Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra dự báo bức tranh kinh tế tháng 11. Theo đó, tổng mức thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam từ đầu năm đến nay lên tới 4,1 tỷ USD. Dự báo, trong hai tháng cuối năm, nhập siêu có thể gia tăng do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng. Theo BVSC, mức thâm hụt cán cân thương mại trong cả năm nay có thể đạt mức 5-5,5 tỷ USD.
Đề cập đến diễn biến thị trường tiền tệ, BVSC cho biết: Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trong tháng 10 đã có sự sụt giảm mạnh. Mức lãi suất trung bình cho kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần giảm 1-1,2%, lần lượt về mức 2,82%/năm, 3,1%/năm và 3,37%/năm. Đặc biệt, trong tuần cuối của tháng 10, lãi suất thậm chí giảm khá sâu, chỉ còn dưới 2%/năm.
Tại buổi họp báo công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam mới đây, ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ, nhận định: Trong 12 tháng tới, Việt Nam sẽ có thêm 2 lần điều chỉnh tỷ giá đối với đồng VND, tùy theo quyết định vào thời điểm nào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và VND cũng sẽ được cho phép giao dịch với biên độ tối đa. “Điều đó có nghĩa là VND có thể mất giá 5-7% trong 12 tháng tới và điều này sẽ giúp Việt Nam ổn định được dự trữ ngoại hối,” ông Glenn nói.
Ngân hàng HSBC đánh giá, kinh tế Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng ổn định. Đến thời điểm này, lạm phát thấp và triển vọng thuận lợi của giá năng lượng toàn cầu sẽ cho phép NHNN giữ lãi suất ổn định.
Tuy nhiên, nếu tăng trưởng mạnh hơn, tiền lương tăng, sẽ thúc đẩy lạm phát cơ bản trong năm 2016. “Một khi áp lực giá cả tăng lên trong năm tới, chúng tôi cho rằng, NHNN có thể tăng lãi suất thêm 0,5% trong quý III/2016, đưa mức lãi suất thị trường mở từ 5% như hiện nay lên 5,5%”, báo cáo của HSBC viết.