Nhiều chính sách mới về tài chính tiền tệ - do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo - đang gây hoang mang cho người dân. Vì thế, tuy chính sách chưa ra đời nhưng đã xuất hiện nhiều tác dụng ngược.
Trong vài tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều văn bản quan trọng đối với thị trường tài chính Việt Nam. Các chính sách đó đều tác động rộng lớn tới doanh nghiệp (DN) và người dân. Và trong khi tác dụng chính chưa kịp thấm do độ trễ chính sách, đã có thể thấy ngay một số tác dụng phụ, tác dụng ngược khi chính sách này không dành cho số đông.

Thay đổi cục diện cuộc chơi vàng miếng


Mới đây, NHNN đã trình lên Chính phủ Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Điểm mới quan trọng trong Dự thảo là để được NHNN xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất.


Sau thông tin này, các DN kinh doanh vàng được đánh giá là sẽ chịu nhiều tác động có thể làm thay đổi cuộc chơi trên sân chơi vàng miếng. Đọc qua dự thảo, nhiều chuyên gia cảm nhận, gần như dự thảo nói trên của NHNN đồng nghĩa với việc tạo lợi thế độc quyền cho Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC). Bởi lẽ, SJC đang chiếm 90% thị trường vàng miếng cả nước. Số đông DN còn lại sẽ bị loại khỏi cuộc chơi vì không thể đáp ứng được điều kiện về thị phần. Còn SJC đã là số một trên thị trường vàng miếng và giờ càng yên tâm với vị trí đó.


Trên thực tế, điều này đã được nhiều DN cho là "khó hiểu" khi trong chiến dịch bình ổn vàng, SJC được chọn thì không ai có ý kiện vì họ có tiềm lực, nhưng được chọn là DN duy nhất trong khi có những DN lớn khác về vàng và cũng từng thể hiện vai trò của mình trên thị trường vàng lại "lép vế", bị bỏ qua một bên dù đó là một DNNN có tiềm lực.


Tuy nhiên, lo ngại trên có thành hiện thực hay không còn phải chờ dự thảo thông qua. Nhưng ngay từ lúc này, trên thực tế đã có những phản ứng - hay đúng hơn là những phản ứng ngược - với chính sách.


Hơn tuần nay, thị trường vàng có hiện tượng lạ khi giá vàng Rồng Thăng Long bán thấp hơn SJC từ 500.000-700.000 đồng/lượng. Giải thích điều này, người dân và đơn vị kinh doanh cho biết, lo ngại quy định mới sẽ khiến Bảo Tín Minh Châu không được làm vàng miếng. Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long sẽ không còn được thừa nhận. Vì thế, người dân lo rằng số vàng đang nắm giữ sẽ khó bán hoặc bị mất giá một khi dự thảo mới của nghị định quản lý vàng được thông qua, nhiều người đã mang vàng không phải của SJC đi bán.


Nghĩ rằng vàng SJC sẽ là loại vàng miếng duy nhất trên thị trường trong nay mai, họ chấp nhận chịu thiệt để đổi lấy vàng SJC cho an toàn. Tại Hà Nội, người dân đua nhau mang vàng miếng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tới cửa hàng bán lại cho hãng để lấy tiền mặt hoặc chuyển sang vàng SJC. Hầu hết đều lo ngại số vàng đang nắm giữ sẽ không được giá bằng SJC sau khi dự thảo được thông qua.


Chính Bảo Tín Minh Châu cũng tự hạ giá vàng của mình so với vàng SJC. Hạ như vậy, họ sẽ mua vào với giá thấp, trong khi đó thiệt hại do bán ra giá thấp là không đáng kể do lượng bán ra không lớn, bởi người dân giờ không hào hứng mua vàng miếng nào khác ngoài SJC.


Tương tự, những ngày gần đây, không ít người đang giữ vàng của các thương hiệu khác không phải SJC cũng đi bán để đổi sang SJC cho yên tâm. Cũng như Bảo Tín Minh Châu, một số doanh nghiệp có thương hiệu vàng miếng riêng cũng rục rịch công bố giá có xu hướng thấp hơn so với thương hiệu SJC. Tất nhiên, người đang giữ vàng của họ phải chịu thiệt: bán thấp hơn vàng SJC dù trước đây mua vào với giá không chênh nhau là mấy. Số đông người mua vàng bị thiệt dù dự thảo vẫn chưa được thông qua.


Nhóm BĐS không được nới tín dụng sẽ lách thế nào?


Một chính sách mới khác của NHNN cũng để lại nhiều băn khoăn và những phản ứng ngược trên thị trường. NHNN mới đây đã loại trừ một số đối tượng, trước vốn bị siết chặt nguồn tín dụng. Những nhóm này gồm: nhóm sửa chữa nhà và mua nhà để ở - mà nguồn trả nợ bằng lương; nhóm xây dựng nhà cho người thu nhập thấp; nhóm xây dựng nhà cho công nhân khu công nghiệp nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá thuê không vượt quá mức do tỉnh ban hành; nhóm xây dựng các công trình nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2012.


Sau văn bản này, 4 nhóm DN bất động sản kể trên sẽ được lợi. Họ sẽ được vay vốn sau một thời gian bị thắt chặt do bị coi là nhóm phi sản xuất. Nhưng còn những doanh nghiệp còn lại? Có hai khả năng:


Thứ nhất, các doanh nghiệp sẽ cố gắng làm sao để mình được nằm trong diện 4 nhóm trên, bằng cách tham gia tượng trưng vào một trong 4 nhóm đó. Chẳng hạn, doanh nghiệp bất động sản có thể xây một công trình nhà thu nhập thấp, chủ yếu bán cho người nhà, cán bộ công nhân viên của mình hoặc dùng làm suất ngoại giao.


Thứ hai, các doanh nghiệp lẳng lặng chấp nhận quy định mới và chịu thua thiệt so với các doanh nghiệp được loại trừ hoặc xoay xở để được hưởng ưu tiên. Nhóm chấp nhận chịu thiệt sẽ chiếm số đông, bởi ở Việt Nam đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không phải ai cũng có đủ vốn, quan hệ và kinh nghiệm để nương theo thay đổi của chính sách ngay được.


Còn số đông những người có nhu cầu mua nhà để ở, có lẽ kỳ vọng chờ giá nhà đất tiếp tục giảm phần nào bị ảnh hưởng. Bởi một khi tín dụng đã mở, dù ít hay nhiều thì thị trường cũng như được hà hơi tiếp sức, có thể đà giảm của bất động sản sẽ chững lại.


Và như thế, có thể ước mơ chờ giá hạ để mua được căn nhà giá rẻ của những người tiền bạc có hạn có lẽ lại bị kéo dài thêm.


"Thấy nhà đất bắt đầu đỡ hơn sau những đợt bán hạ giá vừa qua trong Sài Gòn, gia đình tôi vẫn chưa mua mà đợi thêm xem có giảm thêm được chút nào hay chút ấy. Nhưng giờ, chắc sẽ không còn kiểu bán hạ giá nữa", anh Nguyễn Thế Vinh, 38 tuổi, cán bộ văn phòng làm tại Q.7, TP.HCM, bày tỏ ưu tư và sự hụt hẫng.
Theo Hồng Quý (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.