23/06/2013 9:51 AM
"Trước đây, doanh nghiệp họ nhập khẩu vàng, còn bây giờ là Nhà nước nhập khẩu vàng. NHNN là cơ quan quản lý Nhà nước nên tùy theo cách quản lý của họ. Họ thích công khai thì công khai, minh bạch thì minh bạch, đấy là chuyện của họ" - TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết.
Phản ứng NHNN là vì không hiểu gì về vàng?
PV:- Trong 3 ngày gần đây, giá vàng trong nước có sự sụt giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm qua. Ông có nhận xét gì về diễn biến này của thị trường?
TS. Vũ Đình Ánh: - Giá vàng trong nước sụt giảm trong mấy ngày qua là do tác động của thị trường thế giới. Giá vàng thế giới sụt nhanh hơn giá vàng Việt Nam rất nhiều, mất 30%, và theo dự đoán của tôi giá vàng thế giới sẽ còn xuống nữa, dưới 1.200 USD/oz.
PV: - Đã nhiều lần, dù giá vàng thế giới sụt giảm mạnh nhưng giá vàng Việt Nam vẫn bình ổn ở mức cao. Tại sao riêng lần này giá vàng Việt Nam lại bị tác động của thị trường, thưa ông?
TS. Vũ Đình Ánh: - Không phải như vậy. Không có chuyện trước đây hay bây giờ. Vì bây giờ thị trường vàng Việt Nam nằm trong cơ chế quản lý mới, bắt đầu từ khi Nghị định 24 có hiệu lực đến nay là khoảng 2 tháng rồi, nên những cái hiện nay và những cái trước khi có Nghị định 24 là hai câu chuyện khác nhau. Bởi nó vận hành theo hai cơ chế quản lý khác nhau.
Thứ hai, thị trường trong nước biến động không theo thị trường thế giới, về mặt kinh tế có thể giải thích được bằng độ trễ, tức là còn mất một quá trình nhập khẩu vàng nên luôn có một độ trễ nhất định. Ngoài ra, thị trường vàng Việt Nam còn vận động theo những quy luật của thị trường riêng có của nó. Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ nhưng thuộc loại tiêu thụ vàng rất lớn, kể cả khu vực dân cư hay nằm trong hệ thống hành chính.
Thứ ba, giá vàng không biến động nhiều là vì NHNN là người quyết định giá vàng, nên khi quyết định giá, họ có thể không căn cứ vào thị trường thế giới. Đây cũng là chuyện bình thường, vì đó là quyền của NHNN, để nó phù hợp với thị trường vàng ở Việt Nam.
PV: - Ngay khi NHNN bắt đầu can thiệp thị trường vàng, các chuyên gia và dư luận đã lên tiếng về sự độc quyền của NHNN. Ông có đánh giá gì về nhận định này?
TS. Vũ Đình Ánh: - Người dân phản ứng là bởi vì họ không hiểu về bản chất của vàng là cái gì, và bản chất vàng ở Việt Nam là cái gì. Với bản chất của vàng, nó như là sản phẩm của đầu tư, như là loại tiền tệ đặc biệt, thế giới họ cũng công nhận như thế. Mặc dù không theo kim bản vị, quy đổi trực tiếp từ tiền ra vàng nữa nhưng vàng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế, đặc biệt là với tài chính.
Còn vàng tại Việt Nam, trong một giai đoạn rất dài, vàng vừa là phương tiện cất trữ, dự trữ, vừa là phương tiện thanh toán, thước đo giá trị. Tức là nó có đầy đủ chức năng của một đồng tiền, nhưng cho đến nay, vàng chỉ dừng lại ở chức năng là phương tiện cất trữ thôi.
Việc NHNN đi theo Nghị định 24 cũng có nghĩa NHNN sẽ là người bán đầu tiên, tức là dập ra vàng SJC sau đó bán đầu tiên, qua đó xác định giá. Sau đó, NHNN cũng là người mua cuối cùng, để mà cân đối trên thị trường vàng và giá mua như thế nào cũng là do NHNN quyết định.
Cái thứ ba là tới đây, NHNN cũng là đơn vị tổ chức khai thác, huy động các nguồn lực từ vàng để phục vụ cho lợi ích kinh tế. Do đó đây là việc hoàn toàn bình thường và nó nằm trong chiến lược chung là chống vàng hóa nền kinh tế, nằm trong chức năng quản lý nền kinh tế khi mà NHNN đóng vai trò là đơn vị quản lý tiền tệ, để kiềm chế và chống lạm phát.
Vì đặc điểm của vàng tại Việt Nam, thứ nhất là lượng vàng so với quy mô nền kinh tế là rất lớn. Thứ hai là nhu cầu vàng, tập quán cất trữ vàng, sử dụng vàng ở Việt Nam là rất đặc biệt nên chúng ta không thể đem so với Mỹ hay Thụy Sỹ được. Ngay cả với Trung Quốc chúng ta cũng không thể so sánh được, vì đặc điểm nền kinh tế, đặc điểm tâm lý của mỗi xã hội là rất khác nhau. Nên việc NHNN thực hiện các nội dung của Nghị định 24 theo tôi là hợp lý, phù hợp với đặc điểm của Việt Nam, không có vấn đề gì.
PV: - Theo phân tích của ông, NHNN vừa là người bán lại là người mua cuối cùng, được quyền quyết định giá. Phải chăng đây là một đặc quyền quá lớn của NHNN sẽ dẫn đến tình trạng thao túng giá?
TS. Vũ Đình Ánh: - Đây không phải là đặc quyền mà là chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước khi họ cung cấp một phương tiện cất trữ mà cụ thể ở đây là vàng. Khi họ cung cấp ra thì họ phải quyết định giá. Giá không thể tách rời với sản phẩm hay một loại hàng hóa nào được. Nên việc NHNN làm như thế là phù hợp, không có vấn đề gì hết.
Và phải chú ý ở đây là NHNN không phải độc quyền sản xuất kinh doanh vàng miếng, mà NHNN chỉ độc quyền dập vàng miếng, là người bán đầu tiên vàng miếng đấy ra thị trường, và là người mua cuối cùng, chứ không phải là người vừa bán, vừa mua để cân đối.
Chẳng hạn như thị trường vàng đang dư thừa, và NHNN thấy rằng giá vàng như thế là phù hợp, họ mua vào để thay đổi kết cấu dự trữ ngoại hối của họ. Và ngược lại, khi thấy thị trường có nhu cầu vàng, giá vàng được, họ sẽ bán ra và lại thay đổi kết cấu dự trữ ngoại hối của họ.
Chuyện đó là bình thường, và việc đánh đổi giữa đồng đô la sang vàng và từ vàng sang đô la Mỹ chỉ là làm thay đổi kết cấu của dự trữ ngoại hối của NHNN thôi chứ không hề làm mất đi một đồng đô la nào, vì đồng đô la ấy đã được quy sang vàng.

TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

Không thể đòi hỏi sự công khai, minh bạch!

PV: - Dựa vào lập luận của ông thì chắc chắn sẽ không xảy ra quyền hạn, lợi ích nhóm trong vấn đề quản lý vàng?
TS. Vũ Đình Ánh: - Nhóm lợi ích là chắc chắn có rồi. Nhóm lợi ích đó là Chính phủ, là NHNN và xa hơn nữa là của cả nhân dân này. Tất cả những ý kiến phản đối là vì lợi ích của một nhóm nào đó. Mà lợi ích nhóm là cái gì? Chính là lợi ích của tập thể, họ có chung một quyền lợi nào đó, hoặc có thể họ cùng bị vi phạm một lợi ích nào đó. Đó là lợi ích nhóm.
Vấn đề quan trọng chỉ là lợi ích của nhóm đó không xung đột với lợi ích của nhóm to hơn, và lợi ích của một nhóm bao gồm cả dân tộc sẽ tốt hơn là lợi ích của một nhóm nhỏ trong dân tộc đấy. Tất cả những ý kiến phản dối, chê trách này nọ là đại diện cho một lợi ích nhóm, nhưng nhóm đấy là nhỏ hơn so với nhóm mà hiện nay NHNN đang đại diện, đang thực hiện để làm.
