28/04/2013 10:43 PM
Tình trạng khó khăn trong việc xin giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đang khiến nhiều doanh nghiệp phải dùng vàng lậu

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa có văn bản gửi thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiến nghị cho doanh nghiệp (DN) sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được nhập khẩu vàng nguyên liệu, cho vay vốn mua vàng nguyên liệu.

Quy định gây khó

Trong quy định tại Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, các DN được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ được xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức. Thế nhưng đến nay, chưa DN nào được cấp phép nhập khẩu vàng, trừ một vài DN chỉ được cấp hạn mức nhập khẩu vàng từng chuyến để sản xuất vàng trang sức xuất khẩu.
Đây là bất cập lớn, bởi sản phẩm vàng trang sức thường xuất từng lô nhỏ theo đơn hàng. Nếu trong 1 tuần, 1 tháng DN xuất nhiều lần sẽ không thực hiện được bởi thủ tục xin giấy phép Ngân hàng Nhà nước mất nhiều thời gian, có khi lên tới 2 tháng. “DN mất cơ hội kinh doanh, nhất là khi giá vàng thế giới biến động phức tạp khiến DN không tận dụng được thời cơ giá thấp để nhập vàng về” - đại diện một DN sản xuất vàng trang sức than.
Giá vàng trong nước cao hơn quốc tế, đẩy vàng lậu chảy vào nữ trang. Ảnh: HỒNG THÚY

Do khó khăn trong cấp phép nhập khẩu vàng, các DN hiện chủ yếu mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, vô hình trung tiếp tay cho những kẻ buôn lậu. Thiếu hụt nguồn vàng nguyên liệu cũng làm nhiều DN không dám đẩy mạnh xuất khẩu vàng trang sức, ngay nguồn hàng phục vụ thị trường trong nước cũng gặp khó khăn.

Thời gian qua, việc giá vàng trong nước cao hơn 6 triệu đồng/lượng so với giá thế giới đã kích thích vàng lậu tràn về. Cơ quan chức năng vừa qua đã bắt giữ một số vụ buôn lậu vàng với khối lượng lớn. Đại diện một DN kinh doanh vàng tại TPHCM thông tin giá vàng sôi động, nhu cầu tiêu thụ vàng nhẫn, vàng nữ trang tăng cao khiến vàng lậu có cửa “hợp thức hóa”. Trước tình hình này, VGTA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp hạn mức nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các DN có đủ điều kiện theo định kỳ hằng quý, hằng năm…

Thêm một giấy phép con cản trở sản xuất

Văn bản số 1889/NHNN-QLNH ngày 21-3-2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất gia công vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo các DN, nhu cầu mua vàng nguyên liệu là thường xuyên mà phải xin phép thống đốc thì quá phiền hà và không thực tế. “Quy định trên bỗng dưng tạo thêm một giấy phép con, gây khó khăn cho DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ” - đại diện một DN bức xúc.

Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), kinh doanh vàng nữ trang rất cần thiết. Trong khi Thái Lan xuất khẩu vàng nữ trang mỗi năm thu 3 tỉ USD, tạo nhiều công ăn việc làm, khai thác được tài nguyên… thì DN nước ta lại gặp khó khăn bởi thiếu nguồn nguyên liệu. Ngân hàng Nhà nước nên có cơ chế thông qua các ngân hàng thương mại, cho quỹ vàng ứng ra cho vay có tài sản bảo đảm để DN yên tâm sản xuất vàng nữ trang… Khi đó, ngành sản xuất nữ trang trong nước có điều kiện cạnh tranh, xuất khẩu thu ngoại tệ và sẽ bớt đi kênh đầu tư kinh doanh vàng miếng.

Phương Nam (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.