26/07/2013 8:47 AM
CafeLand – Vào lúc 8h45’ sáng nay (26/07),tại lầu 1, Royal Hotel Saigon, 133 Nguyễn Huệ, TP.HCM, Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand đã phối hợp với CBRE Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản”.

Với sự tham gia của các diễn giả chính là GS TSKH Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Ông Adam Bury – Phó Giám đốc Phòng Đầu tư CBRE Việt Nam, Ông Huỳnh Anh Dũng – Giảng viên cao cấp CRS Hoa Kỳ. Hội thảo nhằm cung cấp cho doanh nghiệp và nhà đầu tư một cái nhìn đa chiều và sâu sắc nhất về ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô, chính sách đối với thị trường bất động sản. Bên cạnh đó hội thảo cũng nhằm hướng đến tập hợp thảo luận của nhà đầu tư, chuyên gia và quan chức để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập đối với thị trường và đưa ra các khuyến nghị chính sách.

9h50: Ông Nguyễn Cao Cương - Tổng biên tập báo Diễn đàn Đầu tư phát biểu khai mạc hội thảo

Dưới tác động của kinh tế những năm gần đây thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, bất động sản đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, thu ngân sách nhà nước, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng... Thị trường bất động sản bộc lộ những bất cập, thị trường trì trệ có thể dẫn tới nguy cơ sụp đổ. Do đó, thời gian gần đây có nhiều hội thảo bàn luận giải quyết vấn đề này, và hội thảo “Kinh tế Vĩ mô và thị trường bất động sản” do Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand phối hợp với CBRE Việt Nam tổ chức cũng nhằm mục đích đó.

Theo ông Cương, nếu đầu tư bất động sản tăng 1 đô la thì sẽ thúc đẩy các ngành liên quan như xây dựng thì các lĩnh vực sẽ phát triển từ 1,5 - 2 đô la…

9h00: GS TSKH Đặng Hùng Võ trình bày tham luận "Tác động kinh tế vĩ mô và chính sách tới thị trường bất động sản"

Theo GS Võ, từ năm 1991 đến nay, thị trường bất động sản đã trải qua nhiều đợt biến động mà mấu chốt là do nguồn cầu ảo tạo ra bong bóng bất động sản; Quản lý thị trường bất động sản yếu kém. Tư duy quản lý từ bao cấp sang thị trường chuyển đổi chậm chạp; Thông tin thị trường thiếu đầy đủ chính xác càng thúc đẩy đầu cơ.

Mặc dù, Chính phủ đã "giải cứu" thị trường qua qua gói 30.000 tỷ, tuy nhiên gói tín dụng này vẫn còn nhiều vướng mắc. Thứ nhất là “vướng” ở chỗ ai là người xác minh được đối tượng thu nhập thấp nhà là ai. Thứ 2 là việc xác nhận cho người vay tiền còn gặp nhiều vướng mắc.

Dù vậy, không thể phủ nhận rằng, Nghị quyết 02 đã đề cập đến vấn đề giải quyết bất động sản tồn đọng, tạo đà cho những giải pháp tiếp theo để hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục.

Tuy nhiên, để có thể thoát khỏi khó khăn, các nhà đầu tư phải thật “thông minh” tự tìm ra giải pháp, tự tính toán trong khả năng của mình để bán được hàng.

Lý giải về việc hiện nay một số dự án nhà ở xã hội có giá bằng hoặc thậm chí là cao hơn các dự án nhà ở thương mại, Giáo sư Võ cho rằng, giá nhà ở xã hội cao là do quản lí theo cơ chế bao cấp chứ không theo cơ chế thị trường.

9h30: Ông Adam Bury tham luận vấn đề:"Cung cầu bất động sản"

Sự hồi phục của thị trường bất động sản đang dần hiện rõ, nền kinh tế đang dịch chuyển đúng hướng, kênh đầu tư vàng và tiền gửi tiết kiệm kém thu hút người dân, đây là cơ hội cho thị trường bất động sản. Thêm vào đó, các chính sách của Chính phủ đang được điều chỉnh theo hướng có lợi cho thị trường như việc điều chỉnh giảm một số loại thuế, thành lập Công ty quản lí tài sản (VAMC). Theo đó gói tín dụng 30.000 tỷ và các chính sách giảm thuế của Chính phủ sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường bất động sản. Số căn hộ chào bán ở các phân khúc khác nhau đã tăng mạnh trong quy 2/2013.

Hiện tại không những căn hộ bình dân được ưa chuộng mà số căn hộ cao cấp bán được cũng tăng lên rõ rệt nhờ lịch thanh toán linh hoạt và các ưu đãi khác của chủ đầu tư. Thị trường cũng đã có sự đổi mới, những dự án ngưng hoạt động nay đã bắt đầu tái khởi động và ra mắt thị trường.

Mặc dù người mua vẫn còn chần chừ chờ giá bất động sản tiếp tục giảm, tuy nhiên theo Adam Bury, các thống kê của CBRE cho thấy, giá bất động sản Tp.HCM đã chạm đáy. Mặc dù thị trường khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng, hàng loạt chủ dự án vẫn rầm rộ khởi công dự án tại quận 1 và quận 7.

Điểm sáng thị trường văn phòng là có rất nhiều các doanh nghiệp muốn xây dựng các tòa nhà hạng A, thu hút được các công ty đa quốc gia do vị trí đắc địa và chất lượng cao cấp.

Từ năm 2013 trở đi, các nhà đầu tư sẽ có những thương vụ giao dịch trực tiếp. Với điều kiện của thị trường hiện nay, những nhà đầu tư VN cần phải thông minh, khôn ngoan hơn.

10h55: Ông Huỳnh Anh Dũng trình bày tham luận: "Doanh nghiệp làm gì trong bối cảnh vĩ mô và tình hình kinh doanh hiện nay"

Khó khăn tài chính biểu hiện qua nợ xấu, thiếu vốn dẫn tới chậm tiến độ, nhiều dự án bỏ dở. Người mua nhà bỏ tiền ra mua nhà nhưng lại không nhận được nhà đúng hạn dẫn tới niềm tin giảm sút. Trong khi nhiều dự án chậm tiến độ không giao nhà đúng hạn thì lại có tình trạng hàng tồn kho do hầu hết thu nhập của người dân Việt Nam ở mức vừa và thấp nhưng giá bất động sản lại quá cao.

Qua đánh giá những khó khăn, ông đưa ra chiến lược kinh doanh để giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng hiện nay. Ông cho rằng, hiện nay các doạnh nghiệp muốn theo đuổi thị trường bất động sản thì phải có nguồn vố dồi dào và đánh giá được phân khúc thị trường thích hợp với mục tiêu lợi nhuận và khả năng của doanh nghiệp cũng như phải phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Qua so sánh với thị trường bất động sản của Mỹ, ông đề cập đến vai trò của nhà môi giới trong giao dịch bất động sản. Ở Việt Nam hiện nay chưa có một tổ chức hoạch quy định nào đề cập rõ ràng đến quyền lợi và trách nhiệm của nhà môi giới cũng như quản lý hoạt động của những người làm nghề môi giới. Điều này dẫn đến mất lòng tin khách hàng và tranh chấp do môi giới làm chênh giá và lừa đảo trong thời gian qua.

Cũng theo ông Huỳnh Anh Dũng, chính sách đối với thị trường bất động sản trong thời gian tới cần cởi mở hơn về vốn vay nước ngoài, các chính sách hỗ trợ giải quyết hàng tồn kho và lãi suất ngân hàng để khách hàng cũng như doanh nghiệp dễ dàng tương tác với nhau hơn.

11h15: Ông Vũ Xuân Thiện trình bày tham luận "Tình hình triển khai gói 30 nghìn tỷ, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản".

Theo ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục quản lí nhà và thị trường bất động sản, các nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng “đóng băng” của thị trường như: thị trường bất động sản phát triển thiếu quy hoạch, chưa có kế hoạch, lệch pha cung - cầu; cơ cấu hàng hóa mất cân đối; hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện; năng lực doanh nghiệp bất động sản hạn chế; công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập…

Để hỗ trợ thị trường phát triển chính phủ đã ban hành nghị quyết 02, trong đó chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và Bộ xây dựng triển khai gói 30 nghìn tỷ. Tuy nhiên gói tín dụng này chỉ giải quyết được 1 phần khó khăn cho thị trường. Chủ yếu là tập trung đảm bảo nhà ở cho người nghèo.

Việc triển khai gói 30 nghìn tỷ có tác động rất tích cực đối với hàng tồn kho, đồng thời giải quyết chỗ ở cho người nghèo. Tuy nhiên việc triển khai giải ngân cho doanh nghiệp và người mua nhà còn hạn chế do trước đây các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao, nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm. Do đó, trước mắt các doanh nghiệp cần tập trung tạo nguồn cung để đủ điều kiện ký hợp đồng với khách hàng. Sau khi khách hàng đã ký hợp đồng với chủ đầu tư thì việc giải ngân gói hỗ trợ đối với các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân mới có thể đẩy nhanh được theo quy định.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Bộ Xây dựng đã đề xuất 07 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, cụ thể là: Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm thị trường phát triển ổn định theo quy hoạch, kế hoạch, cân đối cung - cầu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; Rà soát, điều chỉnh cơ cấu các dự án bất động sản; Giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng; Điều chỉnh chính sách tài khóa; Các giải pháp cho doanh nghiệp bất động sản; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Tăng cường thông tin, củng cố niềm tin cho thị trường.

11h30: Tọa đàm với khách mời là ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường và ông Vũ Xuân Thiện - Phó Cục trưởng Cục quản lí nhà và thị trường bất động sản (nội dung sẽ cập nhật trong các bài viết sau)

12h: Dù còn nhiều câu hỏi gửi đến các khách mời trong phần tọa đàm, tuy nhiên thời gian có hạn nên Hội thảo “Kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản” đã chính thức khép lại. Ban tổ chức trân trọng cám ơn sự giúp sự hỗ trợ từ các ban ngành đoàn thể, các đơn vị đối tác và nhất là sự tài trợ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt trong việc kết nối thông tin về chính sách kinh tế bất động sản đến doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư.

Ban biên tập CafeLand
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.