Bên cạnh đó, lợi ích của nhóm đấy đôi khi xung đột với lợi ích của nhóm mà NHNN đang đại diện, nên NHNN là đại diện của lợi ích nhóm, nhưng lợi ích nhóm đấy là lợi ích dân tộc.
PV:- Nếu NHNN là đại diện cho lợi ích của toàn dân tộc thì tại sao không thực hiện nguyện vọng đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, thưa ông?
TS. Vũ Đình Ánh: - Thứ nhất đó không phải là mục tiêu. Chuyện ngày trước Thống đốc nói về khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mốc 400.000 đồng là vừa phải là trước Nghị định 24. Như tôi đã nói, không nên bàn cãi vấn đề trước Nghị định 24 và sau Nghị định 24 nữa, vì nó khác nhau. Ngày xưa là gì? NHNN cấp quota, doanh nghiệp thích nhập thì nhập, không thích nhập thì chịu thôi và phải đi bố trí nguồn đô la cho doanh nghiệp. Thế thì nó sẽ đẻ ra cái gì? Nó sẽ đẻ ra cái chênh lệch quá lớn thì sẽ vào túi doanh nghiệp, nên tại sao phải giữ ở mức 400.000 đồng? là để cho doanh nghiệp đừng có ăn dày quá.
Còn bây giờ, NHNN nhập, NHNN bán. Bán đắt thì NHNN đút túi. Mà túi ở đây chính là ngân sách Nhà nước, thế thì có vấn đề gì đâu? Thế nên mục tiêu hiện nay không phải là thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới, bởi vì mục tiêu đó là trước Nghị định 24, còn sau Nghị định 24 thì không còn mục tiêu đấy nữa, không cần thiết.
Tuy nhiên, vàng Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu của thế giới, chứ không tự sản xuất được bao nhiêu, lại cùng với xu thế hội nhập với thế giới, nên đến khi thị trường vàng vận hành một cách bình thường thì chuyện thu hẹp giá sẽ là điều tự nhiên. Nó sẽ như một động lực kinh tế để giúp ngăn chặn việc nhập lậu. Bởi vì thực ra nhập lậu là luôn luôn có, nhưng chúng ta nên hủy động cơ nhập lậu. Khi chênh lệch quá lớn thì việc chống nhập lậu sẽ rất kinh khủng, rất khó, vì nó là một đông lực rất lớn khiến người ta cố gắng nhập lậu cho nhiều hơn. Thì mục tiêu để kéo khoảng cách chênh lệch giá vàng là như thế thôi, chứ không cần đặt ra vấn đề là phải thu hẹp.
Bên cạnh đó, giá thì cao như thế, chênh lệch giá vàng 5 - 6 - 7 triệu nhưng vẫn có người mua cơ mà. Đấy là thị trường. Thị trường là gì? có người mua và có người bán. Thế thôi.
PV: - Theo NHNN, khoản tiền chênh lệch giá vàng sẽ được nộp vào ngân sách và sử dụng để chống nhập lậu vàng. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá vàng sẽ có tác dụng chống buôn lậu tốt hơn, người dân có lợi hơn so với việc để chênh lệch 5- 7 triệu. Ông có đánh giá gì về vấn đề này?
TS. Vũ Đình Ánh: - Cái này có dùng để chống nhập lậu hay không thì tôi không biết. Nhưng cái phần chênh lệch đấy là nộp vào ngân sách là chắc chắn, vì NHNN không phải là đơn vị kinh doanh nên những phần lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí tổ chức hoạt động thì họ phải nộp vào ngân sách. Nó khác với đơn vị kinh doanh, là đơn vị kinh doanh được giữ phần lợi nhuận, và phần lợi nhuận đấy người ta sẽ bị đánh thuế thu nhập doanh nghiệp. Thì cái đấy nộp về ngân sách là phải. Nhưng vấn đề dùng ngân sách đấy để làm gì thì là bước tiếp theo, chống buôn lậu hay không thì tôi không biết.
