Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ngày 14/3, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietnam Airlines nói hãng này đã qua giai đoạn khó khăn nhất, hồi phục 80-90% đường bay so với trước dịch Covid-19.
Tuy nhiên, ông Hòa cho biết, với 1% thay đổi tỷ giá, hãng mất 300 tỷ đồng. Nếu tỷ giá biến động 5%, chi phí một năm của hãng bay này tăng lên 1.500 tỷ.
"Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể", ông Hòa nói.
Ổn định tỷ giá cũng là đề nghị được ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nêu. Dư nợ vay ngoại tệ của tập đoàn này hiện là 38.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD. Do đó, biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, theo ông Hùng.
"Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá ổn định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động ngoại tệ. Chúng tôi hy vọng có giải pháp duy trì tỷ giá ổn định tới đây", Chủ tịch PVN nói.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, phát biểu tại hội nghị chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, ngày 14/3. Ảnh: VGP
Gần đây, tỷ giá ngoại tệ bật tăng mạnh, nhất là sau Tết Nguyên đán. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá trên thị trường chính thức tăng 1,8% trong khi giá USD tự do tăng 3,75%. Trong khi giá đồng bạc xanh trong ngân hàng hạ nhiệt khi tiến gần mốc 25.000 đồng, nó vẫn tăng mạnh trên thị trường tự do, lên mức kỷ lục 25.700 đồng.
Nguyên nhân diễn biến này đến từ chênh lệch lãi suất USD/VND kéo dài và xu hướng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), khiến nhu cầu về USD hấp dẫn trong nửa đầu năm 2024.
Từ 11/3, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu trở lại, hút về gần 30.000 tỷ đồng trên thị trường liên ngân hàng. Đây là động thái gián tiếp ổn định tỷ giá qua kiểm soát lãi suất liên ngân hàng, thu hẹp chênh lệch lãi suất VND/USD.
Tuy nhiên, khác với những doanh nghiệp có dư nợ vay hay chi phí bằng ngoại tệ, nhóm ngành xuất khẩu lại có quan điểm ngược lại. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, giai đoạn 2022 - 2023, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh hay Thổ Nhĩ Kỳ đều có xu hướng giảm giá đồng nội tệ để kích thích xuất khẩu.
Đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 50%, Bangladesh hạ 21%, nhân dân tệ của Trung Quốc cũng thấp hơn 11% hai năm qua. Điều này khiến hàng dệt may Việt Nam đắt hơn 15% so với các quốc gia này, nếu chỉ xét riêng về biến động tỷ giá.
"Với tỷ giá giảm khoảng 5% hai năm qua, các ngành xuất khẩu Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn so với các nước khác. Chúng tôi không dám nói nên giảm đi bao nhiêu, nhưng có lẽ 5% vẫn thấp và khó cho xuất khẩu phục hồi", ông Trường nói, và thêm rằng tỷ giá là một trong những nguyên nhân xuất khẩu dệt may giảm 10% trong hai năm.
-
Kinh tế Nhật Bản thoát suy thoái
Nhật Bản tránh được suy thoái khi số liệu điều chỉnh cho thấy nền kinh tế này tăng trưởng trong quý IV/2023, thay vì giảm như ước tính sơ bộ.








-
CEO Techcombank: Việt Nam có thể tăng trưởng 10%
Ông Jens Lottner đánh giá mục tiêu tăng trưởng 10% của Việt Nam là khả thi, nhưng phải trong điều kiện tận dụng chính xác các yếu tố vĩ mô thuận lợi.
-
Doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư hạ tầng
Giải ngân đầu tư công tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, song cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết liên quan đến đầu tư công vẫn còn hạn chế.
-
Cho rằng giai đoạn căng thẳng nhất đã qua, UOB nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam
Trong báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam do Ngân hàng UOB công bố ngày 8.7, ngân hàng này điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2025 lên 6,9%, thay vì mức 6% trước đó.