CafeLand - Làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngành nghề nói chung và ngành du lịch trong nước nói riêng một lần nữa chao đảo. Trong thời gian tới, tình hình du lịch tại Việt Nam dường như vẫn còn là ẩn số khi dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng niềm hy vọng về tương lai ngày mở cửa vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng…

Các trường hợp Covid-19 gia tăng tại Việt Nam trong những tháng gần đây, buộc nhiều hoạt động du lịch phải ngừng lại.

Đến sáng 26/7, theo Bộ Y tế, tổng ca nhiễm tại Việt Nam vượt mốc 100.000 với 101.173 ca mắc, trong đó có 2.182 ca nhập cảnh và 98.991 ca mắc trong nước.

Các nhà chức trách ở TPHCM, trung tâm kinh tế tài chính của cả nước và các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Bình Dương đã đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, hạn chế tụ tập và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Trong khi đó thủ đô Hà Nội ngày 28/7 cũng áp dụng biện pháp giãn cách 15 ngày nhằm giải quyết tình trạng gia tăng số ca nhiễm Covid-19. Lệnh giãn cách cấm tụ tập nhiều hơn hai người ở nơi công cộng, yêu cầu dừng tất cả các hoạt động ngoài trời. Chỉ các văn phòng chính phủ, bệnh viện và các cơ sở kinh doanh thiết yếu mới được phép mở cửa.

Hơn một năm qua, các biện pháp hạn chế đi lại để Covid -19 đã “khai tử” rất nhiều việc làm và doanh nghiệp ngành du lịch trong nước. Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021 đến nay đang khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành phải ngừng hoạt động, “ngủ đông” khi đang là thời điểm cao điểm mùa du lịch hè.

Tại Lux Group - doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch hạng sang (du thuyền), ông Phạm Hà – Chủ tịch công ty cho biết hiện công ty đã cho nhân viên tạm nghỉ vài tháng do không có việc để làm.

“Nhà nước có chỉ thị cấm đi lại nhưng không có chỉ thị dừng đóng thuế hay giãn bảo hiểm xã hội. Doanh nghiệp không có doanh thu trong những ngày dài nhất, trong khi tàu bè vẫn phải duy tu, bảo dưỡng, vẫn cần có người trông nom, văn phòng vẫn phải trả tiền. Ngân hàng giãn nợ 3 tháng 1 cũng không giải quyết được vấn đề, giãn 1-2 năm thì doanh nghiệp mới có khả năng chi trả. Chính sách phải giúp cho doanh nghiệp thở chứ hiên tại thở không được, doanh nghiệp sắp hết hơi”, ông Phạm Hà cho biết.

Kỳ vọng sự trở lại của khách quốc tế

Mùa du lịch nội địa đã qua, ông Hà vẫn kỳ vọng đến mùa khách quốc tế sắp tới. “Vào quý 4/2021 nếu tình trạng kiểm soát được Covid-19 tốt, du lịch được mở cửa trở lại như vừa rồi tại Phú Quốc, tiêm chủng được thực hiện nhanh, doanh nghiệp vẫn có trụ được. Sau Covid, khách quốc tế quay trở lại là có thể ‘bung lụa’”, ông Hà chia sẻ.

Ông Hà cho biết, trong thời gian dịch bệnh, công ty đã chủ động nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch sau mùa Covid. Ông cho biết, rất nhiều khách quốc tế của công ty bày tỏ mong muốn Việt Nam mở cửa du lịch trở lại, người dân được tiêm chủng, an toàn. Những khách này thích nơi hoang vắng, biển đảo, do đó, du lịch Việt Nam vẫn còn tiềm năng.

Dù vậy, ông Hà cũng chia sẻ thêm, hiện tại doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nắm bắt thông tin do không có thông rõ ràng cụ thể về lộ trình mở cửa hay các khách sạn nào được đón khách. “Hiện nay, khách nước ngoài hỏi nhiều nhưng do không có đầy đủ thông tin hướng dẫn cụ thể nên doanh nghiệp cũng không thể bán hàng được. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cung cấp thông tin cho khách hàng”, ông Hà nói.

Chìa khóa hộ chiếu vaccine

Gần đây, Thái Lan đã khởi động một chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 có tên Phuket Sanbox nhằm hồi sinh nền kinh tế bị suy sụp. Chính phủ Thái Lan muốn sớm phục hồi ngành du lịch – lĩnh vực vốn đóng góp khoảng 1/5 tổng sản phẩm trong nước (GDP) trước khi đại dịch xuất hiện.

Mục tiêu đặt ra của chương trình này là đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% dân số hòn đảo vào cuối năm nay để mở cửa trở lại trên diện rộng nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn vào du lịch.

Phuket Sandbox là niềm hy vọng của chính phủ Thái Lan, những quản lý khách sạn, resort, và người dân Phuket sau khi ngành du lịch chịu tác động nặng nề vì đại dịch. Nếu kế hoạch ở Phuket thành công, Thái Lan dự kiến sẽ tiếp tục mở cửa lại các điểm đến quan trọng khác như Bangkok, Chiangmai, và Koh Samui vào tháng 10. Tiếp đến, toàn bộ đất nước sẽ mở cửa trở lại cho du khách đã tiêm phòng từ tháng 1 năm sau.

Phuket Sandbox được xem là mô hình tiên phong và hiện ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng chương trình “hộ chiếu vaccine Covid-19” với hy vọng giúp phục hồi nền kinh tế và đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường. Hộ chiếu vaccine cung cấp thông tin xác thực có thể được sử dụng để chứng minh rằng một người đã tiêm đủ số mũi vaccine phòng, chống Covid-19, 2 mũi theo đúng quy định của nhà sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước. Hộ chiếu này có thể ở dạng giấy chứng nhận hoặc dạng thẻ, app công nghệ…

Theo tờ Bangkokpost, chương trình Phuket Sandbox đã ghi nhận 9.358 du khách nước ngoài đến hòn đảo Phuket từ ngày 1-21/7, trong khi đặt phòng từ tháng 7 đến tháng 9 đạt 244.703 phòng đêm, tạo ra doanh thu 534 triệu baht.

Tổng cục Du lịch Thái Lan đang cố gắng thuyết phục các quốc gia còn lại rằng mặc dù tình hình Covid-19 nói chung ở Thái Lan đang xấu đi, nhưng Phuket vẫn là một nơi an toàn để đến.

Theo ông Hà, để cứu ngành du lịch, Việt Nam cần một người “nhạc trưởng” dẫn dắt như cách Thái Lan đã làm rất quyết liệt trong việc hoạch định, thống nhất các bộ ban ngành để đưa ra quyết định cuối cùng. Ông Hà cho rằng, các câu hỏi cần được trả lời là lộ trình mở cửa như thế nào, khi mở cửa quy định cụ thể ra sao đối với các nhà hàng, khách sạn, điểm đến, hay cần đặt trọng tâm thị trường nào.

“Chúng ta nên thu hút những khách hàng có khả năng chi trả cao, giúp nâng cao kinh tế địa phương, thu hút thị trường mục tiêu. Lâu nay, chúng ta vẫn chú trọng vào số lượng, chưa bao giờ chúng ta thông kê các khách du lịch đến Việt Nam chi tiêu bao nhiêu, họ đến có vui hay không, vui ở cái điểm gì, không vui ở điểm gì, đó là chúng ta cần khắc phục”, ông Hà đề xuất.

Tại Việt Nam, Phú Quốc là điểm du lịch đầu tiên đã được Chính phủ đồng ý cho phép thí điểm áp dụng hộ chiếu vắc xin để đón khách du lịch quốc tế từ tháng 10/2021.

Với việc triển khai chương trình này, Việt Nam được kỳ vọng sẽ có cơ hội đón khách quốc tế, phục hồi du lịch nhanh hơn, hoặc ít nhất là không bị tụt hậu so với các nước trong khu vực như Thái Lan.

Hồ Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.