Vụ lật tàu ca nô du lịch trên tuyến đường thủy Cù Lao Chàm - Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) khiến 16 người tử vong, 1 người hiện vẫn đang mất tích. Sự việc không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn đường thủy nội địa mà còn đặt ra vấn đề về quy hoạch phát triển hệ thống giao thông ra vào các đảo tiền tiêu, đặc biệt là những khu vực đang phát triển mạnh về lĩnh vực du lịch.

Ngày 28/2/2022, các lực chức năng vẫn đang nổ lực, khẩn trương tìm kiếm 1 cá nhân bị mất tích trên vùng biển Cửa Đại Hội An.

Người dân theo dõi lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ lật tàu ca nô du lịch trên biển Cửa Đại Ảnh: Lê Phước Bình

Đây là một trong số 39 nạn nhân trong vụ tai nạn đường thủy nội địa xảy ra vào ngày 26/2/2022, trên tuyến đường thủy nội địa Cù Lao Chàm - Cửa Đại.

Đến sáng nay 28/2, vụ tai nạn nêu trên đã khiến 16 người chết, 1 nạn nhân mất tích và 22 người được cứu sống.

Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tổ chức điều tra nguyên nhân vụ lật tàu cao tốc tại vùng biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Câu chuyện tai nạn đường thủy nội địa nêu trên là điều không một ai mong muốn, song nó đã xảy ra và để lại những hậu quả rất xót xa. Việc điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn là điều cần thiết nhằm tránh những vụ việc đau lòng khác có thể xảy ra trong tương lai.

Cần phải nói thêm rằng, trước khi xảy ra sự việc nêu trên 2 ngày, vào ngày 24/2/2022, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Báo cáo số 39/BC-UBND trả lời ý kiến của cử tri về đề nghị có giải pháp khắc phục tình trạng bồi lấp nghiêm trọng tại bờ biển Cửa Đại gây khó khăn cho việc lưu thông của các phương tiện tàu thuyền.

Tại Báo cáo này, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, theo các qui định về phân cấp kỹ thuật đường thuỷ nội địa thì tuyến luồng Hội An – Cù Lao Chàm là tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2021, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã thực hiện hoàn thành công trình nạo vét đảm bảo giao thông bãi cạn Cửa Đại từ Km2+00 đến Km4+00 tuyến đường thuỷ nội địa Hội An – Cù Lao Chàm, tình hình giao thông đường thuỷ khu vực đã ổn định.

Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam là vậy, nhưng để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách, đồng thời nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch an toàn và bền vững, bắt buộc chính quyền tỉnh Quảng Nam cần có những giải pháp đồng bộ hơn trong việc tổ chức đưa đón khách tham quan ra đảo Cù Lao Chàm. Đặc biệt là những thời điểm thời tiết diễn biến xấu, không thể di chuyển bằng ca nô du lịch.

Trong đó, cần thiết phải kiểm tra lại và có đánh giá khách quan về tính an toàn của luồng đường thủy nội địa Cù Lao Chàm - Cửa Đại. Song song với đó, phải chăng nên tính toán đến phương án bổ sung quy hoạch những hệ thống giao thông khác để vận chuyển khách du lịch ra đảo như cáp treo hay trực thăng,...

Đảo Cù Lao Chàm

Cập nhật 2 bãi đáp trực thăng vào quy hoạch Cù Lao Chàm

Đó chính là nội dung được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo tại cuộc họp thông qua đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), thành phố Hội An diễn ra vào năm 2021.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất giữ nguyên mặt cắt giao thông đường bộ trên đảo theo hiện trạng đã đầu tư.

Đồng thời tính toán, nghiên cứu các tuyến giao thông đường thủy nội địa kết nối với thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương của tỉnh Quảng Nam; nâng cấp cầu cảng tại khu vực Bãi Làng, bố trí một số cầu cảng phụ phục vụ du lịch tại các vị trí phù hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu cập nhật 2 bãi đáp trực thăng hiện có, đề xuất phương án đầu tư, khai thác hợp lý, đảm bảo tính lưỡng dụng, phát huy hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An là đảo tiền tiêu của tỉnh và khu vực, có ý nghĩa rất quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; có diện tích nhỏ, tập trung chủ yếu tại khu vực là Hòn Lao, dân số cơ bản ổn định, thời gian khai thác dịch vụ du lịch ngắn do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, mặt bằng xây dựng hẹp, độ dốc địa hình lớn,...

Do đó, phải được nghiên cứu quy hoạch, đầu tư, khai thác hợp lý.

Bài học trong việc khai thác du lịch qua tuyến đường thủy nội địa

Vụ tai nạn thương tâm trên tuyến đường thủy nội địa Cù Lao Chàm - Cửa Đại chính là bài học quan trọng trong việc quản lý, tổ chức, điều hành các tour tuyến tham quan, du lịch trên các tuyến đường thủy nội địa trong cả nước nói chung và khu vực miền Trung nói riêng.

Đơn cử như mới đây, ngày 23/2/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký Công văn số 752/UBND-KTN chỉ đạo giải quyết đề nghị của Công ty Cổ phần Mai Linh Tây Đô về việc xin chủ trương thực hiện tuyến vận tải thủy Đà Nẵng - Lý Sơn - Sa Kỳ và ngược lại.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, để góp phần nâng cao năng lực vận tải, tạo điều kiện phát triển dịch vụ du lịch, nhất là du lịch biển đảo trên địa bàn tỉnh, hoan nghênh việc Công ty Cổ phần Mai Linh Tây Đô đề xuất đầu tư khai thác tuyến vận tải thủy Đà Nẵng - Lý Sơn - Sa Kỳ và ngược lại.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Công ty Cổ phần Mai Linh Tây Đô phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục để tham gia khai thác hoạt động vận tải trên tuyến theo quy định tại các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Hay trước đó, ngày 6/10/2021, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có Văn bản chỉ đạo về đề nghị mở tuyến tàu cao tốc Đà Nẵng đi Cù Lao Chàm của Công ty cổ phần Tàu cao tốc An Di (kèm theo Công văn số 4445/SGTVT-QLVTPTNL ngày 24/9/2021 của Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng).

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: Quang Nam