05/05/2019 8:28 AM
Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích đưa gạch không nung vào xây dựng các công trình nhằm bảo vệ môi trường nhưng chính chủ đầu tư lại... không mặn mà.

Một công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước ở phường Hưng Bình, Tp Vinh, tỉnh Nghệ An vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư vẫn đưa gạch nung tuynel vào xây dựng

Thế nhưng, thực tiễn thì tại các dự án có sử dụng nguồn vốn nhà nước vẫn không hề đưa loại vật liệu xây dựng này vào hồ sơ thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế cơ sở… Thực trạng này đang khiến doanh nghiệp lỡ tay rót hàng chục tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất gạch không nung “sống dở, chế dở”.

Chủ trương một đường, địa phương làm một nẻo

Từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020. Mục tiêu của Chính phủ phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Chủ trương này cũng nhằm tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên phạm vi cả nước. Mặt khác, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành TƯ và địa phương hàng năm sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao …) để sản xuất vật liệu xây không nung, tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải.

Tiếp đó, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 10 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Theo đó, các công trình sử dụng vốn nhà nước như: Trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học… bắt buộc phải sử dụng VLXKN.

Cũng trong năm 2012, Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư 19 chỉ rõ, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình tại các đô thị thuộc loại 3 trở lên.

Nhà máy gạch không nung bơ vơ

Thực tế nhiều công trình sử dụng nguồn vốn nhà nước đầu tư tại các thành phố lớn vẫn mặc nhiên phê duyệt sử dụng gạch nung tuynel vào để xây dựng. Điển hình như TP Vinh (tỉnh Nghệ An), trong những năm gần đây, các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách của nhà nước vẫn mặc nhiên đưa gạch nung tuynel vào để thẩm định xây dựng. Trong khi đó, các nhà máy gạch không nung được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhằm “đi tắt, đón đầu” chủ trương lớn của Chính phủ rơi vào cảnh “sống dở, chết dở” vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” tại Cty CP VLXD- NTT, xã Sơn Thành, Yên Thành, Nghệ An là một ví dụ điển hình. Từ năm 2007, ông Nguyễn Hữu Thi – Giám đốc Cty CP VLXD-NTT đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng để mua sắm, lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch không nung với công suất 100 triệu viên/năm trên địa bàn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, sản phẩm do doanh nghiệp làm ra không thể tiêu thụ được.

Ông Thi cho biết, so với gạch đất sét nung, gạch không nung có các ưu điểm vượt trội, sử dụng ít nhiên liệu. Đặc biết, công nghệ sản xuất gạch không nung hoàn toàn sử dụng phế thải làm nguyên liệu nên bảo vệ môi trường rất tốt.

Ngoài ra, gạch không nung có ưu điểm nhẹ, có khả năng cách âm, cách nhiệt, giúp công trình đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm giá thành từ 6 - 8%. Trong năm 2011, công ty đã sản xuất “mẻ” đầu tiên 1 triệu viên, bán cho một số hộ dân. Tuy nhiên từ năm 2011 đến nay, công ty đã dừng sản xuất do chủ trương của Chính phủ không được các địa phương áp dụng.

Ngọc Thái (Enternews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.