rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi nước này kể từ năm 2007.
Theo bình luận của tờ Wall Street Journal, đây có thể là kết quả của những lo ngại đối với sức khỏe kinh tế toàn cầu và những kỳ vọng suy giảm về sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ.

Báo này cho biết, trong mấy tháng gần đây, dòng vốn nước ngoài chảy vào Trung Quốc đã chậm lại khi giới đầu tư không còn đặt kỳ vọng cao vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nhiều nhà đầu tư quốc tế còn phải rút vốn về nước để giải quyết tình trạng thắt chặt tại thị trường trong nước.

Giờ đây, giới đầu tư có thêm một lý do nữa để rút vốn khỏi Trung Quốc. Nếu như trước kia, hy vọng đồng Nhân dân tệ sẽ tăng giá liên tục là một lý do quan trọng để họ đổ vốn vào Trung Quốc, thì đến nay, kỳ vọng này đã chấm dứt.

Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh gần đây liên tục có những phát ngôn nhấn mạnh họ muốn đồng nội tệ biến động theo cả hai chiều tăng giảm, đồng nghĩa sẽ không có chuyện đồng Nhân dân tệ chỉ có tăng giá. Mức thặng dư thương mại của Trung Quốc với thế giới đang diễn biến theo hướng thu hẹp dần cùng với sự suy giảm nhu cầu của thị trường thế giới, khiến những lập luận cho rằng Trung Quốc định giá đồng nội tệ thấp hơn giá trị thực không còn mạnh như trước.

“Giới đầu tư lo ngại tỷ giá đồng Nhân dân tệ giờ có thể diễn biến theo cả hai chiều tăng và giảm. Ba năm trước, có lẽ đồng tiền này đã bị định giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực. Nhưng bây giờ, trên cơ sở những dòng tiền ra vào Trung Quốc, đồng tiền này đã có mức tỷ giá hợp lý”, chuyên gia kinh tế Tim Condon thuộc ngân hàng ING nhận định.

Theo số liệu mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vừa công bố, lượng vốn ròng mà các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc trong tháng 10 vừa qua lên tới 24,89 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 3,91 tỷ USD, so với lượng vốn ròng chảy vào trị giá 247,3 tỷ Nhân dân tệ trong tháng 9.

Nếu không tính thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng, thì mức rút vốn này còn “khủng” hơn, lên tới 132,29 tỷ Nhân dân tệ.

Chuyên gia kinh tế Yu Song của Goldman Sachs cho rằng, các nhà đầu tư có thể đang rút vốn khỏi Trung Quốc để giải quyết những khó khăn ở thị trường trong nước. Theo chuyên gia này, thị trường bất động sản suy yếu và sự suy giảm niềm tin vào kinh tế Trung Quốc có thể cũng là những lý do dẫn tới sự rút vốn. Tuy nhiên, trong những tháng tới, mối lo này có thể được khắc phục nếu kinh tế Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.

Với tình hình hiện nay, ông Song cho rằng, sự giảm giá nhất thời của đồng Nhân dân tệ so với USD dễ dàng xảy ra, nhưng ông Song không kỳ vọng sự giảm giá này của đồng Nhân dân tệ sẽ kéo dài.

Đồng điệu với tâm lý bi quan trên thị trường tài chính toàn cầu hiện nay, Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn hồi cuối tuần vừa qua đã lên tiếng cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng trì trệ kéo dài. “Với những bất ổn hiện nay, điều duy nhất mà chúng ta có thể chắc chắn là cuộc suy thoái toàn cầu do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới gây ra sẽ kéo dài”, ông Vương Kỳ Sơn phát biểu.

Không rõ ông Vương Kỳ Sơn có dự báo về một cuộc suy thoái toàn cầu mới không, hay chỉ nhận định về sự tiếp tục của thời kỳ u ám trong nền kinh tế thế giới kể từ năm 2008. Tuy nhiên, nhận định của vị quan chức cao cấp này nằm trong một loạt những tuyên bố gần đây từ Bắc Kinh cho thấy họ sẽ sàng phản ứng trước sự xấu đi của tình hình kinh tế thế giới bằng cách nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.

Trước đây, những dòng vốn nước ngoài khổng lồ chảy vào Trung Quốc buộc các nhà hoạch địch chính sách nước này phải thắt chặt chính sách tiền tệ để tạo sự cân bằng. Tuy nhiên, với sự rút lui của vốn ngoại hiện nay, các chuyên gia kinh tế nhận xét, cánh cửa nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ mở rộng hơn, chẳng hạn việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại.

Một khi giới đầu tư đã không còn đặt cược “chắc như đinh đóng cột” vào sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ nữa, cuộc tranh luận về tỷ giá đồng tiền này cũng thay đổi theo. Các quan chức và giới làm luật Mỹ từ lâu vẫn cho là Trung Quốc cố tình định giá thấp đồng nội tệ để giành lợi thế cho các nhà xuất khẩu trong nước.

Tuy nhiên, bên lề hội nghị cấp cao Đông Á diễn ra ở Bali, Indonesia vào Chủ nhật vừa rồi, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng, thì trường gần đây đã tạo áp lực giảm giá đối với đồng Nhân dân tệ. Từ cuối tháng 9 tới đầu tháng 11, thị trường các sản phẩm phái sinh đồng Nhân dân tệ cho thấy các nhà đầu tư đang kỳ vọng ở sự giảm giá của đồng tiền này.

“Những gì đang xảy ra không phải do một bàn tay điều khiển nào đó, mà là phản ứng của thị trường đối với tỷ giá đồng Nhân dân tệ, chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những thay đổi trong tỷ giá đồng Nhân dân tệ… và sẽ khuyến khích đồng Nhân dân tệ và sẽ khuyến khích đồng Nhân dân tệ biến động linh hoạt theo cả hai hướng” người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc nói với người đứng đầu Chính phủ Mỹ.
Theo An Huy (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh