Bất chấp điều đó, người dân vẫn gia tăng mua vàng, sức mua tăng bốn, năm lần so với trung bình nhiều ngày qua, theo ước tính của một số doanh nghiệp.
Lực mua vàng tăng
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (22.6), vàng SJC của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chốt ở mức giá: mua vào 39 triệu đồng/lượng, bán ra 39,4 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng giá mua vào, tăng 100.000 đồng/lượng giá bán ra so với đầu giờ sáng. Vàng SJC tại các doanh nghiệp Doji, PNJ, Bảo Tín – Minh Châu… cũng được giao dịch ở mức giá tương tự. Vàng miếng Bảo Tín – Minh Châu được niêm yết 37 – 37,25 triệu đồng/lượng (giá mua vào – bán ra).
Như vậy, giới đầu tư đã nếm trải sự biến động phức tạp của thị trường vàng trong ba ngày cuối tuần (20, 21 và 22.6). Cụ thể, ngày 21.6, giá vàng SJC giảm xấp xỉ 1 triệu đồng/lượng, về mức thấp nhất trong vòng hai năm qua: 38,10 – 38,52 triệu đồng/lượng, rồi lại tăng nhanh xấp xỉ 900.000 đồng/lượng trong ngày 22.6, lên mức giá cao nhất là 39,02 – 39,42 triệu đồng/lượng.
Mặc dù liên tục được điều chỉnh, song khoảng cách giữa giá vàng trong nước với thế giới luôn được duy trì ở khoảng cách rất rộng: trên 6 triệu đồng/lượng. Theo đó, tính theo tỷ giá liên ngân hàng (21.010 – 21.036 đồng/USD), giá vàng thế giới chiều 22.6 quy đổi tương đương 32,82 – 32,88 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá trong nước 6,1 triệu đồng/lượng giá mua vào, 6,7 triệu đồng/lượng giá bán ra.
Bất kể mức chênh lệch lớn về giá này, người dân vẫn đua nhau đi mua vàng, khiến cầu về vàng tăng bốn, năm lần so với trung bình nhiều ngày gần đây. Tại công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giám đốc kinh doanh Nguyễn Ngọc Trọng cho biết trong những ngày cuối tuần, lượng bán vàng ra trên toàn hệ thống của PNJ trung bình 1.500 lượng vàng mỗi ngày. Trung bình, cứ mười khách hàng đến PNJ giao dịch, thì chỉ một, hai người bán ra, còn lại là mua vào.
Tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc khác cũng diễn ra tình trạng tương tự. Các điểm giao dịch của SJC, Doji, Bảo Tín – Minh Châu, Phú Quý... chật kín khách hàng, trong đó phần lớn có nhu cầu mua vào. Đại diện lãnh đạo công ty Bảo Tín – Minh Châu, cho biết, vàng miếng Thăng Long, nhẫn tròn trơn cũng bán chạy, do chênh lệch giá với thế giới thấp hơn chênh lệch giá của SJC xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, so với nhiều thời điểm sôi động trước đó của thị trường vàng, quy mô giao dịch cũng đã giảm mạnh, do nhà đầu tư, người dân cũng “cạn tiền”.
Kinh doanh vàng: ngân hàng no dồn đói góp?
Lý giải nguyên nhân giá vàng trong nước vẫn chênh lệch lớn với giá thế giới, ông Nguyễn Ngọc Trọng, cho rằng nhu cầu thị trường vẫn lớn hơn nguồn cung, khi mà các tổ chức tín dụng chỉ còn một tuần để tất toán vàng theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tính đến 21.6, NHNN đã tổ chức 34 phiên đấu thầu vàng, với tổng khối lượng trúng thầu 865.000 lượng trong tổng số 952.000 lượng chào thầu. Phần lớn vàng đấu thầu từ NHNN được các tổ chức tín dụng mua để phục vụ hoạt động tất toán, lượng cung ra thị trường rất ít, theo ước tính của ông Trọng chỉ xấp xỉ 5.000 – 6.000 lượng. “Sau khi các ngân hàng đã tất toán xong, giá vàng sẽ dần tiệm cận với giá thế giới”, ông Trọng nhận định.
Trong tuần này, dự kiến ba phiên đấu thầu vàng sẽ tiếp tục được NHNN tổ chức, cơ bản đáp ứng nhu cầu tất toán vàng của các tổ chức tín dụng. Theo đại diện lãnh đạo của NHNN, cơ quan này vẫn tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu vàng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tuy nhiên có thể giảm dần về liều lượng trên cơ sở cân đối cung – cầu.
Một chuyên gia tài chính, nhận xét, giá vàng giảm liên tục thời gian qua là điều kiện thuận lợi cho hoạt động tất toán của các ngân hàng và tính chung lại, các ngân hàng vẫn có lời trong hoạt động kinh doanh vàng. Ông phân tích: thời điểm các ngân hàng bán mạnh vàng huy động ra lấy VND để kinh doanh rơi vào năm 2008 – 2009, giá trung bình 28 – 29 triệu đồng/lượng. Tính trung bình lãi suất cho vay vốn 14%/năm, trong năm năm qua, các ngân hàng cũng đã thu lời xấp xỉ 70%, tương đương bán vàng ra ở mức giá 49 – 50 triệu đồng/lượng vàng. Trong khi đó, vàng đấu thầu phục vụ tất toán thời gian vừa qua chủ yếu xoay quanh mức 40 triệu đồng/lượng. Mặc dù có thời điểm vàng lên xấp xỉ 48 triệu đồng/lượng, nhưng hoạt động tất toán được thực hiện trong thời gian dài, nên tính giá bình quân, các ngân hàng vẫn có lãi vài triệu đồng mỗi lượng. “Chỉ có điều, khoản lời lớn từ kinh doanh vàng đã được chốt, được chia cổ tức… từ nhiều năm trước đó, trong khi lỗ lại dồn về các năm 2012, 2013 – đúng vào thời điểm kinh doanh chung khó khăn”, chuyên gia trên nói.
Cũng theo ông này, dự báo của giới phân tích thế giới, vàng vẫn trong đà giảm giá và có thể xuống dưới ngưỡng 1.200 USD/ounce. Do vậy, người dân nên cẩn trọng với hoạt động mua vàng, nhất là trong điều kiện giá vàng trong nước cách biệt xa với giá thế giới. Ông cảnh báo: “Nếu đà giảm thế giới rơi đúng vào thời điểm các ngân hàng tất toán xong vàng, người mua vàng hôm nay sẽ bị hớ một khoản không nhỏ”.