Tuyến metro số 1 đang chạy nước rút để về đích cuối năm 2020. ẢNH: PHẠM HỮU
Nhà thầu Nhật lo... chịu trách nhiệm
Tuyến metro 1 chắc chắn không ảnh hưởng, tuy nhiên Sở Xây dựng cần tiếp cận công trình đang hạ mực nước ngầm để kiểm tra vì theo nguyên tắc, khi hạ mực nước ngầm phải bơm trả nước vào nền sâu bên dưới, thông qua giếng đóng phụ nhưng nhiều đơn vị thi công ẩu, muốn tiết giảm chi phí nên không làm, nguy cơ gây sụt lún các hộ lân cận.
PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp
Như Thanh Niên đã đưa tin, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (BQLĐSĐT) vừa có văn bản khẩn gửi Sở Xây dựng TP và UBND Q.1 (TP.HCM) bày tỏ lo ngại dự án thi công khách sạn kết hợp nhà ở tại địa chỉ số 129 Lê Thánh Tôn, do Công ty TNHH Linh Hạ làm chủ đầu tư, sử dụng biện pháp thi công bơm rút nước ngầm có thể đã làm hạ mực nước ngầm. Điều này gây ra hiện tượng lún, ảnh hưởng đến sự ổn định các công trình lân cận đoạn hầm đào hở đường Lê Lợi, khu vực gói thầu 1a thuộc dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Theo đó, kể từ khi có hiện tượng mực nước ngầm hạ đột ngột, độ lún nền và độ lún công trình lân cận tăng bất thường, nhà thầu SMC4 đã phải tạm dừng công tác đào đất, thi công hệ khung chống lớp 3 đoạn hầm đào hở trên đường Lê Lợi 2 tuần nay. Trước tình hình cấp bách, BQLĐSĐT đề nghị Sở Xây dựng và UBND Q.1 nhanh chóng có biện pháp kiểm tra, giải pháp xử lý đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận, không làm ảnh hưởng đến tiến độ của tuyến metro số 1.
Trả lời Thanh Niên chiều 22.4, ông Phạm Hữu Tạo, Phó phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng TP.HCM), cho biết ngay khi nhận được công văn của BQLĐSĐT, Sở Xây dựng đã lập tức cử chuyên viên xuống kiểm tra hiện trường. Tuy nhiên, công trình địa chỉ số 129 Lê Thánh Tôn theo như phản ánh hiện đang tạm ngưng, không xây dựng, chỉ có công trình tại địa chỉ 125 - 127 Lê Thánh Tôn mới đang thực hiện việc bơm hút nước ngầm.
Cũng theo vị này, ngay tại buổi làm việc tại hiện trường, một chuyên gia Nhật Bản, thuộc đơn vị thi công tuyến metro số 1 đoạn đào hở, đã khẳng định việc hạ mực nước ngầm hoàn toàn không thể gây sụt, lún tuyến metro. Điều họ lo ngại là theo tiêu chuẩn thi công của nhà thầu Nhật, khi các công trình lân cận bị lún xuống, chuyển vị trên 3 cm sẽ ở mức báo động, ngay từ mức 2,4 cm thì phải đưa ra giải pháp, tạm ngưng công trình.
“Họ cảnh báo vì sợ các công trình lân cận bị sụt lún, dân chúng thưa kiện sẽ ảnh hưởng tiến độ thi công của tuyến metro số 1. Nếu công trình 125 - 127 Lê Thánh Tôn thi công gây ảnh hưởng mà không có kết luận rõ ràng sẽ liên lụy, khiến các nhà thầu Nhật phải chịu trách nhiệm nên họ cần một khẳng định từ phía chính quyền. Chúng tôi cũng sẽ nhanh chóng kiểm tra và đưa ra kết luận”, ông Tạo nói và cho biết do mức chuyển vị rất nhỏ nên bản thân các hộ dân chưa có ý kiến gì.
Chắc chắn vô hại với tuyến metro
Theo báo cáo của đơn vị thi công, hiện cao trình mực nước ngầm bên dưới nằm ở khoảng >4,2 m, công trình đào sâu xuống khoảng 7,5 m, bên dưới đang đổ một lớp bê tông lót để chuẩn bị lót tầng hầm. Để thi công, nhà thầu buộc phải đặt máy bơm hút phần nước ngầm để đảm bảo mực nước luôn nằm dưới 7,5 m và cắm các cọc khoan nhồi xi măng cát xung quanh.
Ông Phạm Hữu Tạo cho hay trường hợp không bơm, nước ngầm dâng lên mức >4,2 m sẽ tạo áp lực trực tiếp lên hệ thống tường vây, có thể làm gãy hoặc sạt. Nước dâng còn gây áp lực đẩy nổi lên các công trình kế bên, nếu ngưng trong vòng 5 ngày theo yêu cầu bên BQLĐSĐT, sau đó tiếp tục bơm ra sẽ xảy ra hiện tượng cát chảy từ tầng địa chất, gây lún, sụt các công trình kế bên.
PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, khẳng định đoạn tường vây tuyến metro móng sâu, đóng cọc kiên cố nên không lo, chắc chắn không bị ảnh hưởng.
Đại diện Sở Xây dựng thông tin rằng tuy không phải địa chỉ BQLĐSĐT phản ảnh, nhưng Sở Xây dựng cũng đã kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư công trình số 125 - 127 Lê Thánh Tôn cung cấp hồ sơ biện pháp thi công, các số liệu đo công trình lân cận và giải pháp hạ mực nước ngầm. Từ đó, Sở sẽ rà soát đơn vị có thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật về việc thi công tầng ngầm theo Quyết định 44 của UBND TP hay không, các nhà thầu, đơn vị tham gia có đủ năng lực thi công hoạt động xây dựng hay chưa... rồi mới ra kết luận những tác động, ảnh hưởng đến công trình lân cận. Trong vòng 7 ngày, tính từ ngày lập biên bản 18.4, chủ đầu tư sẽ gửi lại đầy đủ hồ sơ cho Sở, trường hợp chậm trễ sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính.