Trước sự biến động mạnh của giá vàng trong thời gian gần đây, các NĐT kinh doanh vàng vật chất có xu hướng vay vàng của ngân hàng để kinh doanh, với kỳ vọng kiếm lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành vàng, nếu không thận trọng thì rủi ro khi vay vàng để kinh doanh là rất khó tránh, bởi các NĐT mượn vàng kinh doanh thường có xu hướng “đánh" xuống. Trong khi đó, giá vàng được dự báo còn tăng.

Giá vàng giao dịch trong ngày đầu tháng 9/2010 tiếp tục vững đà tăng. Trên thị trường thế giới, vàng đạt mức giá trên 1.250 USD/ounce. Còn vàng bán ra ở thị trường nội địa vượt 29 triệu đồng/lượng. Các NĐT kinh doanh vàng vật chất cũng muốn kiếm lời từ sự biến động rất mạnh này. Trong đó, một số NĐT đã mạnh dạn vay vàng của ngân hàng để kinh doanh. Theo các nhà băng, nhu cầu vay vàng của khách hàng có dấu hiệu tăng lên từ đầu tháng 8 và kéo dài đến nay.

Trong khi đó, nguồn vốn huy động bằng vàng của các ngân hàng giảm kể từ quý II/2010 khi hoạt động của sàn giao dịch vàng phải đóng cửa. Mặt khác, cũng trong thời gian này, lãi suất tiền gửi vàng được ngân hàng giảm sâu xuống mức 0,05 - 0,5%/năm khiến việc thu hút tiền gửi bằng vàng trở nên khó khăn. Vì thế, khi nhu cầu vốn bằng vàng của NĐT tăng trước sự biến động của giá vàng, gần đây một số ngân hàng đã tái tăng lãi suất huy động đối với vàng. Cụ thể, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vào cuối tháng 8/2010 vừa qua đã tăng lãi suất huy động vàng lần hai, thêm 0,2%/năm. Lãi suất huy động vàng của Eximbank được đẩy lên 0,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 1 - 3 tháng. Riêng các kỳ hạn gửi còn lại từ 4 - 60 tháng, Eximbank vẫn áp dụng mức lãi suất huy động ở mức cũ là 0,05%/năm.

Theo một cán bộ cấp cao của Eximbank, Ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động vàng là do nhu cầu tín dụng vàng có dấu hiệu tăng nhẹ trước bối cảnh giá kim loại quý này biến động trong thời gian gần đây. Khách hàng vay vàng phần lớn là các NĐT, muốn mượn vàng ngân hàng để bán trong khi vàng thế giới có xu hướng tăng lên. Sau đó kỳ vọng vàng giảm giá thì mua lại trả nợ cho ngân hàng.

Tương tự, Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng điều chỉnh tăng nhẹ đối với lãi suất huy động vàng. Lãi suất tiền gửi vàng hiện được ACB áp dụng dao động trong khoảng 0,55 - 0,6%/năm đối với vàng miếng nhãn hiệu ACB. Còn với vàng miếng thương hiệu SJC, ACB huy động với lãi suất tiết kiệm khoảng 0,45 - 0,5%năm, tùy từng kỳ hạn (1 - 36 tháng). Duy chỉ có kỳ hạn 13 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ), lãi suất huy động vàng của ACB áp dụng ở mức 0,9%/năm nếu là vàng ACB và 0,8% với vàng SJC.

Trao đổi với ĐTCK, ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của ACB cho biết, do nhu cầu vốn bằng vàng có dấu hiệu tăng nhẹ nên Ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động vàng từ cuối tháng 8 để thu hút tiền gửi. Theo ông Tài, lãi suất cho vay vàng mà ACB hiện đang áp dụng là 3 - 4%/năm.


Người dân đang mua vàng. ảnh minh họa

Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, các NĐT hiện nay rất cần có những sản phẩm để kinh doanh, nhất là trước bối cảnh TTCK khá buồn tẻ từ đầu năm đến nay, thay vì để tiền nhàn rỗi trong ngân hàng. Tuy so với tốc độ lạm phát, lãi suất tiết kiệm cao nhất 11,2%/năm hiện nay là thực dương, nhưng xem ra vẫn khó hấp dẫn dòng tiền nhàn rỗi. Đặc biệt là trước bối cảnh giá vàng trong nước tăng cao, vượt mức 29 triệu đồng/lượng và giá vàng thế giới lập kỷ lục mới.

Trong khi thị trường bất động sản vẫn ảm đạm và theo nhiều dự báo, giá nhà đất khó được cải thiện trong thời gian tới. Đồng thời, việc điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng thêm 2,1% vừa qua của Ngân hàng Nhà nước cũng ảnh hưởng đến tâm lý NĐT. Vì thế, kỳ vọng tìm kiếm lợi nhuận từ sự biến động giá vàng của NĐT gia tăng.

Tuy nhiên, do hoạt động sàn vàng đóng cửa nên hiện chỉ có thể kinh doanh vàng vật chất. Nhưng do việc đầu tư vàng vật chất đòi hỏi vốn lớn nên NĐT nhỏ khó "chen" chân. Với NĐT lớn, do không được ký quỹ như thời kỳ sàn vàng còn hoạt động nên thường có nhu cầu vay vàng để chốt lời khi giá thế giới tăng.

Có nghĩa, khi giá vàng thế giới tăng nhanh hơn giá trong nước, đồng thời các DN có nhu cầu "gom" vàng để xuất dưới dạng nữ trang, các NĐT kinh doanh vàng cảm thấy cần phải chốt lời nên đã thế chấp tài sản để vay vàng của ngân hàng bán lại cho DN. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực vàng, nếu sắp tới mặt hàng kim loại quý này trong xu hướng giảm thì NĐT sẽ kiếm được lợi nhuận. Nhưng ngược lại, khi vàng biến động theo chiều hướng tăng, rủi ro sẽ khó tránh. Bởi các NĐT khi vay vàng ngân hàng để kinh doanh thường có xu hướng "đánh" xuống.

Các dự báo đều cho rằng, khả năng vàng sẽ còn chiều hướng tăng vào dịp cuối năm. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, các nhà kinh doanh vàng vật chất hiện nay cũng đã tính toán khá kỹ khi có nhu cầu vay vàng ngân hàng để kinh doanh. Nhưng theo bà Cúc, với bối cảnh của thị trường hiện nay, khả năng vàng còn đạt đến mức 1.257 USD/ounce. Mặt hàng này chịu ảnh hưởng lớn từ giá cả thế giới, có khả năng tăng nóng hoặc đảo chiều bất kỳ lúc nào khi các NĐT trên thế giới chốt lời. Do đó, thận trọng là rất cần thiết.

Cafeland.vn - Theo DTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland