15/06/2011 3:29 AM
Bong bóng nhà đất với mức giao dịch tăng chóng mặt luôn là nỗi lo canh cánh của người dân Trung Quốc trong những năm qua, nay có dấu hiệu xì hơi xẹp lép, khiến thị trường bấn loạn.

Trong khuôn khổ chuyến thăm ba thành phố lớn Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô, từ ngày 23/5 - 9/6 vừa qua, cố vấn cấp cao Vụ khu vực châu Á và Thái Bình Dương, Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Nigel Chuck khẳng định, các chính sách tiền tệ thận trọng của Trung Quốc góp phần kìm hãm đà tăng chóng mặt của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nguy cơ tan vỡ bong bóng nhà đất vẫn là một thách thức nghiêm trọng với nước này.

Bong bóng căng phồng sau 8 năm “bơm hơi”

Được đánh giá là một trong những động lực mạnh mẽ cho thời kỳ tăng trưởng kinh tế thần tốc của Trung Quốc, bất động sản luôn đóng vai trò quan trọng đối với các ngành xây dựng, sản xuất sắt thép và xi măng của nước này trong suốt hai thập kỷ qua.

Nhờ vào các phi vụ kinh doanh bất động sản, con số nhà giàu Trung Quốc tăng lên “vèo vèo” với mức lợi nhuận kiếm được cao hơn gấp chục, trăm lần so với tiền gửi ngân hàng.

Trung Quốc sắp vỡ tan 'bong bóng nhà đất'?
Một tòa nhà cao tầng tại Trùng Khánh, Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo mới đây tại Bắc Kinh, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) lên tiếng cảnh báo, giá bất động sản không ngừng leo thang trở thành cơn ác mộng của người tiêu dùng Trung Quốc trong 8 năm qua, và bong bóng nhà đất cùng với lạm phát chính là một trong những rủi ro hàng đầu mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang phải đối mặt.

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), giá nhà ở toàn quốc tại Trung Quốc đã tăng 140% kể từ năm 2007 và Bắc Kinh là một trong những điểm tăng giá nhà đất nóng nhất tại nước này: giá đất ở tại Bắc Kinh đã tăng 788% trong vòng 8 năm (kể từ 2003).


Trong đó, giá nhà ở tại 68/70 thành phố của Trung Quốc tới thời điểm tháng 2/2011 vẫn không ngừng tăng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá nhà tại các thành phố nhỏ tăng mạnh hơn các thành phố lớn. So với tháng trước, chỉ 9/70 thành phố có giá nhà giảm trong tháng 2. Điều khiến nhiều người quan ngại là hậu quả nặng nề mà nền kinh tế quốc nội và kinh tế toàn cầu phải hứng chịu nếu bong bóng bất động sản nhanh chóng tan vỡ.


Cận kề nguy cơ vỡ tan

Một loạt các biện pháp khắt khe được Chính phủ Trung Quốc áp dụng, nhằm hãm đà tăng giá bất động sản: hạn chế các hộ gia đình tại 35 thành phố lớn không được phép mua căn hộ thứ hai, nâng mức thanh toán trực tiếp tối thiểu khi mua nhà mới, đánh thuế bất động sản tại Trùng Khánh và Thượng Hải, tăng lãi suất cho vay đối với các chủ thầu, hạn chế số lượng giao dịch mua nhà…


Nỗ lực của Chính phủ nước này đang gặt hái những thành công nhất định. Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc ngày 16/4 công bố, giá đất tại các thành phố lớn chỉ tăng nhẹ trong quý đầu tiên năm 2011 với mức giá 2.945 NDT một m2 (tương đương 451 USD một m2).


Còn theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Dragonomics, giá bất động sản tại 9 thành phố lớn đã giảm 4,9% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 21,5% trong năm 2010 và 10% trong năm 2009. Ở Thượng Hải, doanh số bán căn hộ tháng 4/2011 giảm còn 11.000 căn so với 17.500 căn hồi tháng 1/2011, theo Trung tâm giao dịch bất động sản Thượng Hải.


