Trong sáu phiên giao dịch gần đây (từ 25 đến 30/1), tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng liên tục giảm, từ 22.390 đồng xuống 22.235 đồng mỗi đôla Mỹ, giảm 165 đồng. Còn nếu so với mức giá ngày đầu tiên Ngân hàng Nhà nước áp dụng theo cơ chế tính chéo của VND với một số ngoại tệ khác thì hiện mỗi USD giảm 315 đồng - mức giảm khá mạnh từ trước tới nay.
Tỷ giá USD/VNd liên tục giảm trong giai đoạn đầu năm 2016.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tỷ giá giảm mạnh là do nguồn cung USD từ giải ngân đầu tư và kiều hối tăng. Nhiều ngân hàng bán ra ngoại tệ để cân bằng trạng thái ngoại hối.
Tuy nhiên, BVSC cho rằng diễn biến của tỷ giá trong thời gian gần đây chỉ mang tính tạm thời, bởi đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục mạnh lên, nhân dân tệ bị phá giá vẫn gây áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Tại buổi hội thảo thuyết trình kinh tế toàn cầu diễn ra mới đây ở TP HCM, nhiều doanh nghiệp cho biết nỗi lo lắng lớn nhất nằm ở biến động tỷ giá. Tuy nhiên, khi Ngân hàng Standard Chartered làm cuộc khảo sát nhanh tại hội trường thì chỉ có 8,6% cho biết họ có sự phòng ngừa ở mức cao, trong khi đến 53,5% doanh nghiệp xuất nhập khẩu phòng ngừa rủi ro tỷ giá thấp và gần 38% cho rằng họ phòng ngừa ở mức trung bình.
Một doanh nghiệp cũng băn khoăn không biết nên chọn mức tỷ giá nào để lập dự toán ngân sách cho công ty. Bởi vị này cho biết, trong năm 2015 vừa qua, công ty đã lập dự toán ngân sách là 21.500 đồng từ đầu năm, nhưng đến cuối năm tỷ giá đã vọt lên mức 22.500 đồng một USD khiến bị sai lệch lớn.
Trước băn khoăn này, lãnh đạo Standard Charered cho rằng, với chính sách tỷ giá mới này, tiền đồng sẽ được giảm bớt áp lực và sẽ xoay quanh mức 22.700 đồng cho đến cuối năm.
Các chuyên gia cũng dự báo còn nhiều dư địa trong điều chỉnh tỷ giá. Theo đó, trong quý I, tỷ giá USD/VND dự đoán nằm ở mức 22.600 đồng, quý II/2016 ở mức 22.800 đồng, quý III-IV sẽ ở mức 22.700 đồng.