Theo các chuyên gia, điểm yếu của thị trường địa ốc hiện nay không dừng lại ở hàng tồn kho quá lớn mà đã chuyển sang cơn bão mới, đó là khủng hoảng niềm tin. Cuộc khủng hoảng này đã lan rộng từ giới đầu tư sang người mua nhà.

Chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với Hiệp hội Bất động sản TP HCM. Nhiều doanh nghiệp địa ốc đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Một trong những lo ngại của giới kinh doanh địa ốc thời điểm này là niềm tin vào thị trường đang bị suy giảm nghiêm trọng.

Giám đốc Công ty Lê Thành, Lê Hữu Nghĩa cho rằng tâm lý người dân vào thị trường nhà đất đang diễn biến ngày càng xấu đi. Ai nấy đều nghĩ bất động sản sẽ còn giảm giá thêm và tâm lý chờ đợi đè nặng thị trường. Chuyên gia này đề xuất cần có cơ quan chính thống dự báo về thị trường bất động sản để doanh nghiệp và người dân có cơ sở nghiên cứu, xem xét đầu tư hoặc mua nhà để an cư. Về lời giải cho lượng hàng tồn kho, ông Nghĩa đề xuất: "Nếu có chính sách cho khách hàng vay ổn định với lãi suất 8% trong vòng 10 năm để mua thì hàng chục nghìn căn hộ tồn kho sẽ có cơ hội được tháo van".

Giám đốc Công ty Lê Thành, Lê Hữu Nghĩa cho rằng tâm lý thị trường bất động sản đang xuống rất thấp. Ảnh: Vũ Lê

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long, Nguyễn Xuân Quang lo ngại sự khủng hoảng niềm tin có thể khiến cho bất động sản thêm lún sâu vào suy thoái. Trên thực tế, không chỉ có các doanh nghiệp địa ốc và nhà đầu tư trong nước tháo chạy mà khối ngoại, điển hình là VinaCapital cũng đang thoái vốn. Các doanh nghiệp nước ngoài tỏ ra rất cẩn trọng trong việc đầu tư. Thêm vào đó, lãi suất chưa thật sự hạ và còn bất ổn cũng khiến người dân có xu hướng chờ đợi và phòng thủ hơn là mua nhà trong thời điểm này.

Theo ông Quang, để cứu bất động sản cần đến gói giải pháp đồng bộ như giảm thiểu các thủ tục hành chính liên doanh liên kết bất động sản, điều tiết tiền sử dụng đất vì nó ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, phát triển nhà ở bình dân, giảm và ổn định lãi suất...

Cùng quan điểm với ông Quang, Luật sư Trương Thị Hòa nhận xét hiện nay lòng tin vào ngành bất động sản đang bị bào mòn. Tất cả các thành phần tham gia vào thị trường đều nghi ngờ lẫn nhau. Chính phủ và doanh nghiệp chưa tin nhau, ngân hàng không tin doanh nghiệp, người dân hoài nghi về chủ đầu tư... "Đề xuất quan trọng nhất của tôi là phục hồi lòng tin", bà Hòa kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng kinh tế vẫn sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn và bất động sản khó tránh khỏi vòng xoáy này. Ảnh: Vũ Lê

Nữ luật sư này đưa ra các biện pháp cứu vãn niềm tin cho thị trường bất động sản gồm: pháp luật ổn định, doanh nghiệp phải tự hạ giá. Bên cạnh đó, Nhà nước cần giúp doanh nghiệp thay đổi thiết kế, chuyển nhượng nhanh hoặc cho phép doanh nghiệp trả lại dự án khi không còn khả năng thực hiện.

Riêng Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức, Lê Chí Hiếu nhấn mạnh bất động sản cần gói giải pháp tài chính. Theo đó, ngân hàng phải có nguồn vốn vay dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản. Chính phủ nên thành lập quỹ bất động sản theo Nghị định 58 thông qua việc lập công ty quản lý quỹ và nhanh chóng tiến hành niêm yết đồng thời thực hiện quỹ tiết kiệm nhà ở. "Doanh nghiệp và ngân hàng nên cùng ngồi lại xử lý nợ để chuyển hóa nợ xấu bằng nhiều cách, thậm chí có thể thông qua bên thứ 3, liên hoàn giữa các tổ chức tín dụng", ông nói.

Theo ông Hiếu, để thanh khoản của thị trường nhà đất được cải thiện thì giá phải giảm. Trong đó cần giảm giá đất, hạ lãi suất, điều chỉnh tiền sử dụng đất, cần mạnh dạn giảm thuế thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 5%, giảm thủ tục hành chính.

Cuối cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng hứa sẽ tiếp thu và chuyển các đề xuất của doanh nghiệp đến các bộ ngành liên quan. Bộ trưởng khuyên các doanh nghiệp phải tự tháo gỡ dựa trên cơ sở thực tiễn trước, sau đó kiến nghị giải pháp hỗ trợ để Chính phủ kịp thời có những chính sách mới phù hợp hơn. "Dự báo kinh tế vẫn sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn và bất động sản khó tránh khỏi vòng xoáy này", ông nói.

Theo Vũ Lê (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.