Nhiều chỉ báo cho thấy cung cầu ngoại tệ chịu nhiều sức ép, thậm chí thị trường còn đánh cược vào khả năng VNĐ tiếp tục mất giá trong những tháng cuối năm.

Tỷ giá thị trường tự do sau hơn một tháng ổn định bỗng tăng trở lại từ ngày 27/9, và bắt đầu vượt xa mức niêm yết của ngân hàng. Diễn biến này trùng khít với đợt biến động của thị trường vàng, giá vàng trong nước từ chỗ thấp hơn thế giới bỗng tăng mạnh và cao hơn thế giới bắt đầu từ ngày 27/9.

Tỷ giá chợ đen phá đỉnh 19.900 đồng vào ngày 6/10, vênh tới 400 đồng so với giá trong ngân hàng, khi Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp có thể cho nhập khẩu vàng. Bước sang 7/10, ngày các đầu mối được cấp quota nhập khẩu vàng, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng cũng biến động mạnh, lên tới 19.860 đồng ăn một đôla, bỏ xa mức trần quy định tới 360 đồng.

Khi cấp quota nhập khẩu vàng với số lượng không lớn (dưới 3 tấn) và yêu cầu thực hiện nhanh (từ 7 đến 12/10), Ngân hàng Nhà nước muốn tạo ra liều thuốc vừa đủ giải tỏa tâm lý găm giữ vàng mà không gây xáo trộn trên thị trường ngoại hối. Quả thật sau 7/10, giá vàng trong nước đã thu hẹp đáng kể khoảng cách so với giá thế giới. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá giảm 50 điểm về mức 19.800 đồng ngay khi các ngân hàng gom đủ ngoại tệ nhập vàng.

Nhưng từ hôm đó đến nay, tỷ giá tự do vẫn neo quanh 19.850 đồng, giữ khoảng cách khá xa mức trần 19.500 của ngân hàng mà chưa có dấu hiệu co lại. Điều đó cho thấy, diễn biến tỷ giá những ngày đầu tháng 10 không phải một cơn cảm cúm ngắn ngày mà báo hiệu nhiều nguy cơ không dễ tìm thuốc giải hiệu nghiệm.

Thực tế, thị trường ngoại tệ được giữ ổn định trong vòng hơn một tháng trước cuối tháng 9 không chỉ vì quyết định tăng tỷ giá liên ngân hàng thêm hơn 2% vào ngày 17/8, mà chủ yếu do có nguồn ròng từ hoạt động xuất khẩu vàng. Theo thống kê của hải quan, nhập khẩu vàng trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 6 tấn, tương đương 208 triệu USD, trong khi xuất khẩu lên tới 65,8 tấn, tương đương 2,52 tỷ USD. Đáng chú ý, đợt xuất tăng mạnh trong hai tháng 8 và 9 giúp cung ứng khoảng 1,2 tỷ USD.

Nhưng từ nay đến cuối năm, thị trường ngoại tệ không thể trông chờ nhiều vào xuất khẩu vàng, vì giá trong nước khó có cơ hội thấp hơn nhiều so với thế giới như trước và nguồn cung cũng không còn nhiều để có thể xuất đi ồ ạt.

Các nguồn cung ngoại tệ truyền thống hiện chưa có tín hiệu khởi sắc mạnh mẽ. Dòng vốn gián tiếp vẫn ra vào ở mức cầm chừng do thị trường chứng khoán ảm đạm. Ngay cả khi thế giới cảnh báo về dòng vốn nóng đổ vào trái phiếu của các nước đang phát triển, thì với Việt Nam các nhà đầu tư ngoại mới dừng lại ở sự quan tâm do lo ngại bất ổn tỷ giá cũng như sự quản lý chặt chẽ của Việt Nam.

Mặt khác, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc. Kiều hối chuyển về nước cuối năm có thể tăng lên nhưng khó có thể trở thành nguồn cung dồi dào cho thị trường khi người dân ngày càng có xu hướng tích trữ đôla Mỹ.

