Hiện nay, việc mua bán các khu chung cư phải được căn cứ vào hợp đồng mua bán nhà và các quy định Nhà nước về mua bán chung cư đã được quy định trong Quyết định số 08 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Theo đó, khi bán nhà chung cư kèm theo hợp đồng là phải có các quy chế về quản lý nhà chung cư, trong đó nêu các chi phí, dịch vụ mà người mua phải nộp, phân biệt diện tích sử dụng chung và riêng để không xảy ra tranh chấp. Nhưng thực tế, chưa hề có một hợp đồng bán nhà chung cư nào có quy định cụ thể về các chi phí, dịch vụ mà người mua phải trả.

Lí do để các chủ đầu tư "bầy nhầy" trong việc đưa ra một mức chi phí, dịch vụ, cụ thể là bởi, cách xác định mức giá này Bộ Xây dựng đã ban hành, nhưng lại tùy theo điều kiện thực tế để áp dụng. Trong khi đó, TP Hà Nội hiện vẫn chưa ban hành khung giá cụ thể nên vẫn xảy ra tranh chấp. Dự thảo đề án giá vẫn đang được Sở Xây dựng trong quá trình hoàn thiện.

Vì sao chủ đầu tư chung cư hay bị kiện?


Chính điều này dẫn tới thời gian vừa qua có quá nhiều vụ người dân sống tại các khu chung cư kiện chủ đầu tư. Như một cư dân sống trong chung cư Keangnam cho biết với mức phí quản lý 18.600 đồng/m2/tháng, căn hộ có diện tích nhỏ nhất tại đây cũng phải mất mỗi tháng 2 triệu đồng, đó là chưa kể các loại phí khác phải đóng như phí gửi ôtô, xe máy... Trong khi phí trông giữ xe ô tô mỗi chiếc là 1.462.000 đồng/tháng, nếu trông giữ xe ô tô theo lượt là 20.000 đồng/2 giờ; phí trông giữ xe máy là 104.000 đồng/tháng, nếu trông giữ xe máy theo lượt là 10.000 đồng/lượt, nếu trông giữ xe máy qua đêm là 60.000 đồng/chiếc. Nhiều chủ đầu tư muốn "kinh doanh" trên phí dịch vụ này để thu lợi nhuận cao.

Đa số chung cư hiện nay đều theo mô hình quản lý mà chủ đầu tư lập ra để nắm độc quyền, áp đặt người dân về giá dịch vụ. Trong khi đó, mô hình ban quản trị tòa nhà được xem là "thanh gươm" bảo vệ quyền lợi của người dân dù đã được Luật Xây dựng quy định rõ phải thành lập khi có 80% số dân về ở, nhưng những ban quản trị như thế vẫn chỉ là giấc mơ với nhiều khu chung cư. Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm phân tích: Nếu thành lập ban quản trị mang lại lợi ích cho chủ đầu tư thì họ sẽ đẩy nhanh việc xúc tiến, còn ngược lại, việc lập ban quản trị có thể khiến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận hành chung cư có nguy cơ bị hất cẳng, thì sẽ bị chủ đầu tư tìm cách trì hoãn.

Về chất lượng chung cư còn nhiều điều đáng bàn hơn nữa. Cũng vẫn tòa nhà Keangnam được chủ đầu tư rầm rộ quảng cáo về chất lượng lại có thể xảy ra sự cố kinh hoàng, tận tầng 26, 27 tòa nhà A bị nước ngập đến đầu gối. Hay vụ tai nạn làm một người bị kẹt và chết trong thang máy ở chung cư CT3 khu đô thị Yên Hòa, quận Cầu Giấy mới đây được xem là lời cảnh báo cho chất lượng của nhiều thang máy đang vận hành tại các khu chung cư cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội.

Còn tại các khu nhà chung cư Dịch Vọng, Mỹ Đình, Nam Trung Yên, Trung Hoà - Nhân Chính, Đại Kim - Định Công, Pháp Vân - Tứ Hiệp có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng lún, nứt, đứt gãy tại nền móng của nhiều toà nhà. Theo Thông tư số 11/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng về chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng, thì tất cả các dự án chung cư cao tầng đều phải có chứng nhận sự phù hợp về chất lượng và quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, đến nay, chưa có đơn vị nào đứng ra giám sát các nội dung này. Các quận, huyện cũng ít khi tiến hành kiểm tra chất lượng các dự án chung cư cao tầng trên địa bàn nên sự xuống cấp vẫn đều đặn diễn ra mà không có nhiều động thái khắc phục của chủ đầu tư.

TP Hà Nội và cả nước đang theo xu hướng phát triển các khu đô thị, hướng người dân tới sinh sống tại các khu chung cư. Nhưng đi cùng sự phát triển quá nhanh các khu chung cư, rất cần những quy định ràng buộc có tính pháp lý và các biện pháp kiểm tra giám sát thường xuyên để bảo vệ quyền lợi người dân sống trong chung cư một cách kịp thời.
Theo Xuân Thanh (PLXH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.