24/06/2023 8:35 AM
Ngành công nghiệp thép của Trung Quốc đang trải qua một cuộc chấn chỉnh khi chính phủ nước này thúc đẩy các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) giữa các nhà máy, đồng thời yêu cầu cắt giảm sản lượng nhằm chấm dứt tình trạng dư cung kéo dài nhiều năm trở lại đây.

Những thương vụ thâu tóm

Các ông lớn ngành thép Trung Quốc đẩy mạnh thâu tóm công ty nhỏ

Theo Nikkei Asia, Ansteel Group Corporation - nhà sản xuất thép lớn thứ ba thế giới tính theo sản lượng thép thô sẽ mua lại Lingyuan Iron and Steel Group, một nhà sản xuất thép quy mô tầm trung tại Trung Quốc với mục tiêu tăng sản lượng sản xuất lên khoảng 10%. Phía Ansteel cho biết, Lingyuan Iron sẽ dưới sự kiểm soát của nhà sản xuất này với tư cách là cổ đông lớn nhất.

Được biết, cơ quan Quản lý Thị trường tại Bắc Kinh đã cho phép thỏa thuận này vào đầu tháng 6/2023 sau khi xem xét về các vấn đề liên quan. Thương vụ sáp nhập này được cho là đang trong giai đoạn hoàn thiện dù chưa rõ thời điểm hoàn tất.

“Năm 2023 là thời điểm để Ansteel đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, trở thành một công ty hàng đầu trên thế giới”, lãnh đạo Ansteel cho biết.

Trước đó, Ansteel đã thâu tóm các đối thủ cạnh tranh trong những năm gần đây. Hồi tháng 10/2021, công ty này đã mua 51% cổ phần của Tập đoàn Ben Gang để tăng khối lượng sản xuất thêm khoảng 50%. Sau khi sáp nhập, Ansteel sẽ có sản lượng hằng năm là 63 triệu tấn thép thô, đứng thứ ba trên toàn thế giới sau China Baowu Steel Group Corporation Limited và ArcelorMittal có trụ sở tại Luxembourg.

Năm 2022, Ansteel đã sản xuất được 56 triệu tấn thép thô. Mục tiêu của nhà sản xuất thép thứ ba thế giới này là đạt khoảng 70 triệu tấn vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, Ansteel có thể xem xét các thương vụ mua lại tiếp theo.

Tương tự, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới - Baowu Steel Group của Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh hoạt động M&A.

Cụ thể, Baowu đã mua 51% cổ phần của Magang Group Holding Company ở tỉnh An Huy vào năm 2019; Tập đoàn Gang thép Taiyuan ở tỉnh Sơn Tây năm 2020 và Tập đoàn Gang thép Xinyu ở tỉnh Giang Tây vào tháng 12 năm ngoái.

Ngoài ra, doanh nghiệp này được cho là đang xem xét thâu tóm Tập đoàn Sắt thép Sơn Đông ở tỉnh Sơn Đông, nhằm đạt sản lượng 200 triệu tấn vào năm 2025. Năm ngoái, Baowu đã sản xuất được 132 triệu tấn thép thô, tăng hơn gấp đôi sản lượng trong 5 năm qua.

Theo Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), 10 nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc tính theo sản lượng thép thô chiếm khoảng 43% tổng sản lượng thép của nước này trong năm 2022. CISA hy vọng sẽ nâng tỷ lệ này lên 60% vào năm 2025 bằng cách khuyến các thỏa thuận M&A trong ngành vốn đang có quá nhiều nhà sản xuất nhỏ lẻ.

Thị phần thép tại Việt Nam đang được phân chia ra sao?

Tại Việt Nam, nhu cầu thép ghi nhận sự khởi sắc trở lại khi Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh việc xây dựng các công trình trọng điểm, các tuyến đường cao tốc. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh giữa các thương hiệu thép xây dựng ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau.

Năm 2022, thị phần thép xây dựng của Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu với 34,8%, tăng 2,2 điểm phần trăm so với năm 2021. Bước sang tháng 5/2023, thị phần của doanh nghiệp này giảm xuống còn 31,9% và vẫn duy trì vị trí số 1 toàn ngành.

Thị phần của Hòa Phát lớn gấp gần 3 lần doanh nghiệp đứng vị trí số 2 là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel). Các doanh nghiệp xếp sau lần lượt là Formosa Hà Tĩnh, Thép Việt Đức và Vina Kyoei.

Mức độ cạnh tranh giữa các thương hiệu thép xây dựng ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau

Trong khi sản lượng toàn ngành đi ngang thì trong năm 2023, Hòa Phát tiếp tục mở rộng sản xuất với dự án nhà máy thép Dung Quất 2. Ngoài ra, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long dự kiến đầu tư thêm 26.000 tỷ đồng cho giai đoạn mở rộng dự án Dung Quất với mục tiêu sản xuất 6 triệu tấn thép/năm. Như vậy, sau khi điều chỉnh thì tổng công suất của Hòa Phát Dung Quất 1 và 2 là 11,6 triệu tấn/năm.

Trước áp lực từ dự án Dung Quất của Hòa Phát, các doanh nghiệp thép khác ở Việt Nam đang có những động thái nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh.

Thời gian gần đây, một loạt các dự án thép quy mô hàng nghìn tỷ đồng vừa được chấp thuận đầu tư tại các tỉnh miền Trung. Sau Quảng Ngãi, các doanh nghiệp tiếp tục rót vốn để xây nhà máy thép tại Quảng Trị, Thanh Hóa và mới đây nhất là Bình Định.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.