11/04/2011 6:24 AM
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh doanh vàng và USD càng bị thu hẹp, đầu tư vào bất động sản tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm nay vẫn an toàn, mang lại lợi nhuận cao hơn...

Việc Chính phủ quyết tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ theo Nghị quyết 11 đã bắt đầu có tác động lớn đến thị trường bất động sản và tài chính.

Tại buổi hội thảo thị trường vốn vừa được tổ chức tại Hà Nội, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết kể từ nay, Chính phủ hạn chế tối đa nhận tiền gửi và cho vay bằng ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng. Chiến lược này được kiên quyết thực hiện trong vài năm để đạt được mục tiêu “trục xuất” toàn bộ tài khoản tiền gửi và cho vay bằng ngoại tệ ra khỏi hệ thống NH, chuyển từ quan hệ cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán, chấm dứt tình trạng đô la hóa. Việc mua bán vàng miếng sắp tới sẽ chỉ được thực hiện ở thị trường chính thức do Ngân hàng nhà nước cấp phép. Theo đó, NHNN hoặc một công ty của NHNN được độc quyền dập vàng miếng có đóng dấu của NH này. Đây là vàng chuẩn của Việt Nam, có quyền giao dịch tại nội địa và quốc tế.

Ông Trương Đình Tuyển – nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, kinh tế Việt Nam năm nay đang có nhiều nét giống thời điểm khó khăn năm 2008. Nhưng theo đà hồi phục của kinh tế thế giới, đến quý IV năm nay, chỉ số lạm phát sẽ giảm. Do đã có luật cấm kinh doanh vàng miếng và USD, nên đầu tư vào hai mặt hàng này không có lợi. “Khi đã có luật cấm kinh doanh vàng miếng và USD, tôi cho rằng, đầu tư vào bất động sản là có lợi và ổn định nhất”, ông Tuyển nói.

“Chính phủ chủ trương không để thị trường bất động sản trở thành bong bóng lạm phát. Nhưng không có nghĩa là kìm hãm thị trường, mà để nó phát triển hợp lý, góp phần thúc đẩy nền kinh tế” - ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, tiêu chuẩn diện tích nhà ở tại Việt Nam là 17 m2/đầu người song ở đô thị vẫn còn hơn 1 triệu hộ gia đình sống dưới 5 m2/đầu người và 4,6 triệu hộ từ 6 đến 10 m2/đầu người. Thị trường BĐS cũng mất cân đối nghiêm trọng về hàng hóa. Tỉ trọng nhà chung cư cả nước chỉ chiếm 1,23%. Tại Hà Nội, tỉ lệ chung cư đạt 14% và TPHCM chỉ đạt 6%.

Trong mười năm tới, thị trường bất động sản Hà Nội vẫn có xu hướng cầu lớn hơn cung. Hà Nội mới mở rộng, đang trong quá trình quy hoạch lại, mỗi quyết định về quy hoạch có ảnh hưởng trực tiếp tới độ “nóng” ở những nơi hưởng lợi thế quy hoạch.

“Việc thắt chặt tín dụng đối với BĐS đã khiến vốn trở thành vấn đề khó khăn lớn nhất trong năm 2011 nhưng lại không gây sốc cho thị trường. Dòng tiền từ các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, USD đang dịch chuyển sang BĐS. Người dân đang tăng mua BĐS để giữ tiền” ông Lương Trí Thìn – Chủ tịch HĐQT công ty Đất Xanh cho biết.

Cafeland.vn - Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.