Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)
Báo cáo Kiểm toán trước đó đã điểm tên dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (Ninh Bình) là một trong những dự án điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn với mức tăng 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng.
Tại phiên thảo luận chiều 28/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ lo lắng trước thực trạng nhiều dự án đội vốn, kinh phí lúc đầu chỉ là “con chuột nhắt”, sau là “con voi”.
Ông dẫn chứng dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) và cho biết, cử tri giật mình vì việc “nở” vốn đầu tư quá sức tưởng tượng. “Cả thế giới khó tìm được loại bột nở nào như dự án này”, ông Trí nói.
“Trong tất cả các lĩnh vực đường xá, cầu cống, nhà máy, trường học, tượng đài, bệnh viện, cả vật thể và phi vật thể, toàn là trăm ngàn tỷ. Chúng tôi nghĩ Chính phủ lấy kinh tế ở đâu để bù vào”, ông đặt câu hỏi.
Sau phát biểu của ông Trí, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) đã tranh luận “không phải tất cả các dự án điều chỉnh vốn đều sai, là không đúng, là mờ ám” dù thừa nhận người dân nhìn con số 72 tỷ đồng và 2.600 tỷ đồng sẽ băn khoăn.
Ông Phương lý giải rằng, dự án bắt đầu tư năm 2001 cách đây 17 năm, nạo vét sông Sào Khê có mục tiêu phục vụ tưới tiêu nông nghiệp nhưng vì sông Sào Khê chảy qua khu vực cố đô Hoa Lư nơi bến sông ngày xưa vua Lý Công Uẩn dời kinh đô ra Hà Nội. Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhà nước cho đầu tư để tôn tạo cố đô Hoa Lư. Sông Sào Khê chảy qua di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình lại là vùng đất du lịch, cho nên dự án được điều chỉnh lại.
Đầu tiên mục tiêu chỉ dành cho sản xuất nông nghiệp, sau đó dự án điều chỉnh với 4 mục tiêu là sản xuất nông nghiệp, tôn tạo cố đô Hoa Lư, tạo nền tảng một bước để Tràng An được công nhận là di sản thế giới, phục vụ cho giao thông thủy, phục vụ cho các công trình để phát triển du lịch.
Ông Phương cũng cho biết thêm, vốn Nhà nước bỏ thêm làm dự án là hơn 1.400 tỷ đồng còn lại là huy động xã hộ hoá và cho rằng việc điều chỉnh đầu tư là hợp lý.
Tranh luận về dự án này chưa dừng lại, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho biết, dự án đội vốn 36 lần là trái ngược với hoàn cảnh Ninh Bình đại phương có số nợ đọng đến 5.900 tỷ đồng trong khi số vốn bố trí chỉ có 2.000 tỷ đồng, chiếm 34% tổng nợ.
“Tôi nghĩ trên thế giới này một dự án đầu tư phát triển tăng vốn hơn 30 lần như thế thì chúng ta không thể giải thích gì thêm được vì đầu tư phát triển quan trọng nhất của nó là chất lượng và hiệu quả. Dự án đó kéo dài chưa nói tham nhũng, tiêu cực là nó đã không có hiệu quả và không hiệu quả thì nó lại tác động ngược trở lại nền kinh tế, thua lỗ và nó là gánh nặng của nền kinh tế. Khi đội vốn và kéo dài thì không có hiệu quả. Tôi đề nghị tốt nhất chúng ta thanh tra dự án này”, ông Nghĩa nói.
Ý kiến của ông Nghĩa nhận được sự đồng tình của ông Nguyễn Anh Trí. Sau thông tin từ đại biểu Ninh Bình, ông Trí đặt câu hỏi “1.400 tiền của nhà nước, còn lại là kêu gọi vốn. 1.400 không nhiều à?” và cho biết có nở ra nhưng nở gấp 2-3 lần là quá đáng, còn nở nhiều như thế này thì nên xin làm một dự án khác.