Theo cập nhật từ ban quản lý đường sắt đô thị, tiến độ thực hiện của tuyến metro số 1 có khả năng bị vỡ do tốc độ giải ngân vốn chậm.
Theo thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến metro số 1, nối từ Bến Thành đến Suối Tiên, dựa vào hai nguồn vốn là vốn đối ứng của thành phố và vốn vay ODA từ chính phủ Nhật Bản. Phần vốn đối ứng của thành phố thì luôn sẵn sàng, nhưng vốn vay ODA do chính phủ phân bổ thì đang bị chậm so với tiến độ.
Cụ thể, trong năm 2017 này, đến tận ngày 28/4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ mới quyết định chấp thuận theo đề nghị phân bổ vốn của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Sau đó, bộ mới có quyết định phân bổ vốn lại cho các địa phương. Như vậy, tiến độ giải ngân vốn đã trễ hơn 4 tháng.
Không những chậm, giá trị vốn được phân bổ cũng không đáp ứng nhu cầu. Theo đó, nhu cầu vốn của tuyến metro số 1 trong năm 2017 được dự toán là 5.400 tỷ đồng. Nhưng Chính phủ chỉ duyệt phân bổ cho dự án hơn 2.100 tỷ.
Với số vốn này, ban quản lý dự kiến sẽ dùng 600 tỷ đồng để trả nợ đã đối ứng từ ngân sách thành phố vào năm 2016; và 1.400 tỷ trả nợ nhà thầu phát sinh trong 4 tháng qua. Như vậy, nguồn vốn để tiếp tục thi công dự án này đang gặp khó khăn.
Tuyến metro số 1 có khả năng vỡ tiến độ. Ảnh: Lê Quân.
Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, nhiều nhà thầu đã lên tiếng đòi giãn tiến độ hoặc ngưng công trường, nếu tốc độ giải ngân tiếp tục không được cải thiện.
“Cũng chia sẻ rất thật, khó khăn của dự án hiện nay, ngoài vấn đề an toàn lao động, chất lượng công trình và tiến độ xây dựng, chúng tôi còn gặp khó khăn rất lớn về vốn. Phía chính phủ Nhật Bản cũng đã nhiều lần đặt vấn đề một cách nghiêm túc và gay gắt. Vốn họ đã chuẩn bị sẵn theo tiến độ của dự án; hiệp định vay vốn cũng đã có. Vấn đề là do thủ tục nội bộ của mình; và mình phải giải quyết", ông Quang nói.
Hiện, UBND TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố; phối hợp với ban quản lý đường sắt đô thị và ban quản lý công trình giao thông đô thị; nghiên cứu đề xuất lên các bộ liên quan các giải pháp nhằm phân bổ vốn kịp tiến độ.
Tuyến metro số 1 có tổng chiều dài 19,7 km; gồm 2,6 km ngầm và 17,1 km trên cao. Tuyến có tổng cộng 14 ga, với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao; và depot Long Bình tại quận 9.
Tổng mức đầu tư dự kiến của toàn tuyến là hơn 47.325 tỷ đồng. Trong đó, hơn 41.833 tỷ đồng là vốn vay từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA. Còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM. Tuyến metro số 1 dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2020; và hiện đã hoàn thành khoảng 40% khối lượng công việc.
Bạch Hồng (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.