24/09/2013 1:05 PM
Theo ước tính của Bộ Xây dựng, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 20 tỉ viên gạch. Với đà phát triển này, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng là hơn 40 tỉ viên. Để đạt được mức đó, lượng đất sét phải tiêu thụ tương đương với 30.000ha đất canh tác. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề an ninh lương thực và các nguồn năng lượng không thể tái tạo trong tương lai.
Chung cư khu đô thị Xuân Phương sử dụng vật liệu gạch không nung
Để tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) không nung và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung, trong những năm qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo phát triển VLXD không nung để từng bước thay thế gạch đất sét nung, hạn chế sử dụng đất sét và than - những nguồn tài nguyên không thể tái tạo, góp phần bảo vệ an ninh lương thực, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải CO2.
Việc sản xuất VLXD không nung thay thế vật liệu nung truyền thống đang được Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm, và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung. Theo đó, từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% vật liệu không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây dựng. Với những ưu điểm đó, VLXD không nung là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường.
Gạch bê tông khí chưng áp là sản phẩm gạch cao cấp theo công nghệ sản xuất của Cộng hòa liên bang Đức, có trọng lượng thấp, khả năng cách âm, cách nhiệt rất tốt, thi công nhanh, khả năng chịu tải cao và rất thân thiện với môi trường. Gạch bê tông khí chưng áp được tạo thành từ các loại nguyên vật liệu như xi măng, vôi, cát vàng, phụ gia tạo khí, nước. Hỗn hợp được nghiền mịn và phối trộn chính xác bằng thiết bị định lượng. Đặc biệt, bên cạnh những đặc tính kỹ thuật mang tính hiện đại và hiệu quả hơn về mọi mặt so với phương pháp xây dựng thông thường hiện nay, đây còn là một VLXD không độc, mang tính tự nhiên, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Hiện nay nó trở thành vật liệu xây tường chủ yếu ở châu Âu và thị phần của nó đang phát triển ở nhiều nước, đặc biệt là châu Á và châu Phi.
Khu đô thị Xuân Phương do Công ty đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera là chủ đầu tư - một trong những khu đô thị trên địa bàn Hà Nội tiên phong sử dụng hoàn toàn gạch bê tông khí chưng áp để xây dựng các khu nhà chung cư và căn hộ liền kề. Theo ông Dương Đức Cường – Giám đốc công ty đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera cho biết, gạch bê tông khí chưng áp là VLXD của thời đại, vật liệu mang tính cách mạng vì nó kết hợp duy nhất nhiều đặc tính như trọng lượng thấp, khả năng cách nhiệt cao, khả năng chịu nhiệt tốt và kỹ thuật xây dựng đơn giản, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng và thân thiện với môi trường.
Ông Cường cũng cho biết thêm, không chỉ đối với khu đô thị Xuân Phương mà các khu đô thị do Tổng công ty Vigalcera làm chủ đầu tư như Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm), tòa nhà số 1 đại lộ Thăng Long, tòa nhà 671 Hoàng Hoa Thám đều sử dụng gạch bê tông khí chưng áp làm VLXD chính.
"Việc xây dựng khu đô thị xanh với một không gian mở đem lại cảm giác thân thiện với môi trường là một trong những tiêu chí mà khu đô thị Xuân Phương hướng tới. Hiện nay trên tổng diện tích 15 ha của khu đô thị Xuân Phương các căn nhà chung cư, các căn biệt thự liền kề đều được thiết kế không gian mở với nhiều ánh sáng và cây xanh với trên 11.000 m2 đất được dành cho cây xanh và hồ nước”, ông Cường chia sẻ.

Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng những VLXD thân thiện với môi trường đã khẳng định những bước đi đúng đắn của Nhà nước và Chính phủ. Theo kết quả mới được công bố của Bộ Xây dựng trong năm 2012 cả nước đã tiêu thụ 3,5 tỷ viên gạch xây không nung, tiết kiệm được khoảng 5,25 triệu m3 đất sét và 535 ngàn tấn than, cũng như giảm thiểu khoảng 2 triệu tấn khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Hiệu quả của việc sử dụng vật liệu xây không nung đã góp phần giữ gìn quỹ đất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, giảm thải ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của ngành công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã hội.

Anh Vũ (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.