Tuy nhiên cần hiểu rằng để chống buôn lậu thì không chỉ riêng việc thu hẹp khoảng cách. Tại sao biên giới của anh, anh lại để cho buôn lậu nhiều thế? Đô la ở đâu mà dân buôn lậu đi mua vàng về như thế? Dân buôn lậu chuyển đô la bằng cách nào? Chuyển vàng bằng cách nào? Nó liên quan đến rất nhiều chuyện nên việc thu hẹp khoảng cách giá vàng chỉ là một phần của câu chuyện.
Như tôi đã nói, một trong những mục tiêu, động lực của dân đi buôn lậu là chênh lệch giá trong nước và giá thế giới. Vậy có khả năng thu hẹp cái đó để làm gì? Để góp phần chống buôn lậu những cái đó, nhưng không phải hoàn toàn.
Bởi vì giả sử như không có chênh lệch giá thì vẫn sẽ xảy ra buôn lậu. Vì buôn lậu là trốn thuế. Buôn lậu có thể là vàng mười nhưng về Việt Nam đánh thành vàng chín. Đấy là chuyện bình thường, chứ có phải cứ vì chênh lệch giá mới buôn lậu đâu. Nên không thể đổ tội cho chuyện đấy. Chỉ có thể nói nó là một trong những động lực để người ta đi buôn lậu, chứ không phải hoàn toàn là câu chuyện buôn lậu.
Cái gốc của buôn lậu là gì? là để trốn thuế. Đấy mới là cái quan trọng nhất và hấp dẫn nhất. Thế chẳng nhẽ bây giờ mình lại bỏ hẳn thuế đi để không buôn lậu à?
PV: - Mới đây, NHNN vừa đề xuất lên Chính phủ được miễn kiểm tra, báo cáo về nhập khẩu vàng, khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi về tính minh bạch trong việc quản lý thị trường vàng. Ông có bình luận gì về động thái này của NHNN?
TS. Vũ Đình Ánh: - Theo tôi biết, NHNN là đơn vị duy nhất được nhập khẩu vàng mà không giao cho doanh nghiệp nữa. Nên NHNN miễn hay không miễn khai báo nhập khẩu vàng thì tùy vào chính sách của Nhà nước. Đây cũng giống như việc điều chuyển dự trữ ngoại hối. Như tôi đã nói, việc nhập khẩu vàng là để thay đổi kết cấu dự trữ ngoại hối, mà trong nhiều trường hợp, dự trữ ngoại hối Việt Nam được đưa vào danh mục bí mật, do đó chuyện nhập bao nhiêu vàng, mất bao nhiêu đô để nhập hoàn toàn có thể đưa vào dạng thông tin mật, là chuyện rất bình thường.
Còn chuyện minh bạch hay không minh bạch thì cơ quan Nhà nước sẽ là người phải trả lời trước Chính phủ, Chính phủ trả lời trước Quốc hội, Quốc hội trả lời nhân dân. Bình thường thế thôi. Đây là hai chuyện khác nhau. Trước là doanh nghiệp họ nhập, còn bây giờ là Nhà nước nhập. NHNN là cơ quan quản lý Nhà nước nên tùy theo cách quản lý của họ. Họ thích công khai thì công khai, minh bạch thì minh bạch, đấy là chuyện của họ.
PV:- Một xã hội dân chủ với nền kinh tế thị trường như chúng ta thì người dân có quyền đòi phải có sự công khai minh bạch trong mọi vấn đề. Ông có đánh giá gì về nhận định này?
TS. Vũ Đình Ánh: - Không, theo tôi đây là một đòi hỏi vô lý. Có những cái thuộc về thông tin tuyệt mật, bí mật của Nhà nước thì không thể công khai được. Chẳng hạn như liên quan đến quân sự, an ninh quốc phòng thì không thể công khai.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Duyên Duyên (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.