Trung Quốc sắp vỡ tan 'bong bóng nhà đất'?
Các tòa nhà chọc trời tại Hợp Phì, An Huy, Trung Quốc.
Nhưng khi cơn sốt đất tạm lắng, nhu cầu giao dịch mua bán có dấu hiệu nguội dần, cũng là lúc Chính phủ và người dân nước này đối mặt với nguy cơ vỡ bóng. Một công ty chuyên kinh doanh dịch vụ bất động sản cho rằng thời kỳ đỉnh cao của bất động sản có thể đã chấm dứt.

Tại Thượng Hải, doanh số của thị trường căn hộ trong tháng 4 vừa qua giảm 37%, còn 11.000 căn, từ mức 17.500 căn trong tháng 1 (căn cứ vào số liệu của Trung tâm Giao dịch bất động sả n Thượng Hải).


Trong bối cảnh thị trường đi xuống, Công ty bất động sản Midland Realty phải đóng cửa 8 văn phòng tại Thượng Hải. “Chính sách của Chính phủ có ảnh hưởng lớn tới cả hoạt động mua và bán nhà, khiến giao dịch giảm mạnh”, một lãnh đạo của Midland Realty than thở.

Doanh số bán nhà tại 9 thành phố Trung Quốc mà công ty Dragonomics theo dõi cũng giảm khoảng một nửa từ đầu năm tới nay. Theo các nhà môi giới bất động sản, giao dịch mua bán nhà giảm, đồng nghĩa với giá thuê nhà ở Bắc Kinh tăng lên. Công ty môi giới Zhang Kai cho biết, số giao dịch mua bán nhà đã giảm một nửa kể từ tháng 2, nhưng giá thuê căn hộ hàng tháng đã tăng lên mức 3.000 Nhân dân tệ (khoảng 460 USD) trong tháng 6, từ mức 2.500 Nhân dân tệ (385 USD) trong tháng 5. Nhiều người có căn hộ không muốn bán vì muốn chờ giá tăng trở lại.

Một thực tế đáng lo là tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản trong vài tháng trở lại đây xuất hiện trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại. Ngân hàng Goldma Sachs (Mỹ) vào cuối tháng 5 vừa hạ dự báo tăng trưởng quý 2/2011 của Trung Quốc còn 8% từ mức 8,8% trước đó khi Chính phủ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ suy yếu.

Liệu việc đình trệ trong kinh doanh nhà đất có kéo lùi tốc độ phát triển của nền kinh tế trong nước, gây bất ổn xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đà phục hồi của kinh tế thế giới?


Khi nhắc tới vai trò của bất động sản, chuyên gia kinh tế Xiao Geng của ĐH Columbia ví von: “Nền kinh tế Trung Quốc như một chiếc xe hơi không phanh, lao vun vút, nếu tra dầu sẽ tăng tốc chóng mặt, ngược lại sẽ đột ngột ngưng trệ”.


Tuy lạc quan về những hệ lụy lâu dài khi vỡ bóng bất động sản, nhưng giới phân tích cũng vẫn tin tưởng vào khả năng ghìm cương giá cả, ki
ểm soát lạm phát và quản lý tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý của Chính phủ nước này.


Chuyên gia kinh tế Tao Wang của ngân hàng UBS lưu ý, việc giá nhà giảm chỉ là tạm thời. Các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ lại đổ tiền mua nhà do không có nhiều lựa chọn và do chính quyền các địa phương tăng giá bán quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư trong thời gian tới.


Tập đoàn Standard Chartered nhận định, nếu giá nhà ở và giá đất xây dựng sụt giảm quá lớn vào cuối năm nay, Chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ nới lỏng những hạn chế mua nhà đang áp dụng.


Còn theo cố vấn Nigel Chuck, dù lựa chọn phương án nào để ngăn chặn rủi ro, Chính phủ Trung Quốc cũng cần đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính, tăng giá vàng và siết thuế nhà ở.

Theo Cát Miên (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0