Cơ hội cho doanh nghiệp Việt?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Tuyến đường sắt này vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô đặc biệt lớn, có công nghệ mới và lần đầu tiên triển khai. Trong quá trình xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, sau đó trình Trung ương Đảng, cũng như báo cáo khả thi Chính phủ trình Quốc hội, Bộ GTVT đều đưa ra cơ chế chính sách làm sao để các doanh nghiệp trong nước có thể cùng tham gia.
Bộ GTVT đã mời chuyên gia ở các lĩnh vực như kỹ thuật, kinh tế, xây dựng, chủ động xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, đề xuất các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp trong nước. Đơn cử như các điều kiện ràng buộc tổng thầu phải sử dụng dịch vụ hàng hóa trong nước sản xuất được. Đây là điều kiện tiên quyết với các nhà thầu khi tham gia.
Bên cạn đó, Bộ GTVT cho biết đã khảo sát, làm việc với các doanh nghiệp, ví dụ doanh nghiệp luyện kim, sản xuất thép hay như Tổng công ty đường sắt Việt Nam về các tiền đề sản xuất đầu máy toa xe, không chỉ cho đường sắt tốc độ cao, mà hướng tới thị trường lớn hơn là hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị…
Hòa Phát làm thép đường sắt tốc độ cao, giá thấp hơn nhập khẩu
Thực tế, ngay sau khi chủ trương về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được thông qua, khá nhiều doanh nghiệp xây lắp, sản xuất vật liệu, chế tạo... đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu dự án đào tạo nguồn nhân lực để sẵn sàng tham gia.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cho biết Hòa Phát hoàn toàn ủng hộ chủ trương làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam và đặc biệt đánh giá cao chủ trương đưa yêu cầu “phải sử dụng” hàng hóa của doanh nghiệp trong nước sản xuất được vào các gói thầu.
Được biết, hiện Hòa Phát đang là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, thuộc top 50 thế giới về sản xuất thép với công suất đạt 8,5 triệu tấn/năm, bao gồm các loại thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao, thép dự ứng lực cường độ cao, thép rút dây đến thép cán nóng, ống thép, tôn mạ.
Từ năm 2025, sau khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 hoàn thành thì năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát là hơn 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao.
Vì thế, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long tự tin cam kết 4 điểm tại dự án này.
Thứ nhất, đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao.
Thứ hai, tất cả chủng loại sắt thép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu.
Thứ ba, đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án.
Thứ tư, về giá cả, Hòa Phát đảm bảo giá cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu.
Ông Long tiết lộ, trong 3 năm gần đây, Hòa Phát đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Do đó, việc sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc hoàn toàn trong khả năng của doanh nghiệp này.
Thực tế, Hòa Phát đang khảo sát, đề xuất phương án đầu tư một số dự án lớn tại tỉnh Phú Yên, trong đó có dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép. Cơ cấu sản phẩm tại đây dự kiến tập trung vào các dòng thép chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo, như thép tấm, thép kết cấu, thép hình, ray thép...
Nhà máy sản xuất thép của Hòa Phát
UBND tỉnh Phú Yên trong một văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải về xin chủ trương kết nối tuyến đường sắt từ cảng Bãi Gốc và tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam dài khoảng 12km cũng nhắc tới nhà máy luyện kim, sản xuất thép của Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Dự kiến, nhà máy này sẽ có sản phẩm thép đường ray cao tốc có kích thước phổ biến từ 50-100m, được vận chuyển bằng đường sắt thay vì vận chuyển bằng đường bộ đến công trường.
Theo các chuyên gia, với kích thước siêu trường của các thanh ray dài 100m, việc vận chuyển bằng đường bộ sẽ không khả thi, đặc biệt là khi cần phân phối từ nhà máy hoặc cảng biển đến các công trường dọc Bắc - Nam.
Trước đó, tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2024 diễn ra hồi tháng 3/2024, UBND tỉnh Phú Yên đã trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận cho 14 nhà đầu tư của 14 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 10.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên cũng trao 5 biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 128.000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là Tập đoàn Hòa Phát tìm hiểu cơ hội đầu tư 3 dự án lớn với tổng mức đầu tư 120.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD).
Chủ tịch Hòa Phát cho biết, sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và trao đổi với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Hòa Phát quyết định đầu tư 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên.
Cụ thể, các dự án gồm: Cảng Bãi Gốc (vốn đầu tư dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng); Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (vốn đầu tư dự kiến khoảng 13.300 tỷ đồng); Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (vốn đầu tư khoảng 86.000 tỷ đồng).
Ông Long đặt kỳ vọng, các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 lao động tại Phú Yên, đóng góp ngân sách mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng cho địa phương.
Như vậy, dự án nhà máy thép mới của Hòa Phát tại tỉnh Phú Yên có tổng vốn đầu tư bằng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 đang triển khai xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Được biết, dự án Dung Quất 2 được chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 18/6/2021 với tổng diện tích 279 ha, công suất khoảng 5,6 triệu tấn thép/năm. Dự án này được thực hiện bằng vốn tự có kết hợp với vay ngân hàng, tổng quy mô đầu tư 85.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tổng công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn Thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt.
Hòa Phát dự kiến sẽ mất khoảng 3 năm để công suất của Dung Quất 2 được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm.
Tính đến thời điểm tháng 9/2024, dự án này đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2. Theo tiến độ hiện nay, phân kỳ 1 dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử nóng lò cán đầu tiên vào cuối năm nay.
-
Sau tuyên bố “NHƯỜNG SÂN” của ông chủ Hòa Phát, thị phần ngành thép 2024 đang được phân chia ra sao?
Mặc dù đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép nhưng Chủ tịch Trần Đình Long cho biết thời gian tới, Hòa Phát sẽ tập trung phát triển các loại thép chất lượng cao, nhường sân chơi cho những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng cơ bản....
-
Là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, chiếm 15-20% chi phí xây dựng, giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025
Trong năm 2025, MBS kỳ vọng giá thép xây dựng có thể tăng 7% lên 590 USD/tấn.
-
Triển vọng của ngành thép trong năm 2025: Chờ đợi cú hích từ đầu tư công
Năm 2025 được dự đoán là giai đoạn đầy triển vọng cho ngành thép nội địa Việt Nam. Với sự phục hồi kinh tế, nhu cầu đầu tư hạ tầng gia tăng và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, ngành thép đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ....