11/11/2020 9:30 PM
Các dự án hợp tác công tư có nhiều khó khăn đã làm nhiều nhà đầu tư e ngại không muốn tham gia, nếu không sớm giải quyết thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án PPP giao thông.

Thi công nền đường một phân đoạn của tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Cuối tuần qua, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định hủy thầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà đầu tư không đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Đây là dự án thứ hai trong tổng số năm dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) buộc phải hủy thầu.

Trước đó, ngày 12/10/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định hủy thầu đối với dự án thành phần đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. Trong khi đó, ba dự án còn lại (Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo) cũng đang trong quá trình thẩm định hồ sơ kỹ thuật.

Nhận xét về dự án PPP không chọn được nhà đầu tư, thậm chí có dự án không có một nhà đầu tư nào tham gia, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, nguyên chuyên gia tư vấn cao cấp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cho rằng hai dự án PPP cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn-Quốc lộ 45 và Nghi Sơn-Diễn Châu đấu thầu không thành công, buộc phải hủy thầu, chứng tỏ không có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

“Nếu cấp thẩm quyền tiếp tục yêu cầu tổ chức đấu thầu lại sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi khi đó, nếu vẫn không có nhà đầu tư tham gia, tiến độ triển khai dự án càng kéo dài, gây lãng phí nguồn lực, công trình chậm đưa vào khai thác," ông Nguyễn Hữu Đức phân tích.

Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng trường hợp chuyển đổi sang đầu tư công, cơ quan có thẩm quyền cũng cần xem xét thận trọng bởi trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay, chúng ta phải phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng về tính cấp thiết, tầm quan trọng của hai dự án từ hiệu quả kinh tế, tài chính, đến cơ chế thực hiện.

Ông Bùi Quang Thái, Phó Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam không lựa chọn được nhà đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải đang rà soát, cập nhật lại số liệu, đề xuất sử dụng nguồn vốn phù hợp đối với hai dự án trên để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Là một trong những liên danh tham gia đấu thầu chọn nhà đầu tư của dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Quốc lộ 45- Nghi Sơn vừa bị Bộ Giao thông Vận tải hủy thầu, ông Muôn Văn Chiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng FCC (đơn vị thành viên của Công ty cổ phần FECON), chia sẻ việc Bộ Giao thông Vận tải hủy thầu dự án trên xuất phát từ lý do kỹ thuật khi một trong các thành viên liên danh tham gia không đáp ứng được về năng lực theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.

Cũng liên quan đến vấn đề tín dụng cho các dự án thuộc cao tốc Bắc-Nam, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải với một số ngân hàng thương mại diễn ra gần đây, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết tính đến nay, BIDV đang cấp vốn tín dụng cho 43 dự án BOT giao thông với tổng dư nợ khoảng 30.000 tỷ đồng. Ngân hàng cho vay đang gặp không ít khó khăn khi nhiều dự án phải cơ cấu lại nợ, có dự án thậm chí phải chuyển nợ xấu.

“BIDV đang còn rất băn khoăn khi xem xét tài trợ các dự án PPP cao tốc Bắc-Nam. Tuy nhiên, do đây là công trình trọng điểm quốc gia, BIDV sẵn sàng xem xét để thẩm định tài trợ vốn, trên cơ sở các dự án phải bảo đảm hiệu quả đầu tư, đáp ứng các quy định của ngân hàng và pháp luật. Điều quan trọng nhất hiện nay là Bộ Giao thông Vận tải cần sớm xử lý dứt điểm những tồn tại vướng mắc của các dự án BOT giao thông đã triển khai để ngân hàng có thể thu hồi nợ và xem xét cho vay các dự án mới," ông Trần Long cho hay.

Cũng tại cuộc họp này, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), cho hay hiện VietinBank là ngân hàng cấp tín dụng lớn nhất cho các dự án BOT giao thông, dư nợ đến nay đạt hơn 52.000 tỷ đồng tại 32 dự án.

Thời gian qua, VietinBank đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải xem xét xử lý dứt điểm vướng mắc của các dự án BOT đã đầu tư, Nhà nước cần bổ sung thêm nguồn vốn cho các dự án không đạt doanh thu theo phương án tài chính ban đầu và thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Khi đáp ứng được, Vietinbank sẽ xem xét tham gia tài vốn vào các dự án tiếp theo, trong đó có các dự án PPP cao tốc Bắc-Nam.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), nhận định có quá nhiều khó khăn tồn tại tại các dự án hợp tác công tư đã làm nhiều nhà đầu tư e ngại không muốn tham gia. Nếu không sớm giải quyết thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án PPP giao thông.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Chủng thông tin, vừa qua, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với VARSI tổ chức buổi gặp gỡ các đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi thông tin về các dự án đầu tư giao thông đường bộ Việt Nam theo hình thức PPP.

Tại cuộc gặp này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã nhận định từ thực tiễn trong quá trình triển khai dự án, trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư còn nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết. Có ba vấn đề cần phải tháo gỡ đối với lĩnh vực này gồm đảm bảo sự bình đẳng giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư; thay đổi cơ chế, chính sách ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án; cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư chưa sòng phẳng.

Do đó, để các nhà đầu tư yên tâm trở thành đối tác thì cơ quan nhà nước cần đảm bảo nguyên tắc bình đẳng và hài hoà lợi ích các bên. Thực tế chỉ cơ quan nhà nước mới được quyền yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện đúng các cam kết về tiến độ, về chất lương… nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng sẽ bị xử lý vì vi phạm hợp đồng. Ở chiều ngược lại, khi cơ quan nhà nước không thực hiện đúng cam kết, làm ảnh hưởng đến dự án, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng thì chưa có chế tài xử lý.

Đặc biệt, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chỉ quy định cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới (quy định ở bước phê duyệt chủ trương đầu tư) mà chưa làm rõ phạm vi cơ chế, cũng như hướng dẫn áp dụng đối với các dự án đã và đang triển khai nhằm chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án, kể cả các dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ triển khai khi Luật PPP bắt đầu có hiệu lực vào năm 2021.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đình Thiên - Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: “Tôi rất mừng khi cao tốc Bắc-Nam phía Đông nhà nước đã quyết định để cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện. Điều đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam lớn lên bằng những dự án lớn. Nhưng mà tạo cơ hội mà không tạo điều kiện thì khả năng là doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể làm được, đã tạo cơ hội thì phải tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp mới được.”.

Quang Toàn (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.