Theo TS. Trần Du Lịch, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang đứng trước khó khăn rất lớn. Không thể xử lý kiểu "tay không bắt giặc" mãi mà phải “bơm” ngay tiền tươi cho VAMC.

Bên lề tọa đàm "Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và nợ xấu", Tiến sĩ Trần Du Lịch đã có cuộc trao đổi với PV xoay quanh chuyện nợ xấu “mua mãi mà vẫn không hết” của hệ thống ngân hàng.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tới hết tháng 7, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành là 4,17%. Ông có lạc quan với tỷ lệ này?

Dù hiện tỷ lệ nợ xấu theo thống kê chỉ 4,17% nhưng vấn đề xử lý nợ xấu lại đang rất phức tạp, nó vẫn là “điểm nghẽn” khiến nền kinh tế không hấp thụ được tín dụng. Việc xử lý nợ xấu đang đứng trước khó khăn rất lớn.

TS. Trần Du Lịch: Xử lý nợ xấu đang vào giai đoạn cấp bách lắm rồi

Nợ xấu rất phức tạp vì khi phát sinh gắn liền với quá trình trì trệ, yếu kém của tổng cầu, thị trường… tạo nên phản ứng nợ dây chuyền. Hiện các ngân hàng đã tự xử lý được hơn 200.000 tỷ đồng nợ xấu, số nợ còn tồn đọng cả hệ thống khoảng 161.000 tỷ đồng, gồm cả nợ mới phát sinh thời gian gần đây. Nợ xấu mới vẫn đang tiếp tục phát sinh, do nợ dây chuyền của doanh nghiệp tác động lây lan và việc cơ lại nợ trong năm 2013 chỉ mang tính tình thế, trong khi đó những doanh nghiệp vướng nợ chưa có khả năng phục hồi.

Ông vừa nói xử lý nợ xấu đang đứng trước những khó khăn, trở ngại rất lớn. Cụ thể là gì, thưa ông?

Thứ nhất, là nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ, nên làm suy giảm năng lực tài chính của các nhà đầu tư trong nước. Thị trường bất động sản trầm lắng, kéo dài, chậm phục hồi. Vì vậy, huy động vốn, thu hút các nhà đầu tư trong nước tham gia tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Thứ 2, khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn nhiều bất cập, thiếu sự rõ ràng. Tôi biết có những nhà băng đang “chết” trong việc phát mại tài sản thế chấp, khi 4 năm rồi mà không bán nổi một khoản nợ.

Thứ 3, tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu ở Việt Nam theo kiểu “tay không bắt giặc”, không muốn chi gì nhưng lại muốn đạt được nhiều thứ, tức là không muốn mất chi phí mà vẫn được việc thì khó khả thi.

Vướng mắc thứ tư là nghẽn nợ xấu bắt nguồn từ thị trường, do doanh nghiệp không làm ăn được, không bán hàng được. Doanh nghiệp A nợ doanh nghiệp B, doanh nghiệp B nợ ngân hàng... dây chuyền này đang lây lan, cho nên cần phải có giải pháp giải quyết đồng bộ thị trường chứ không chỉ riêng gì ngành ngân hàng.

Thứ năm, liên quan đến VAMC là chức năng và năng lực tài chính của VAMC bị hạn chế dẫn đến xử lý nợ xấu có xu hướng chậm lại.

Về phía các ngân hàng, giờ họ không còn đủ lợi nhuận để trích lập dự phòng cho các khoản nợ của mình nữa. Tôi nhắc lại, không giải quyết dứt điểm nợ xấu mà cứ để dây dưa như tình trạng hiện tại thì nguy cơ bất ổn cho thanh khoản ngân hàng, lan ra cả hệ thống. Vòng luẩn quẩn này cần được chấm dứt bằng một nguồn lực tài chính bơm vào hệ thống.

Nhưng thời gian qua NHNN đã rất tích cực trong xử lý nợ, bằng chứng là thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Có ý kiến thì nói VAMC đã “chẳng làm được gì” suốt hơn một năm qua trừ việc “ôm” một đống nợ bằng “giấy” về rồi để đấy. Ông thì nghĩ sao?

Trước khi ra đời VAMC, NHNN đã sử dụng nội lực để triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu như cơ cấu lại nợ, tích cực thu hồi nợ, bắt buộc các ngân hàng phải sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ….

Còn tới khi thành lập VAMC, thì tôi vẫn nói ngay từ đầu, là đừng đặt tham vọng quá nhiều vào công ty này. Chúng tôi không phủ nhận vai trò của VAMC, nhưng cách thức xử lý nợ mà công ty đang làm “quét” nợ bằng cơ chế chứ không phải bằng tiền. Nghĩa là nợ xấu được xử lý theo kiểu “chỉ muốn được mà không muốn mất”, không chi gì nhưng muốn có nhiều thứ thì hiệu quả rất hạn chế.

Năng lực vốn hạn chế khiến VAMC bị "bó buộc" trong phương thức xử lý nợ xấu. (Ảnh minh họa)

Tôi được biết, tới giờ này VAMC đã mua được 56.000 tỷ đồng nợ xấu trong tổng cộng hơn 200.000 tỷ đồng nợ, rồi mới bán ra được 1.400 tỷ đồng nợ xấu. Với số vốn điều lệ ít ỏi 500 tỷ đồng của VAMC so với hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng thì không thấm tháp vào đâu. Ngoài ra, các khoản nợ xấu hiện nay chủ yếu là tài sản đảm bảo bằng bất động sản, trong khi đó thanh khoản thị trường này rất thấp, không luân chuyển được nên ngân hàng và VAMC không có dòng tiền xử lý nợ….

Với tình thế cấp bách hiện nay, tôi cho rằng cần nguồn tiền tươi, dòng tiền từ bên ngoài hỗ trợ xử lý nợ xấu và phải tăng vốn, quyền lực cho VAMC. Câu chuyện này phải tính và giải quyết ngay chứ không thể để 2 năm nữa vẫn còn ngồi loay hoay bàn bạc với nhau cách nào xử lý nợ xấu được như thế này.

Ông vừa nói, phải tăng vốn cho VAMC, nhưng bằng cách nào và lấy tiền từ đâu ra?

Đúng vậy, VAMC tới đây sẽ phải mua nợ theo thị trường chứ không thể mua kiểu trên giấy như vừa rồi được. Mà để mua nợ kiểu này phải có nguồn vốn, vốn ở đâu ra thì NHNN phải tìm cách và tính toán để “tăng lực” cho VAMC. Một trong các phương thức có thể là sử dụng tiền vay nước ngoài của Chính phủ, NHNN phát hành tín phiếu để làm phương tiện mua nợ xấu, trong đó tập trung mua nợ xấu của DNNN….

Tôi nhắc lại, nợ xấu không còn là chuyện riêng của ngành ngân hàng nữa, mà giờ đã là bài toàn tổng thể của nền kinh tế, phải giải quyết dứt điểm ngay. Khi các NHTM không giải quyết được thì cần nguồn tài chính bơm vào hệ thống, kích thích luân chuyển dòng tiền sau đó có thể thu lại. Nhiều nước họ đã làm được, nhưng chúng ta còn do dự vì ngân sách cũng đang “hụt” nặng. Nhưng cứ chần chừ thì e rằng, hệ lụy lây lan sẽ còn gay go hơn thời gian vừa rồi.

Trường Giang (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.