Đến hết Tết Nguyên đán, tỷ giá VND/USD sẽ không điều chỉnh nhưng sau Tết Chính phủ sẽ họp bàn về vấn đề này và đưa ra quyết định chính thức.


Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy và cho biết cuộc họp này sẽ rơi vào thời điểm ngay sau Tết âm lịch.

Trong thời gian qua, tỷ giá giữa VNĐ và USD luôn biến động mạnh, có lúc thị trường tự do và chính thức chênh nhau tới trên 10%. Nhiều chuyên gia cho rằng tỷ giá điều chỉnh nên neo ở mức trần 21.000 đồng (thay vì 19.500 VND/USD như hiện nay) và biên độ ở khoảng 5%.

Theo TS Lê Đăng Doanh, cần điều chỉnh tỷ giá USD bởi mức thâm hụt thương mại, thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai chưa được cải thiện.

Ngoài ra mức dự trữ ngoại hối nguồn ngoại tệ vẫn chưa được cải thiện nhiều, lượng USD trong dân chưa được khai thông cũng là những lý do khiến tỷ giá USD tăng.

TS. Doanh cho rằng, lượng USD trong dân hiện có khoảng 20 tỷ USD, nghĩa là vẫn còn một lượng USD lớn được giắt gối thay vì được đẩy vào lưu thông trên thị trường.

Theo ông, cần giải quyết số vàng và số tiền lớn trong dân vì nếu có chính sách để hút số tiền,vàng trong dân thì Việt Nam không thiếu ngoại tệ…Cách tốt nhất để huy động được số tiền trong dân và đảm bảo rằng người dân đừng giữ vàng, đô la trên gác bếp, hay giắt gối mà họ đem gửi tất cả vào ngân hàng là tăng cường cải thiện môi trường vĩ mô.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Chính phủ cần phối hợp nhiều biện pháp vừa can thiệp vừa điều chỉnh, giải quyết ngay trong quý 1/2011 sự chênh lệch để ổn định tỷ giá, tránh sự biến động mạnh trong năm 2011.

Trong năm 2010, đặc biệt là trong tháng 11, 12, chênh lệch tỷ giá USD tự do với tỷ giá chính thức lên đến 10%, có thể nói là mức chênh lệch cao nhất trong lịch sử tài chính Việt Nam từ năm 1990. Điều đó gây ra quan ngại lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư vào Việt Nam, nó cũng cho thấy nguồn cung ngoại tệ của chúng ta thiếu hụt thực sự. Một phần của chênh lệch này cũng do yếu tố tâm lý lo ngại vàng tăng giá, bất ổn về lãi suất, lạm phát…

Kể từ sau đợt nâng tỷ giá liên ngân hàng từ 18,544 lên 19,532 VND/USD vào ngày 17/08/2010 đến nay, tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do luôn vượt tỷ giá niêm yết chính thức.

Vào đầu tháng 12/2010, tỷ giá có lúc đã tiến sát mốc 22,000 VND/USD. Trong 3 tuần trở lại đây, tỷ giá trên thị trường tự do được giao dịch khá bình ổn quanh mốc 21,000 VND/USD, cao hơn gần 8% so với tỷ giá niêm yết.

Nguyên nhân chính của việc tỷ giá biến động mạnh trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ tâm lý người dân.

Lòng tin vào tiền đồng suy giảm khiến cho người dân tăng cường giao dịch và tích trữ ngoại tệ. Bằng chứng dễ thấy nhất là tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế tăng khá mạnh và tăng trưởng dư nợ tín dụng bằng USD trong năm 2010 vượt trội so với tín dụng đồng nội tệ.

Nguyên nhân quan trọng khác là năm 2010, Việt Nam tiếp tục bị thâm hụt cán cân thanh toán. Mức thâm hụt này ước tính vào khoảng 2.5 tỷ USD, thấp hơn dự tính ban đầu là 4.5 tỷ USD.

Những khoản mục chính trong cán cân thanh toán năm 2010 là nhập siêu hàng hóa 12.4 tỷ USD; nhập siêu dịch vụ 0.86 tỷ USD; vốn FDI giải ngân ròng khoảng 8 tỷ USD; vốn FPI (không tính 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ phát hành quốc tế) đổ vào khoảng 1 tỷ USD; lượng kiều hối khoảng 8 tỷ USD và khoảng 3 tỷ USD vốn ODA giải ngân.

Các tính toán cho thấy dòng tiền nước ngoài đổ vào Việt Nam năm 2010 vẫn là số dương. Điều này cũng cho thấy USD trong nền kinh tế không phải là quá khan hiếm.Những phân tích trên một lần nữa chứng minh tỷ giá biến động mạnh trong thời gian qua chủ yếu là do tình trạng đô la hóa tăng mạnh trong nền kinh tế.

Hiện nay, tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do quá chênh với tỷ giá niêm yết.Tình trạng hai tỷ giá chênh lệch lớn và kéo dài để lại rất nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Các ngân hàng, người dân buộc phải lách luật trong trao đổi ngoại tệ dù họ không hề muốn.Theo nhiều ý kiến, sự chênh lệch tỉ giá ở trên đã gây khó khăn các NH trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Bản thân các NH chỉ là định chế trung gian cung – cầu. Điều đáng nói là khó khăn của các DN xuất -nhập khẩu khi phải chấp nhận giao dịch ngoại tệ theo tỉ giá tự do. Thị trường, bao gồm cả các NHTM đã bằng cách này hay cách khác gần như đã chấp nhận giao dịch ở mức tỉ giá của thị trường tự do.

Do vậy, việc điều chỉnh tỷ giá chính thức cho phù hợp với quy luật của thị trường là rất cần thiết. Vấn đề quan trọng hơn lúc này là lựa chọn mốc thời gian nào có lợi nhất.

Việc giảm giá VND sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, về dài hạn thì đây là một chính sách có lợi đối với cả nền kinh tế. Ngoài ra, việc tỷ giá dần ổn định (điều này quan trọng hơn là tỷ giá ở mức nào) sẽ khuyến khích dòng vốn nước ngoài giải ngân vào thị trường.

Trong khi đó, xét về lạm phát thì ảnh hưởng của việc giảm giá sẽ không nhiều, vì thực tế các doanh nghiệp vẫn đã phải mua ngoại tệ và nhập khẩu bằng tỷ giá thị trường. Tuy nhiên, việc nhiều hàng hóa “đua” theo tỷ giá có lẽ là điều không thể tránh khỏi.

Theo ông Phạm Thế Anh – chuyên gia kinh tế trưởng của TSC, những thông điệp này cho thấy việc điều chỉnh tỉ giá sớm muộn cũng sẽ được thực hiện, vấn đề chỉ còn là việc lựa chọn thời điểm thích hợp.

Ông Phạm Thế Anh đã chỉ ra những thuận lợi của việc điều chỉnh tỉ giá ở thời điểm này: Thứ nhất, việc điều chỉnh tỉ giá trong thời điểm thuận lợi về nguồn cung ngoại tệ sẽ giúp cho thị trường tự do không bị xáo trộn mạnh, đồng thời giúp đưa tỉ giá trên hai thị trường tiến sát gần nhau hơn. Thứ hai, việc điều chỉnh tỉ giá trong thời điểm thắt chặt tiền tệ hiện nay được kỳ vọng là sẽ khiến cho các DN và người dân có ngoại tệ chịu bán lại cho các NHTM hơn. Thứ ba, đây có lẽ là thời điểm tốt để NHNN mua lại nhằm cải thiện lượng dự trữ ngoại tệ vốn được cho là đã xuống rất thấp trong thời gian qua.

Cafeland.vn - Theo Tầm Nhìn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland