11/08/2020 4:09 PM
Gốm (đất nung) là vật liệu đã có hàng ngàn năm, song hành cùng đời sống của con người. Vật liệu gốm trong kiến trúc cũng có lịch sử lâu đời, phát triển cùng với ngành kiến trúc–xây dựng của nhân loại.

Hoa văn lá đề trong Hoàng thành Thăng Long

Hoa văn lá đề trong Hoàng thành Thăng Long

Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, khi mà những vật liệu tự nhiên từ thời cổ đại như gỗ, đá dần bị thay thế trong vai trò vật liệu chính trong công trình thì vật liệu gốm vẫn hiện diện qua những thăng trầm thời gian, trong nhiều công trình. Và sang thế kỷ 21, mặc dù kiến trúc đã có những bước tiến mạnh mẽ thì gốm vẫn là một loại vật liệu quan trọng, chủ chốt để góp phần kiến tạo nên bản sắc ở những công trình hiện đại.

Từ kiến trúc truyền thống

Ngói trong kiến trúc truyền thống

Ngói trong kiến trúc truyền thống

Không kể những vật liệu như tranh, tre, nứa, lá – là những loại vật liệu có tính bền vững và tuổi thọ kém, thì đá và gỗ là những loại vật liệu bền vững đầu tiên trong lịch sử xây dựng. Các loại vật liệu này là những vật liệu thuần tự nhiên, được khai thác từ thiên nhiên và chỉ qua bàn tay con người ở công đoạn chế tác tạo hình, còn về đặc tính vật liệu thì con người không thể can thiệp.

Nhưng tới gốm – đất nung thì là một bước tiến dài trong công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng của người xưa. Từ vật liệu đất sét trong tự nhiên, qua quá trình lọc đất, nhào nặn, tạo khuôn, tạo hình rồi qua nung lửa; vật liệu ban đầu đã chuyển sang một hình thái khác với nhiều ưu điểm thích ứng được với những yêu cầu của vật liệu kiến trúc – xây dựng.

Cùng với sự ra đời của gốm xây dựng, cách thức xây dựng cũng thay đổi, khi chuyển đổi từ những cấu kiện lớn như đá, sang những đơn vị vật liệu nhỏ hơn như viên gạch, viên ngói. Chính điều đó làm kiến trúc linh hoạt và mềm mại hơn, công tác thi công cũng thuận tiện hơn. Vật liệu gốm xây dựng, tiêu biểu là gạch và ngói có nhiều ưu điểm như: Dễ dàng khai thác nguyên liệu nguồn (đất sét), chủ động tạo hình – kích cỡ trong sản xuất, bền vững trong điều kiện tự nhiên, tuổi thọ cao, khả năng chịu lực tốt (đối với gạch), dễ dàng vận chuyển…

Vật liệu gốm, cụ thể là gạch xây cũng góp phần làm thay đổi hình thức kiến trúc như khả năng vươn cao của công trình, điều mà đối với vật liệu đá là không dễ dàng. Đặc biệt, gốm có một chất cảm vật liệu ấm áp, gần gũi, rất phù hợp với cuộc sống, sinh hoạt của con người.

Trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, gốm là một loại vật liệu chủ chốt có mặt hầu hết ở các công trình kiến trúc, từ thành quách, cung điện, đình, đền, chùa, miếu, nhà ở… Vật liệu gốm được sử dụng chủ yếu là gạch xây và ngói lợp mái, ở một số công trình, gốm được sử dụng cho các cấu kiện, chi tiết trang trí. Gạch có thể sử dụng để xây móng, xây tường, xây trụ…

Mỗi loại công trình khác nhau, hay bộ phận công trình khác nhau có những loại gạch xây có quy cách, kích thước và đặc tính phù hợp. Ngói lợp mái có nhiều loại như ngói mũi hài, ngói vảy cá, ngói âm dương, ngói ống, ngói liệt… Những phát hiện khảo cổ học ở khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) đã cho thấy có rất nhiều chi tiết kiến trúc trang trí cung điện bằng gốm như hình rồng, hình phượng, hình lá đề… – những mô típ quen thuộc của thời phong kiến, ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo.

Bên cạnh gốm mộc, là loại gốm để nguyên bề mặt khi nung lửa, còn có gốm tráng men – được phủ lên bề mặt một lớp men – bản chất là phối liệu thủy tinh. Gốm tráng men có ưu điểm hơn là có khả năng chống thấm cao và chủ động trong việc tạo màu bề mặt. Ta có thể thấy gốm tráng men trong nhiều công trình di sản của triều Nguyễn ở Huế, với các loại ngói lợp mái, gạch hoa lan can hay gạch ốp đỉnh lan can.

Cùng với gạch xây, ngói lợp, các chi tiết trang trí kiến trúc; thì còn một loại vật liệu gốm nữa cũng không thể thiếu vắng, đó là gạch lát nền. Gạch lát nền có thể có hay không có hoa văn, được lát trong công trình, ngoài sân và lát đường trong hệ thống giao thông nội bộ. Hệ thống vật liệu gốm này vẫn tồn tại ở nhiều công trình kiến trúc truyền thống trên mọi miền đất nước.

Ở các công trình như ta đang đề cập, thì vật liệu gốm, bao gồm gạch xây và ngói lợp, gạch lát nền, cùng các chi tiết kiến trúc trang trí mặc dù đóng vai trò quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Với các công trình kiến trúc truyền thống của người Việt, thì bộ khung gỗ là quan trọng nhất để kiến tạo hình hài kiến trúc, còn gạch và ngói là những vật liệu góp phần hoàn thiện để tạo nên bộ mặt công trình và hoàn chỉnh công năng sử dụng.

Nhưng ở một loại hình kiến trúc khác ở Việt Nam, thì vật liệu gốm – cụ thể là gạch xây – đóng vai trò trên 90% cả chất liệu, kết cấu và hình thức công trình. Đó là những đền tháp của người Chăm vẫn còn hiện diện trên dải đất miền Trung ngày nay. Những tháp Chăm là những kiệt tác kiến trúc – điêu khắc, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng – tâm linh có lịch sử hàng trăm năm, ngàn năm; là những di sản vô giá của người xưa để lại. Kỹ thuật và nghệ thuật xây tháp Chăm bằng gạch vẫn còn là những bí ẩn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Vật liệu gốm nói chung là một loại hàng hóa gắn bó, quan hệ mật thiết với cách thức sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong quá khứ. Cùng với sự phát triển của kiến trúc và nhu cầu đời sống, ở Việt Nam có nhiều lò gốm, trung tâm sản xuất gốm có tiếng ở khắp mọi miền. Trong đó, có những làng gốm nổi tiếng với vật liệu gốm xây dựng như Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội) hay Thanh Hà (Hội An – Quảng Nam). Những làng gốm này để lại nhiều dấu ấn ở những công trình kiến trúc truyền thống mà không ít trong số đó vẫn còn tồn tại và trở thành di sản.

Tháp Chăm

Tháp Chăm

Công viên gốm Thanh Hà

Vật liệu gốm trong kiến trúc hiện đại

Kiến trúc hiện đại đã khác rất nhiều với kiến trúc truyền thống, từ hình thái tới hình thức kiến trúc, từ công năng đến thẩm mỹ, và đặc biệt là vật liệu. Ngày càng có nhiều loại vật liệu mới với những tính năng ưu việt, thay thế dần cho các loại vật liệu truyền thống, các loại vật liệu cũ. Bê tông, kính, thép đã và đang trở thành “tiếng nói” của kiến trúc hiện đại và tạo nên diện mạo kiến trúc ở các đô thị.

Về tổng quan, vật liệu gốm không còn là vật liệu chính yếu trong các công trình xây dựng – đặc biệt là những công trình lớn. Tuy vậy, không phải vì thế mà vật liệu gốm bị mai một hay “thất sủng”. Gốm vẫn có chỗ đứng riêng của mình với những cá tính, nét đẹp độc đáo. Ngoài ra, với đặc tính của mình, gốm đóng vai trò quan trọng trong một số chi tiết, cấu kiện của công trình mà các vật liệu khác không hay chưa thể thay thế.

Trong xây dựng hiện nay vật liệu gốm được dùng trong nhiều chi tiết, cấu tạo của công trình từ khối xây, tường bao che, lát nền sàn, ốp tường đến cốt liệu rỗng (kerazit) cho loại bê tông nhẹ. Ngoài ra, các sản phẩm gốm sứ vệ sinh là những bộ phận không thể thiếu trong các công trình xây dựng. Các sản phẩm gốm bền axit, bền nhiệt được dùng nhiều trong công nghiệp hóa học, luyện kim và các ngành công nghiệp khác.

Ưu điểm chính của vật liệu gốm là có độ bền và tuổi thọ cao, sản xuất từ nguyên liệu địa phương, có thể sản xuất ra các sản phẩm khác nhau thích hợp với các yêu cầu sử dụng, công nghệ sản xuất tương đối đơn giản, giá thành hạ.

Sản phẩm gốm được sử dụng rộng rãi và có tỷ trọng lớn nhất vẫn là gạch xây và ngói lợp. Mặc dù hiện tại gạch xây và ngói lợp đã có nhiều loại vật liệu khác thay thế nhưng các loại sản phẩm gốm này vẫn được ưa chuộng và có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường xây dựng.

Như phần trước đã đề cập, sản phẩm gốm chủ yếu sản xuất từ nguồn nguyên liệu địa phương, nên tiện lợi và chủ động trong việc thi công công trình, không tiêu tốn nhiều thời gian và chi phí vận chuyển, từ đó giảm giá thành xây dựng.

Kết cấu công trình hiện đại chủ yếu dùng khung bê tông cốt thép song với kết cấu bao che, ngăn chia chủ yếu vẫn dùng tường xây gạch. Hiện nay, trên thị trường xây dựng, các loại gạch không nung vẫn chưa phổ biến và chưa có khả năng cung ứng rộng rãi thì gạch đất nung vẫn là một loại vật liệu thông dụng được sử dụng nhiều, nhất là đối với những công trình vừa và nhỏ.

Bên cạnh các cơ sở sản xuất gốm thủ công thì nhiều nhà máy vật liệu xây dựng đã có những dây chuyền sản xuất vật liệu gốm có khả năng đáp ứng nhu cầu lớn về sản phẩm này.

Gạch chữ Thọ

Gạch chữ Thọ

Vật liệu gốm trong kiến trúc hiện đại

Vật liệu gốm trong kiến trúc hiện đại

Có thể phân loại công trình sử dụng vật liệu gốm thành những nhóm sau:

Công trình cổ được trùng tu, cải tạo, phục chế, phục dựng: Nhóm công trình này chủ yếu là những công trình di sản như nhà cổ, đình, đền, chùa, miếu, cung điện, lăng tẩm… Các công trình này xưa kia được xây dựng với vật liệu gốm chủ đạo nên việc sử dụng vật liệu gốm trong công tác trùng tu, cải tạo là cần thiết và bắt buộc.

Yếu tố bảo tồn di tích gốc để giữ tính nguyên bản công trình là vấn đề then chốt nên việc sử dụng vật liệu, trong đó có vật liệu gốm là rất quan trọng. Số công trình này trên phạm vi cả nước không hề nhỏ và vì thế, đây là một thị trường lớn, đầy tiềm năng;

Công trình xây mới theo lối kiến trúc truyền thống. Các công trình này gồm hai dạng chính: Một là các công trình giữ nguyên công năng cũ của kiến trúc truyền thống như đền, chùa, nhưng được xây mới với hình thức kiến trúc cũ, và vì vậy cũng sử dụng các loại vật liệu cũ, trong đó có vật liệu gốm. Có những công trình có quy mô lớn như chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam), quần thể công trình tâm linh ở Fansipan (Lào Cai), đền tưởng niệm Bến Dược (TP Hồ Chí Minh)…

Loại thứ hai là các công trình có công năng mới, được xây theo phong cách truyền thống. Các công trình này tập trung nhiều ở các trung tâm du lịch, địa điểm nghỉ dưỡng, các quán cà phê, nhà hàng… Kiến trúc truyền thống hòa lẫn với thiên nhiên, cảnh quan, cây xanh, mặt nước là mục tiêu của những thiết kế dạng này. Nhóm công trình này hiện đang rất phát triển trên nhiều vùng miền;

Các công trình có kiến trúc hiện đại: Thực ra, nhóm công trình này đã tồn tại rất lâu trong việc sử dụng vật liệu gốm. Tuy nhiên, sự hiện diện của gốm là không rõ nét, ví như việc xây dựng tường bằng gạch nhưng trát bề mặt và sơn. Song trong những năm gần đây, nhiều công trình hiện đại đã đưa vật liệu gốm vào như một hình thức kiến trúc đầy chủ ý.

Đó có thể là những bộ mái lợp ngói, hay việc xây gạch thô để trần không trát, hoặc sử dụng các loại gạch gốm lát nền, gạch gốm trang trí, gạch hoa gió, điêu khắc gốm… Kỹ thuật xây gạch trần không trát dường như đang được hồi sinh với nhiều công trình mang dấu ấn hiện đại với loại vật liệu tưởng như rất cũ này. Có thể kể tới công trình Viettel Academy của văn phòng Võ Trọng Nghĩa thiết kế, hay một số công trình của các văn phòng kiến trúc Tropical Space, H&P Architects…

Bên cạnh chất liệu gốm mộc để trần, gốm tráng men cũng là một loại vật liệu được sử dụng nhiều, mà tiêu biểu là gạch gốm mosaic trang trí. Loại vật liệu này có thể dùng ốp lát nhà vệ sinh, bể bơi, bể cảnh, làm tranh tường… Công trình sử dụng loại vật liệu này cũng có khá nhiều, thường tập trung ở các kiến trúc có yếu tố văn hóa, lịch sử với tranh tường, tranh hoành tráng.

Công trình có quy mô lớn và ý nghĩa có thể kể tới là Con đường gốm sứ ở Hà Nội (hoàn thành năm 2010). Ở các công trình này, gạch gốm mosaic được sử dụng thường không phải là vật liệu sản xuất sẵn có mà chế tác theo thiết kế nội dung.

Thay lời kết

Gạch hoa Chanh – Bát Tràng

Gạch hoa Chanh – Bát Tràng

Gốm là một loại vật liệu truyền thống có từ lâu đời. Gốm xây dựng có nhiều ưu điểm, đã được sử dụng phổ biến trong các kiến trúc truyền thống cũng như hiện đại. Việc phát huy những ưu điểm của vật liệu gốm trong kiến trúc hiện đại là điều đáng ghi nhận và khích lệ. Vẻ đẹp chân thực, giản dị, mộc mạc của gốm là nét riêng tỏa sáng, đưa chất liệu gốm tới đỉnh cao mỹ cảm.

Tuy vậy, trong bối cảnh xây dựng hiện nay, việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu khai thác tài nguyên, đang là vấn đề cấp bách đặt ra; thì việc sản xuất, sử dụng và tiêu thụ vật liệu gốm là những vấn đề cần nghiên cứu và cân nhắc. Nên chăng, sử dụng vật liệu gốm chỉ nên làm khi phát huy tối đa ưu điểm của vật liệu này, còn nếu không thì phải sử dụng vật liệu khác thay thế.

Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp quy hoạch vùng nguyên liệu, để khai thác hiệu quả và giữ gìn tài nguyên đất. Các cơ sở sản xuất vật liệu gốm cần cơ giới hóa, hiện đại hóa quy trình và dây chuyền, nhằm đạt tới hiệu suất cao và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, giảm thiểu việc thải sản phẩm lỗi vào môi trường.

Và mặc dù gốm có nhiều ưu điểm, nhưng không phải là không có những nhược điểm (như dễ vỡ bởi tác động cơ học, có thể bám rêu mốc…) nên việc sử dụng vật liệu gốm cho công trình – nhất là công trình hiện đại cần phải có thiết kế hợp lý, sử dụng vật liệu thích hợp để phát huy tối đa công năng và giá trị thẩm mỹ của loại vật liệu này, nhằm đưa tới giải pháp kiến trúc – vật liệu tối ưu cho công trình.

* ThS.KTS Nguyễn Thị Minh Phương - Khoa Nội thất và Mỹ thuật, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.

Chủ đề: Gạch ốp lát,
Theo Tạp Chí Kiến Trúc
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.