Thị trường bất động sản năm 2018 và 2019 từng được dự báo sẽ đi xuống theo chu kỳ 10 năm. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong năm 2018 cho thấy thị trường vẫn phát triển ổn định. Theo thống kê của VARS, trong năm 2018, nguồn cung và lượng giao dịch thành công ở các phân khúc thị trường bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở đều có sự tăng trưởng tốt.
Cụ thể, tổng nguồn cung bất động sản nhà ở đạt 175.000 sản phẩm, tăng khoảng 20% so với năm 2017. Tổng lượng giao dịch thành công đạt 113.000 giao dịch, tỷ lệ hấp thụ của thị trường đạt 90%. Đặc biệt, các căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng nguồn cũng nhà ở tại thị trường Hà Nội và TP.HCM, lần lượt là 87,2% và 98,7%.
Cơ cấu căn hộ đã có sự thay đổi nhiều, với tỷ trọng các phân khúc trung cấp chiếm tới 41,3% thị phần, cao hơn so với phân khúc bình dân. Giá bất động sản không tăng nhiều, nhưng vẫn đứng ở mức cao.
Thị trường bất động sản du lịch tiếp tục phát triển mạnh ra nhiều địa phương trên cả nước. Ngoài các địa bàn quen thuộc như Đà Nẵng, Nha Trang thì thị trường bất động sản còn phát triển tại một số địa phương có tiềm năng khác như Quy Nhơn, Quảng Bình, Quảng Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận... với sự tăng trưởng cả về nguồn cung lẫn giao dịch.
Tuy nhiên, cũng theo chủ tịch VARS, thị trường bất động sản quý 1-2019 có chiều hướng chững lại và giảm mạnh cả về giao dịch lẫn nguồn cung đối với phân khúc nhà ở tại hai thị trường lớn là TP Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể, lượng cung căn hộ chung cư tại Hà Nội trong quý 1-2019 chỉ bằng 31,5% so với quý 4-2018 và bằng 75,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường bất động sản tám tháng cuối năm sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố.
Tại TP.HCM, tình hình cũng không có nhiều cải thiện so với Hà Nội, thậm chí còn giảm mạnh hơn. Có rất ít nguồn hàng mới được đưa vào thị trường này, chỉ khoảng 3.000 sản phẩm, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn cung thấp dẫn đến lượng giao dịch của thị trường bất động sản tại đây cũng giảm mạnh so với quý 4-2018.
Lý giải về nguyên nhân khiến nguồn cung bất động sản tại hai thị trường này giảm, ông Hà cho rằng, một số dự án lớn trên địa bàn hai thành phố này đã ra khối lượng hàng lớn tại thời điểm quý 4-2018.
Việc chậm phê duyệt các dự án, cũng như siết tín dụng bất động sản cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung.
"Nnguồn cung hạn chế cùng sự phát triển kinh tế sẽ là những yếu tố khiến giá bất động sản tăng nhẹ trong những tháng cuối năm và trong thời gian tới", ông Hà nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến cuối năm 2019 dự kiến có bốn đạo luật sửa đổi, trong đó có Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng. Điều này sẽ tạo ra nhiều tác động tới thị trường bất động sản.
“Nhìn chung, thị trường bất động sản 2019 sẽ không nổi bật hơn so với 2018, chỉ là cơ cấu lại nguồn hàng, phân định rõ hơn các loại hình bất động sản và sẽ không có chuyện “sốt” từng phân khúc bất động sản”, ông Khởi nhận định.
Bên cạnh đó, sau khi rà soát dự án, cơ chế đầu tư cũng sẽ được định hình, nguồn cung cũng đảm bảo an toàn hơn, thị trường minh bạch về thông tin. Những yếu tố này sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ thổi giá, tránh những bất lợi cho người mua có nhu cầu thực.
Đồng quan điểm, ông Hà cho rằng thị trường bất động sản tám tháng cuối năm sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bao gồm sự phát triển ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước và tăng trưởng của kinh tế thế giới, đặc biệt là các thay đổi của chính sách tín dụng cho bất động sản.
Theo ông Hà, quý 1-2019 vừa qua đã chứng kiến một loạt thay đổi về giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu và điện. Thực tế này sẽ tác động đến giá đầu vào của bất động sản, vật liệu xây dựng, nhân công lao động sẽ tăng theo.
Tín dụng cho bất động sản đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, quy mô tín dụng bất động sản đã giảm dần từ năm 2016 đến nay.
Theo dự đoán, tín dụng bất động sản sẽ còn được kiểm soát chặt chẽ hơn, với việc Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo thay thế Thông tư 36, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó sẽ hạ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn xuống còn 30%, hay tăng hệ số rủi ro từ 50% lên 150% đối với các khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỉ đồng trở lên.
“Những thay đổi này sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản”, ông Hà phát biểu.
-
Ông chủ nội dần thâu tóm các khách sạn lớn
Trong lĩnh vực bất động sản du lịch, việc các ông chủ nội đang dần thâu tóm các khách sạn lớn thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) cho thấy, cuộc chơi đang từng bước được quân bình lại.