Trong những năm qua, công nghệ xanh đã được ứng dụng thành công ở nhiều loại hình bất động sản. Điều này kéo theo việc sử dụng ngày càng phổ biến các loại vật liệu bền vững để tạo ra các công trình xanh chống lại biến đổi khí hậu

Lĩnh vực xây dựng luôn phải đối mặt với những lời chỉ trích vì lượng khí thải carbon và được coi là nguồn gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Trong thời gian gần đây, ngành này đã tích cực sử dụng vật liệu bền vững như một giải pháp lâu dài cho các vấn đề hiện tại. Một số loại vật liệu mới ra đời hoặc đang trong quá trình nghiên cứu để trở nên thân thiện với môi trường và cải thiện tính bền vững tổng thể của công trình.

Vật liệu bền vững và công nghệ xanh đã được ứng dụng hiệu quả trong nhiều loại hình bất động sản như thương mại, bán lẻ, công nghiệp và chăm sóc sức khỏe. Nhiều công ty xây dựng ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á đã và đang tích cực sử dụng vật liệu bền vững để giảm khí thải, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tiết kiệm chi phí tổng thể.

Một số vật liệu bền vững phổ biến trên thế giới hiện nay bao gồm gỗ tái chế, bê tông cách nhiệt, tre, vật liệu cách nhiệt xanh (như len, vải sợi tổng hợp, hempcrete (bê tông tổng hợp sinh học từ cây gai dầu) và cellulose (xi măng sợi gỗ)), thép tái chế, tường sinh học, tấm cách nhiệt kết cấu, khối aerocon (khối bê tông khí chưng áp), kính điện thông minh và cao su tái chế.

Lợi ích của vật liệu bền vững

Tiết kiệm chi phí: Chi phí xây dựng tổng thể giảm 5-15% nhờ chi phí vận hành tòa nhà thấp hơn. Mức giảm cụ thể phụ thuộc vào loại vật liệu được kết hợp để thúc đẩy tính bền vững. Nếu nhà phát triển đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng, chi phí vận hành còn thấp hơn nữa.

Theo công ty tư vấn thị trường Beroe, các tòa nhà đạt chứng chỉ LEED đã ghi nhận mức giảm 20% chi phí bảo trì hàng năm. Chúng cũng mang lại mức giá thuê cao hơn. Tại Los Angeles, một tòa nhà thông thường có giá thuê trung bình là 2,16 đô la mỗi mét vuông, còn một tòa nhà đạt chứng chỉ LEED có thể cho thuê với giá trung bình 2,91 đô la mỗi mét vuông.

Tuân thủ quy định: Hầu hết các chính phủ trên thế giới đã ban hành quy định về các công trình xây dựng bền vững. Có những điều luật bắt buộc phải tuân thủ và những quy định mềm mang tính tự nguyện để tạo động lực cho các nhà phát triển trong ngành.

Nhu cầu thị trường tăng: Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các công trình có tính bền vững. Các tòa nhà xanh thường có tỷ lệ lấp đầy và giá thuê cao hơn, vì chúng luôn là lựa chọn hàng đầu của khách thuê. Các vật liệu bền vững cũng giúp cải thiện môi trường sống và sức khỏe của người sử dụng.

Chất lượng và giá trị tài sản cao hơn: Các giải pháp xây dựng bền vững giúp giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng tái chế. Chúng cũng cải thiện chất lượng tòa nhà và do đó tăng giá trị tài sản. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là phải chứng minh hiệu quả về chi phí xây dựng và vận hành so với mặt bằng chung của thị trường.

Các hạn chế khi sử dụng vật liệu bền vững

Đầu tư ban đầu cao: Việc sử dụng vật liệu bền vững khiến khoản đầu tư ban đầu cao. Điều này không chỉ khiến hầu hết nhà phát triển ngần ngại, mà còn đặt nhiều khách hàng vào tình thế phải thanh toán một khoản trả trước cao hơn so với căn hộ thông thường.

Tác động của COVID-19: Nhiều công ty xây dựng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn vì các điều khoản thanh toán bị sửa đổi do bối cảnh đại dịch, đồng thời giá nguyên vật liệu tăng cao do chuỗi cung ứng tắc nghẽn. Đối với các doanh nghiệp nhỏ mà đã phải đối mặt với khủng hoảng tài chính khi lợi nhuận giảm, chi phí thuê văn phòng sẽ bị cắt giảm nên họ càng không sẵn sàng chi tiêu số tiền lớn hơn để thuê không gian tại các tòa nhà xanh.

Tuy vậy, các hạn chế trên chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Còn về dài hạn, nhu cầu của khách hàng đối với các bất động sản xanh sẽ tăng trở lại, buộc ngành xây dựng và bất động sản phải chuyển hướng sang công nghệ xanh và vật liệu bền vững. Trên thực tế, mô hình công trình xanh đã thành công ở các quốc gia phát triển. Còn tại các thị trường đang phát triển, việc áp dụng mô hình này nhanh chóng sẽ giúp cải thiện việc sử dụng tài nguyên và điều kiện môi trường, đồng thời tăng giá trị sản phẩm bất động sản cho nhà phát triển.

Lam Vy (PNW)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.