Một trong 9 vướng mắc được TP. Hà Nội cho biết trong quá trình đưa Luật Thủ đô đi vào cuộc sống là vấn đề cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà xuống cấp trên địa bàn Hà Nội còn chậm. Đến nay, mới có khoảng 1% trong tổng số gần 1.600 chung cư cũ của Hà Nội được cải tạo.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Luật Thủ đô có hiệu lực từ tháng 7/2013 đề ra mục tiêu phải cải tạo chung cư cũ để bảo đảm an toàn cho người dân, nhưng phải tuân thủ theo quy hoạch. Qua rà soát, đánh giá lập danh mục khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp, TP. Hà Nội đã xác định có 1.579 chung cư cũ cần cải tạo, trong đó có 4 chung cư thuộc cấp độ D (cấp độ nguy hiểm) công bố thu hút đầu tư.
Nhưng đến nay việc thực hiện còn rất chậm, mới chỉ 14 chung cư cũ được xây dựng mới đưa vào sử dụng (chiếm không đến 1% số chung cư cũ). Nguyên nhân được TP. Hà Nội xác định chủ yếu các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp được xây dựng trên nguyên tắc xã hội hóa, tuy nhiên do việc xây dựng lại chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp phải tuân thủ trên chỉ tiêu quy hoạch.
Cụ thể là phải tuân thủ quy định về chiều cao công trình, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và đấu nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực; bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ, tái định cư.
Về vấn đề cải tạo lại chung cư cũ, tại cuộc họp lần thứ 8 BCH Đảng bộ TP.Hà Nội diễn ra gần đây, ông Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận uỷ Hoàn Kiếm cho biết, riêng quận Hoàn Kiếm có 120 chung cư cũ xuống cấp cần cải tạo, tuy nhiên việc này đang vướng nhiều quy định, như hạn chế chiều cao công trình xây dựng trong khu vực nội đô.
Để giải quyết vấn đề tái định cư, Bí thư Quận uỷ Hoàn Kiếm nêu ý kiến, cải tạo chung cư trong khu phố cổ bắt buộc phải di dời vì đã nằm trong chủ trương, chính sách, hiện trong 120 chung cư cũ của quận có 5 chung cư nằm trong khu phố cổ và 115 chung cư nằm ở khu phố cũ. Với 115 chung cư trong khu phố cũ, quận đề nghị thống nhất chủ trương tái định cư tại chỗ.
Theo ông Hoàng Công Khôi, người dân muốn tái định cư tại chỗ bởi đã sống cuộc sống lâu đời tại các khu vực này, bao gồm cả lợi ích gắn liền cuộc sống nên không muốn di chuyển. Việc tái định cư tại chỗ thì công tác vận động để giải phóng mặt bằng đầu tư lại các khu chung cư sẽ dễ dàng hơn.
Bí thư Quận uỷ Hoàn Kiếm nêu ý kiến, với cải tạo chung cư cũ ở quận Hoàn Kiếm còn vướng mắc về việc tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch, cụ thể là về chiều cao công trình và hệ số sử dụng đất. Ông Hoàng Công Khôi cho rằng, với địa bàn Hoàn Kiếm, khi cải tạo chung cư cũ, cần tạo cơ chế cho một số tòa nhà nâng chiều cao lên hơn 9 tầng để kêu gọi nhà đầu tư.
“Trên địa bàn Hoàn Kiếm, 120 chung cư cũ nhất là 115 chung cư ở khu phố cũ chỉ cho xây dựng tối đa đến 9 tầng thì sự kêu gọi xã hội hóa không thể làm được bởi nguyên tái định cư cho người dân đã chiếm hết diện tích nếu theo chiều cao công trình quy định. Nhưng nếu tất cả các chung cư cũ cứ xây vượt quy hoạch thì vi phạm quy hoạch Thủ đô”, ông Khôi nêu ý kiến.
Vì vậy, ông Khôi cho rằng, các sở, ngành chức năng cần cho ý kiến tham mưu báo cáo Thành phố chọn lựa một số chung cư có thể xây dựng cao hơn quy hoạch chung để báo cáo Chính phủ xin ý kiến. Các chung cư này ngoài để tái định cư các hộ dân và chủ đầu tư có thể sử dụng vào mục đích dịch vụ, thương mại.
Tuy nhiên, ý kiến của một số địa phương khác cho rằng, cải tạo chung cư cũ nhưng phải tuân thủ theo quy hoạch vì không thể đã ở nội đô còn “mọc” lên nhiều nhà cao tầng hơn nữa. Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt nhấn mạnh phải kiên quyết thực hiện quy hoạch chung về chiều cao nhà cao tầng trong nội đô, trong điều kiện không tái định cư tại chỗ thì vận động dân ra ngoại thành như đưa người dân ra ngay các huyện ven đô như Hoài Đức, Đông Anh, những huyện nằm giáp quận.
Để cải thiện hơn nữa sự chậm chễ trong cải tạo các chung cư cũ, tháng 2/2017, UBND TP. Hà Nội đã ra văn bản chỉ đạo tập trung tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại trong việc cải tạo chung cư cũ được đưa vào sử dụng từ những năm 1960-1970. Trước mắt, UBND Thành phố đã giao 19 chủ đầu tư tiến hành nghiên cứu, lập phương án cải tạo lại 19 khu chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã đề xuất 6 cơ chế chính sách khung cải tạo chung cư cũ trong đó có chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư như: Trường hợp diện tích căn hộ tái định cư tại chỗ lớn hơn thì chủ sở hữu phải trả tiền mua diện tích tăng thêm cho nhà đầu tư với giá thành xây lắp cộng 10% lợi nhuận định mức cho nhà đầu tư.
Những hộ tại tầng 1 đang kinh doanh được bố trí thuê 1 ki ốt để kinh doanh khi dự án cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư hoàn thành, đối với nhà thấp tầng giá trị bồi thường theo thực tế diện tích sử dụng hợp pháp. Trường hợp nếu di chuyển ra ngoài vành đai 3 thì được ưu tiên mua căn hộ tại dự án nhà ở thương mại do doanh nghiệp thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư làm chủ đầu tư.
Về việc lựa chọn chủ đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, dự kiến, trong kiến nghị, đề xuất về một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô sắp tới, để bảo đảm việc cải tạo, xây dựng lại nhà cung cư cũ theo đúng quy hoạch thực tế, bảo đảm tiến độ, chất lượng cũng như tăng cường huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội, đồng thời vẫn bảo đảm quyền lợi người dân, nhà đầu tư, TP. Hà Nội sẽ kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho Thành phố lựa chọn có điều kiện nhà đầu tư đối với việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.