Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc trao đổi với báo giới về những cái khó trong việc phát triển nhà ở xã hội.
- Thưa Bộ trưởng, có ý kiến cho rằng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội là đúng đắn, nhưng tiến độ đang diễn ra chậm chạp. Là “tư lệnh” ngành xây dựng, ông có nhận xét gì về ý kiến này?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Trong Luật Nhà ở [năm 2014-pv] có một chương về nhà ở xã hội và đến nay Luật đang được cụ thể hóa bằng các Nghị định. Nói như vậy để thấy, chính sách phát triển nhà ở xã hội của chúng ta mới bắt đầu trong khi ở những nước phát triển có nhiều thập kỷ phát triển nhà ở xã hội.
Thêm vào đó, phát triển xã hội là một chương trình, chiến lược dài hạn, tính bằng thời gian nhiều chục năm chứ không phải 1-2 năm.
Một trong những lý do dẫn đến việc phát triển nhà ở xã hội của chúng ta còn chậm là vì đây là việc khó, cần sự vào cuộc của nhà nước, các doanh nghiệp và của xã hội của người dân.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội thấy lợi nhuận thấp nên họ không mặn mà. Cho nên, nhà nước phải hỗ trợ về vốn, đất đai và tạo mọi thủ tục tốt nhất để cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, người mua nhà ở xã hội đa phần có thu nhập thấp nên rất khó có nguồn tài chính để tiếp cận nhà ở. Bởi vậy, họ cũng rất cần sự hỗ trợ của nhà nước-đặc biệt là về tín dụng, về vốn.
- Ông đánh giá thế nào về những kết quả ban đầu mà chương trình nhà ở xã hội mang lại?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Phải nói rằng chương trình nhà ở xã hội tuy mới bắt đầu nhưng đã thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Hiện nay, đã có hàng chục nghìn người đã tiếp cận được với nhà ở xã hội và đã cải thiện căn bản điều kiện nhà ở của họ.
Trong tương lai, nhu cầu nhà ở xã hội còn cần rất nhiều, do đó cần sự tập trung rất lớn với những giải pháp cụ thể. Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Thứ hai, phải đề cao vai trò trách nhiệm của nhà nước, của các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ nhà ở, đặc biệt là vai trò quyết định của địa phương vì đất đai, thủ tục đầu tư đều do cấp chính quyền địa phương quyết định.
Thứ ba, cần tập trung tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để họ có đủ điều kiện đầu tư và cuối cùng là khuyến khích mọi người có điều kiện phát triển nhà ở xã hội, đầu tư nhà ở xã hội thì bắt tay vào làm để đáp ứng yêu cầu rất lớn của người dân.
- Có một thực tế ở nhiều khu công nghiệp, công nhân phải đi thuê nhà rất nhiều trong khi các dự án nhà ở xã hội chưa chạm tới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Hiện nay chính sách phát triển nhà ở xã hội chúng ta đang bắt đầu thực hiện. Làm nhà ở xã hội rất khó bởi lẽ không phải chúng ta có tiền để làm mà đây là tiền của xã hội. Làm nhà ở xã hội vừa phải đáp ứng chất lượng, vừa đáp ứng khả năng thanh toán của người nghèo nên rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng nhà nước lại đang khó khăn về tài chính.
Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều khu công nghiệp có nhà ở xã hội như Bình Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên… cho công nhân thuê, mua phù hợp với nhu cầu của người sử dụng.
Mặc dù hiện tại, nhà ở xã hội còn ít nhưng đã bắt đầu và sẽ được cải thiện khi nhà nước, xã hội và người dân vào cuộc.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!