Trong khi đó, thâm hụt thương mại vẫn là một bài toán khó giải. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cán cân thương mại năm 2010 có thể thâm hụt 10,1 tỷ USD. Mặc dù thặng dư ở một số nguồn như chuyển tiền, hay cán cân vốn, nhưng tính chung cán cân tổng thể ước thâm hụt khoảng 4 tỷ USD. "Đây là nguyên nhân chủ yếu tác động đến cung cầu và tỷ giá tăng lên", báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thường vụ Quốc hội mới đây nhấn mạnh.

Từ tháng 11/2009 đến nay, tỷ giá chính thức đã được điều chỉnh 3 lần. Ảnh: Hoàng Hà

Phòng phân tích ngoại tệ một ngân hàng quốc doanh vừa đưa ra nhận định về diễn biến giá vàng và ngoại tệ sau những biến động của thị trường vàng. Trong đó cũng cho rằng, với kỳ vọng tỷ giá tiếp tục chịu sức ép lớn những tháng cuối năm nay, thị trường đang có xu hướng tăng găm giữ ngoại tệ và đánh cược vào khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp điều chỉnh tăng tỷ giá.

"Thị trường thường ước lượng mức độ trượt giá của tiền đồng theo khoảng vênh giữa lãi suất VNĐ với đôla Mỹ", cán bộ phụ trách phòng phân tích lý giải. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh tỷ giá, tổng cộng hai lần hơn 5,5%. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất tiền gửi VNĐ và USD hiện vào khoảng 7-8%.

"Không có nhiều kỳ vọng vào khả năng bơm tiền can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, vì nguồn ngoại tệ dự trữ hiện không rủng rỉnh để có thể mạnh tay bán ra hỗ trợ", chuyên gia ngoại tệ này nói.

Số liệu cập nhật cuối tháng 9 của Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) cho thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính tới cuối tháng 6 đạt khoảng 13,5 tỷ USD, tương đương 9,6 tuần nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, cao hơn so với mức 11,8 tỷ USD hồi tháng 3 nhưng vẫn thấp hơn so với mức 14,1 tỷ USD vào cuối năm 2009.

"Thâm hụt thương mại đáng kể và lạm phát khá cao, đi đôi với việc người dân chuyển từ các tài sản bằng đồng nội tệ sang đôla Mỹ và vàng, sẽ tiếp tục làm giảm giá đồng Việt Nam", ADB cảnh báo.

Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa không quá bi quan về diễn biến tỷ giá từ nay đến cuối năm. Theo ông, trong ngắn hạn tỷ giá vẫn ổn định do đồng đôla Mỹ đang mất giá quá mạnh trên thị trường thế giới, Việt Nam nếu có muốn cũng không dễ làm mất giá tiền đồng hơn nữa. Kỳ vọng lạm phát hiện không còn lớn. Trong khi đó, dư chấn sau 3 lần điều chỉnh tỷ giá (từ tháng 11 năm ngoái đến nay, lên tới hơn 11%) vẫn còn kéo dài trong vài ba tháng tới.

Chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và USD một mặt nào đó vẫn tiếp tục kích thích nhu cầu vay đôla để chuyển hóa ra tiền đồng kinh doanh và xét về một mặt nào đó, đây cũng là nguồn cung giúp giảm áp lực trên thị trường tiền tệ trong những tháng cuối năm.

"Tất nhiên, khuynh hướng tác động ngược chiều có thể xảy ra. Nhưng việc giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm không phải nhiệm vụ bất khả thi", ông Nghĩa nói.

Trưởng phòng kinh doanh ngoại hối một ngân hàng cỡ lớn cũng chia sẻ quan điểm này. Ông cho rằng không phải ai cũng cả gan đánh cược với khả năng VNĐ mất giá thêm nữa, bởi họ sẽ phải cân nhắc rất kỹ với rủi ro cũng như chi phí vốn khi găm giữ ngoại tệ.

Trao đổi với VnExpress, một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho rằng không thể nói chắc sẽ cố định tỷ giá từ nay đến cuối năm, cơ quan này sẽ linh hoạt điều hành tỷ giá ngoại tệ theo hướng ổn định và phù hợp với các cân đối vĩ mô.

Cafeland.vn - Theo Song Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland