Theo quy hoạch trục Tây Thăng Long có chiều dài khoảng 23km, chạy qua địa bàn hai huyện Phúc Thọ và Đan Phượng, điểm đầu tiên của tuyến đường là cạnh khu đô thị Ciputra nối qua đường Hoàng Quốc Việt.
Loạn giá
Điểm đến đầu tiên của tôi là huyện Đan Phượng. Lý do là vì huyện này nằm giáp ranh với huyện Hoài Đức, điểm được coi là sôi động nhất trong tuyến đường 32 thời gian vừa qua.
Theo
giới thiệu, trục Tây Thăng Long sẽ đi qua địa phận các xã Tân Lập, Tân
Hội, Đan Phượng, Thị trấn Phùng, Phương Đình, Thượng Mỗ, với tổng chiều
dài dự kiến là 9km.
Theo
các văn phòng nhà đất tại Ngã Tư Trạm Trôi, trục Tây Thăng Long chắc
chắn sẽ chạy qua địa bàn xã Tân Lập, Tân Hội. Đây là hai xã giáp ranh
với huyện Hoài Đức nên đầu tư đón đầu ở hai xã này trong thời điểm này
là hợp lý. Theo đó, giá đất làng tại xã Tân Lập mặt đường trục chính giá
từ 45-50 triệu đồng/m2; vị trí xấu hơn 30 triệu đồng/m2.
Giá đất tại huyện Đan Phượng, Phúc Thọ đang tăng cao
Theo anh Phạm Sơn, nhân viên văn phòng nhà đất Hà Nội mới (mặt đường 32), mức giá tại Tân Lập là có thể mua được vì đang rẻ. Những nơi xa hơn như đất tại xã Thọ Xuân gồm cả đất vườn giá đã là 16 triệu đồng/m2.
Khi hỏi trục Tây Thăng Long đã có mốc giới cụ thể chưa, các cò đất ở đây đều cho biết đã có mốc giới. Thậm chí, nhiều người còn khẳng định 100% mốc giới của tuyến đường này đã được cắm từ năm 2009.
Một nhân viên tại văn phòng nhà đất Tây Đô (trục đường 32) khẳng định, trục Tây Thăng Long nằm trong quy hoạch sẽ mở đường của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) từ năm 2008, nên việc có mốc giới là đương nhiên.
Nhân viên này cho biết, giá đất tại thôn La Thạch, xã Phương Đình hiện cũng đang dao động từ 15-17 triệu đồng/m2.
Đất thổ cư tại xã Thổ An, Huyện Đan Phượng, thì có vẻ mềm hơn. Theo quảng cáo của Tú, một “cò” đất, hiện đang có một mảnh đất thổ cư, sổ đỏ chính chủ, mặt tiền 4,8m, vị trí đẹp, giao thông thuận tiện, ô tô tải đỗ cửa, nằm trên trục đường xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội với giá 13 triệu/m2.
Hầu hết các cò đất đều cho biết, đây là thời điểm nên mua đất chạy theo Trục Tây Thăng Long vì hiện chưa có nhiều người quan tâm mới dễ mua, dù giá đã bị đẩy lên khá nhiều.
Chạy dọc theo tuyến đường trong tương lai sẽ là trục Tây Thăng Long, điểm đến tiếp theo của tôi là huyện Phúc Thọ. Không bị đẩy lên quá cao như tại huyện Đan Phương, giá đất tại đây được quảng cáo là đang “khá mềm”.
|
Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đan Phượng cho biết giá đất tại địa bàn đã tăng 1,5 lần so với năm 2010. |
Nằm
ngay cạnh trục Tây Thăng Long trong tương lai, lô đất thổ cư 86m2,
thuộc xã Tam Hiệp, Huyện Phúc Thọ, cách Cầu Diễn 12 km, cách cầu Phùng
(Đan Phượng) 800 m, cách Quốc lộ 32 khoảng 100m, cách bến xe bus số 20
Cầu Giấy – Tam Hiệp (20 phút một chuyến) 200m, cách khu biệt thự nhà
vườn Cẩm Đình – Hiệp Thuận 200m, Cách đường Hoàng Quốc Việt kéo dài 1
km, gần chợ Tam Hiệp. Đường rộng 3,5m, riêng đường trước lô đất được mở
rộng 5m, ôtô đỗ cửa được anh Khôi chào bán giá 13,5 triệu /1m2. Theo một
số cò đất, khoảng một năm trước, đất tại đây cao nhất chỉ 5 triệu
đồng/m2.
Vòng
vo thêm một quãng đường nữa, tôi được dẫn đến xem mảnh đất thổ cư 150m2
tại khu chợ bãi Vân Nam, Phúc Thọ. Theo giới thiệu của anh Quyết, chủ
đất, mảnh đất này cách trục kinh tế Bắc Nam Hà Nội 100m, ngõ bê tông 5m,
đất 2 mặt tiền vuông vắn, giá rẻ chỉ có 5 triệu/m2. Tôi có thắc mắc
không biết mảnh này có gần trục Tây Thăng Long không, sau một hồi ngập
ngừng anh Quyết khẳng định là có.
Nhưng, ma trận giá đất ở Phúc Thọ khiến tôi hoang mang hơn cả là đất ngay tại thị trấn Phúc Thọ, nơi chỉ cách đường 32 có 200m mức giá được chủ nhà chào bán chỉ là 10 triệu đồng/m2.
Sốt ảo hay sốt thật?
Quá trình đi mua đất dọc trục Tây Thăng Long, có một điều tôi cảm thấy “quen thuộc” là sự chuyên nghiệp của các cò đất ở khu vực này. Đó là việc bất cứ ai khi được hỏi về đất dọc trục Tây Thăng Long, trục Tây Thăng Long đã cắm mốc giới chưa, tuyến đường sẽ đi qua những đâu đều được khẳng định. Cũng tương tự như thời điểm này năm ngoái khi dân tình “lên đồng” vì đất Ba Vì, cũng vì liên quan đến một đoạn đường giao thông Trục Thăng Long nối từ Hồ Tây lên Đền Thượng (Ba Vì).
Nếu theo đúng quy hoạch mà Thủ tướng thông qua về trục Tây Thăng Long, tuyến đường này căn bản chỉ đi qua đất ruộng, nhưng giá đất nền, đất thổ cư, thậm chí đất xen kẹt tại tuyến này đang được đẩy lên cao.
Thống kê của chính Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đan Phượng cho thấy giá đất tại các xã mà trục Tây Thăng Long đi qua so với thời điểm năm 2010 đang tăng gấp 1,5 lần. Và giao dịch thành công rất nhiều.
Có thể nói, chưa bao giờ đất ở những vùng xa như Thọ An, Thọ Xuân, Thượng Mỗ huyện Đan Phượng lại có giá “chát” như hiện nay, 10-15 triệu đồng/m2.
Theo thông tin các văn phòng nhà đất dọc đường 32 cung cấp, xã Thọ Xuân, một xã thuộc diện vùng sâu vùng xa của huyện Đan Phượng, nằm cạnh trục đường Tây Thăng Long sẽ hình thành trong tương lai, đang chuẩn bị đấu giá đất với giá sàn đã là 10 triệu đồng/m2.
Theo nhận định của giới đầu tư bất động sản, trục Tây Thăng Long có nhiều điểm giống với trục Hồ Tây - Ba Vì bởi đều có điểm nối từ Tây Hồ với thị xã Sơn Tây. Nếu như đúng kịch bản dự đoán thì đây là trục định hướng việc phát triển của Thủ đô về phía Tây. Trục này sẽ là trục duy nhất và định hướng về tổ chức không gian cảnh quan, kết nối giữa cái mới và cái cũ, là trục văn hóa, lịch sử. Nhiều nhà đầu tư bất động sản đang đặ̣t nhiều kỳ vọng vào những đột biến mới về giao thông khi trục Tây Thăng Long được triển khai.
Ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc người dân mua đất dọc các trục giao thông là điều bình thường, bởi có đường sẽ có lợi nhuận. Nhưng chắc chắn không có việc sốt ảo như cơn sốt đất tại Ba Vì.