“Khu biệt thự, nhà ở liền kề” của Khu đô thị mới bắc Thành Cổ vẫn chỉ là một khoảng đất trống - Ảnh: N.P
Chưa xây biệt thự, đã lo chia lô bán nền
Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Trị cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án KĐT mới bắc Thành Cổ cho Công ty Sài Gòn với quy mô 63,63 ha, tổng vốn đầu tư 940 tỉ đồng. Đến tháng 12.2012, UBND tỉnh này điều chỉnh thay đổi với quy mô dự án chỉ còn 44,907 ha và vốn còn hơn 200 tỉ đồng. Trên các cơ sở này, UBND tỉnh đã giao đất (không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án) để Công ty Sài Gòn thực hiện “Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà biệt thự, nhà ở liền kề” thuộc KĐT mới bắc Thành Cổ, 2 đợt là 272.215 m2, trong đó đất ở là 168.879 m2, đất sản xuất kinh doanh là 20.856 m2... Khi vừa được giao đất, Công ty đã tự ứng vốn thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp) và san nền.
Đáng nói, dù có được rất nhiều ưu đãi từ phía UBND tỉnh, nhưng ngay từ đầu Công ty CP Sài Gòn đã có nhiều “lùm xùm”. Cụ thể, dù “vẽ” ra dự án là xây dựng nhà biệt thự, nhà ở liền kề nhưng dự toán lại không có kinh phí đầu tư xây dựng nhà biệt thự, nhà ở liền kề. Và đến ngày 10.4.2013, cả tỉnh mới “ngã ngữa” với mẫu thông báo chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đất làm nhà ở tại KĐT mới bắc Thành Cổ của công ty này phát trên Đài PT-TH Quảng Trị (giá từ 290 - 390 triệu đồng/nền).
Hỏi ý kiến các bộ
Sau thông báo bán đất của Công ty Sài Gòn, ngày 17.6, Sở TN-MT đã đề nghị công ty này dừng mọi hoạt động liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo Sở này, việc làm của Công ty Sài Gòn vừa vi phạm điều 110 Luật đất đai năm 2003 vừa không phù hợp với Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ; ngoài ra trong hồ sơ quy hoạch, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định giao đất...không có quy định nào cho phép công ty phân lô bán nền.
Trong khi đó, phía Công ty CP đầu tư Sài Gòn cho rằng theo quy định tại điều 38 của Luật bất động sản thì công ty này được phép thực hiện việc làm trên. Nhưng lập luận này đã bị văn bản của Sở TN-MT do ông Đặng Trọng Vân (PGĐ Sở) ký: “Đối chiếu với điều 59 Nghị định 181/2004/NĐ-CP về Đất được tham gia thị trường bất động sản, trong đó theo điểm d, khoản 1 thì công ty phải xây dựng nhà ở mới tham gia thị trường bất động sản”.
Vụ việc bắt đầu nóng lên khi UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các sở, đơn vị liên quan và Công ty Sài Gòn nhưng các bên đã không đi đến được phương án thống nhất mà còn tranh cãi gay gắt. Chính vì vậy, ngày 5.9, UBND tỉnh cùng có văn bản gửi Bộ TN-MT và Bộ Xây dựng để xin ý kiến hướng dẫn.
Trong cả 2 văn bản, dù UBND tỉnh nêu quan điểm việc làm của Công ty Sài Gòn là chưa phù hợp với các quy định, nhưng vẫn đặt câu hỏi với các Bộ “Công ty có được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức bán nền hay không?”. Chưa hết phần cuối văn bản lại có một mục chê vùng đất thực hiện dự án (đất ngập lụt, nhân dân bỏ hoang, chịu hậu quả chiến tranh) và thông cảm với đơn vị thực hiện (trong tình hình ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế) nên UBND tỉnh đề nghị các Bộ điều chỉnh theo tinh thần áp dụng khoản 7 điều 4, Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Giao đất cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đấu giá quyền sử dụng đất ở cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.