10/06/2018 7:07 PM
Nhiều nước nghèo đang trở thành “công trường xây dựng” của Trung Quốc, nhờ các khoản vay hào phóng từ các ngân hàng thuộc sở hữu của chính quyền Bắc Kinh, và việc chào giá thấp từ các công ty xây dựng do nhà nước Trung Quốc hỗ trợ. Các công trường này được “Made in China” gần như hoàn toàn từ thiết kế, thi công tới cả vật liệu.

Đại công trường

Một vùng đất mới rộng khoảng một dặm vuông, nằm sát bờ biển Colombo (Sri Lanka) vừa được hình thành, bằng 65 triệu mét khối cát lấy từ Ấn Độ Dương. Khu vực này sẽ là nơi xây dựng thành phố cảng Colombo (Port City Colombo), một quận mới rộng lớn với các tòa tháp văn phòng cao tầng, những căn hộ cao cấp, những con kênh rợp bóng cây và biệt thự bên bờ biển.

Dự án trị giá 1,4 tỉ đô la Mỹ này nằm ngay gần khu trung tâm thương mại của Colombo và một cảng biển vừa được nâng cấp gần đây, được các nhà phát triển ca ngợi là “thành phố đẳng cấp thế giới”.

Port City và hàng loạt các dự án hạ tầng trên khắp Colombo, chủ yếu do Trung Quốc tài trợ, thiết kế, chế tạo và xây dựng.

Nhiều nước đang phát triển như Sri Lanka đang trở thành “đại công trường” của Trung Quốc nhờ các khoản vay hào phóng từ các ngân hàng thuộc sở hữu của chính quyền Bắc Kinh, cùng với việc bỏ thầu giá thấp của các công ty xây dựng Trung Quốc.

Mô hình Port City Colombo do Trung Quốc xây dựng ở Sri Lanka. Ảnh: CNN

Cách Port City Colombo chưa đầy một dặm, những mảng bê tông đầu tiên của một công trình xây dựng Trung Quốc có tên là Astoria đã được dựng lên. Sau khi hoàn thành, nơi này sẽ giống như mô hình đô thị phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc. Đó là các tòa tháp căn hộ cao cấp với trung tâm mua sắm ở khối đế, quy tụ các thương hiệu cao cấp toàn cầu.

Tiến sĩ Janaka Wijesundara, giáo sư kiến trúc tại Đại học Moratuwa (Colombo) cho rằng, mặc dù các dự án trên có thể thúc đẩy kinh tế địa phương, nhưng nó không phù hợp với các đô thị xung quanh.

“Các công trình của Trung Quốc chắc chắn sẽ tạo sự thay đổi lớn trong cảnh quan tổng thể và mật độ thành phố”, ông Janaka nói với CNN. “Các tòa nhà cao tầng ở Colombo đang được xây dựng mà không có sự hiểu biết đúng đắn về điều kiện địa phương thông qua bất kỳ nghiên cứu thiết kế đô thị nghiêm túc nào”, ông nhấn mạnh.

Quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển đô thị của Chính phủ Sri Lanka (UDA), Jagath Munasinghe, thừa nhận các chuyên gia tư vấn thiết kế ở nước ngoài “ít nhạy cảm với các tình huống và điều kiện địa phương”. Song, ông nhấn mạnh rằng chính quyền đang tiến hành các bước để giải quyết mối quan tâm này.

Ông dẫn chứng, theo quy định mới, bất kỳ dự án nào do chuyên gia nước ngoài thiết kế đều phải được các kiến trúc sư có thẩm quyền ở trong nước thông qua.

Charlie Xue, giáo sư kiến ​​trúc Đại học City (Hồng Kông), người chuyên nghiên cứu các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở nước ngoài trong năm thập kỷ qua, cho biết, đa số các dự án của Trung Quốc thuộc dạng “viện trợ kiến ​​trúc”. Ông giải thích, các công trình được chính phủ Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp nhà nước tặng cho quốc gia khác nhằm “thúc đẩy thương mại, tìm kiếm lợi ích kinh tế và mở rộng ảnh hưởng văn hóa”.

Shen Dingli, giáo sư tại Đại học Fudan Thượng Hải, chỉ rõ việc xây dựng ở nước ngoài của Trung Quốc nhằm hai mục đích. Thứ nhất là cung cấp cơ sở hạ tầng mà nước chủ nhà cần. Thứ hai là tạo ra những biểu tượng hữu nghị để mở rộng “quyền lực mềm” của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc rằng họ sử dụng các dự án xây dựng để gây ảnh hưởng tại các nước đang phát triển.
Khi phóng viên CNN đặt câu hỏi về vai trò của Bắc Kinh trong hai dự án xây dựng mới ở châu Phi, là trụ sở Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) và tòa nhà quốc hội Zimbabwe, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho biết: “Việc hỗ trợ các nước châu Phi và các nước đang phát triển khác đạt được thịnh vượng chung là khía cạnh quan trọng của ngoại giao Trung Quốc”.

Mô hình đô thị Trung Quốc

Những công trình mà Trung Quốc xây dựng ở các nước đang phát triển được gọi tên là “ngoại giao sân vận động”. Có thể tìm thấy rất nhiều dự án này như Trung tâm hội nghị quốc tế Bandaranaike Memorial (Colombo), Nhà hát quốc gia Ghana, Nhà hát Opera Algiers...

Dự án cao cấp nhất gần đây là trụ sở Liên minh châu Phi tại Addis Ababa, Ethiopia, được khai trương vào năm 2012. Khu phức hợp rộng 544.000 foot vuông này được thiết kế bởi tập đoàn thiết kế kiến trúc Tongji và được xây dựng bởi tập đoàn cơ khí xây dựng nhà nước Trung Quốc. Công trình có chi phí 200 triệu đô la Mỹ, được tài trợ hoàn toàn bởi chính phủ Trung Quốc.

Đầu năm nay, một báo cáo được công bố trên tờ nhật báo Pháp Le Monde, cáo buộc Bắc Kinh đã có hành vi do thám Liên minh châu Phi (AU) thông qua các hệ thống máy tính mà họ giúp cài đặt. Le Monde trích các nguồn tin giấu tên cho biết, dữ liệu được chuyển từ các hệ thống máy tính của AU ở Ethiopia đến các máy chủ ở Thượng Hải. Cả Bộ Ngoại giao Trung Quốc và AU đều cho rằng những thông tin của Le Monde là “vô căn cứ”.

Trung Quốc hiện đang tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài sau sáng kiến Một vành đai, một con đường, nhằm hình thành tuyến đường tơ lụa mới kết nối Trung Quốc và khoảng 60 quốc gia khác, đến châu Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.

“Trong thế kỷ 20, Trung Quốc chủ yếu “tặng” công trình cho các nước đang phát triển. Còn bây giờ, nhiều dự án được thực hiện bởi các công ty tư nhân, hoặc các công ty nhà nước như một phần của quá trình tạo ra lợi nhuận”, giáo sư Charlie Xue nhận xét.

Kiến ​​trúc sư Daan Roggeveen ở Thượng Hải, người đã nghiên cứu nhiều dự án của Trung Quốc ở châu Phi, cho biết việc các tổ chức nước ngoài xây dựng công trình ở nước khác là không có gì mới. Song cách tiếp cận của Trung Quốc là duy nhất.

“Nhiều tòa nhà đang được xây dựng bởi các nhà thầu Trung Quốc được thiết kế ở Trung Quốc, được xây dựng bằng vật liệu Trung Quốc, bởi các công nhân Trung Quốc”, ông nói. “Điều đó có nghĩa là tất cả các quyết định thiết kế lớn nhỏ đều được thực hiện tại Trung Quốc mà không tính đến bối cảnh địa phương hoặc môi trường sở tại”.

Ông dẫn chứng, tại thủ đô Luanda của Angola, nơi tập đoàn CITIC của Trung Quốc đang xây dựng một khu dân cư hoàn toàn mới, các dãy nhà khối được sắp xếp san sát nhau, giống hệt ở Trung Quốc. Công ty này đến nay đã xây dựng 200.000 căn nhà ở Luanda và đang chuẩn bị xây tiếp 8.000 ngôi nhà khác ở Viana, một đô thị gần đó.

Toàn bộ các khu đô thị cảm thấy như sao chép từ Trung Quốc, ông Roggeveen nói. Ông cho rằng, thông qua việc đô thị hóa nhanh chóng của mình, Trung Quốc đã tối ưu hóa một phương pháp để xây dựng thành phố một cách nhanh chóng. Và khi tình trạng tăng dân số bùng nổ ở Đông Nam Á và châu Phi, phong cách xây dựng của Trung Quốc có thể trở thành tiêu chuẩn mới.

“Tôi nghĩ rằng mô hình đô thị Trung Quốc sẽ phát triển trong thập kỷ tới. Điều này có nghĩa là nhiều tòa tháp kiểu Trung Quốc, các trung tâm mua sắm và các thị trấn giống những gì diễn ra ở Kenya, Campuchia và Sri Lanka sẽ còn tiếp tục xuất hiện khắp nơi”, ông nói.

Minh Đức (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.