Trung Quốc không tư nhân hóa đất đai bởi vấn đề sở hữu đất đã được ghi rõ trong Hiến pháp. Theo đó, đất ở nông thôn Trung Quốc thuộc sở hữu công cộng và các lô (mảnh, thửa) đất được giao cho nông dân trong thời hạn 30 năm. Nông dân không được phép bán hay dùng làm tài sản thế chấp tại ngân hàng.

Điều này xem ra khá bất bình đẳng khi người sống ở thành thị có thể mua và bán đất như một tài sản, nhưng đất ở nông thôn chỉ được phân, chia theo hợp đồng 30 năm và nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền địa phương. Ngày 1/6/2011, chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn kế hoạch cải cách thuế bất động sản và đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy, lần đầu tiên Trung Quốc áp dụng thuế hàng năm cho nhà ở nhằm kiềm chế tăng giá.


Trước đó (28/1/2011), Trung Quốc áp dụng thuế bất động sản (cũng lần đầu tiên) cho những người mua căn nhà thứ hai ở Thượng Hải và Trùng Khánh nhằm kiềm chế giá nhà tăng kỷ lục và chống lạm phát. Bởi hơn 2 năm trước, nhiều người từng nói rằng, bong bóng bất động sản đang căng đến mức báo động tại Thượng Hải vì nơi đây có tốc độ mua nhà còn nhanh hơn người ta mua rau.


Hơn 2 năm trước (14/12/2009), Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã chủ trì cuộc họp bàn về sự tăng quá mức giá bất động sản và chỉ vài ngày sau, Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, Bộ Đất đai và Tài nguyên, Cục Kiểm toán quốc gia và Bộ Giám sát đã ban hành một loạt quy định mới nhằm ổn định thị trường bất động sản và chống tình trạng đầu cơ nhà đất đang diễn ra tràn lan.


Số liệu thống kê 7 tháng đầu năm 2009 cho thấy, doanh số bất động sản của Trung Quốc tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2008 và điều này khiến dư luận lo ngại bởi tín dụng tăng trưởng quá nóng đã tạo ra bong bóng bất động sản tại nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chỉ riêng từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7/2009, giá bán 1m² nhà đất ở Trung Quốc đã tăng 7% và tăng đồng loạt tại 63 trên tổng số 70 thành phố lớn.


Giới chuyên môn cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng kể trên là do từ tháng 10/2008, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp trong đó có giảm thuế và ưu đãi người mua nhà lần đầu nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Nhưng tháng 11/2009, tạp chí Times đã có bài cảnh báo về bong bóng bất động sản và chủ đề này lập tức trở thành vấn đề gây đau đầu nhất của Trung Quốc cho dù từng được đề cập nhiều lần trước đó. Sau đó (tháng 7/2010), tạp chí Straits Times của Singapore còn có bài viết với tiêu đề “Thị trường nhà đất Trung Quốc sắp sụp đổ”.



Một trong những khu đô thị mới của Trung Quốc.


Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2010, lượng tiền do giới đầu tư và đầu cơ đổ vào thị trường bất động sản Trung Quốc đã tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2009. Trong 10 tháng đầu năm 2009, tổng các khoản cho vay mới được thực hiện ở hệ thống ngân hàng đã lên mức 1,3 nghìn tỷ USD, tăng 144% so với cùng kỳ năm 2008.


Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, 114 công ty bất động sản có vốn nước ngoài đã đăng ký trong tháng 11/2010, cao hơn 2,71 lần so với 1 tháng trước đó (tháng 10/2010). Trong 10 tháng đầu năm 2010, mức tận dụng vốn nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã tăng 48,04% so với cùng kỳ năm 2009, đạt 8,7 tỉ USD. Điều đáng nói là phần lớn các công ty kể trên đều nằm tại những thành phố hạng hai và ba của Trung Quốc.


Cách đây hơn 2 tháng (22/11/2011), tờ China Daily dẫn lời các chuyên gia cảnh báo, nếu Trung Quốc vỡ bong bóng bất động sản thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp đối với nền kinh tế, cũng như chính trị-xã hội của nước này. Còn tờ The Wall Street Journal thì cho rằng, mức giá nhà trung bình tại 70 thành phố lớn ở Trung Quốc đã giảm (lần đầu tiên hồi tháng 10/2011) kể từ khi chính phủ bắt đầu can thiệp làm nguội thị trường này cách đây khoảng 2 năm.


Nhiều chuyên gia cho biết, việc xây dựng nhà ở tăng vọt trong năm 2009 và 2010 đã dẫn đến dư thừa nguồn cung khiến nhiều tòa nhà cao tầng mà người đầu cơ mua biến thành “nhà ma” – không người sử dụng. Ngày 14/10/2010, “Báo cáo điều tra của các chuyên gia Ngân hàng Trung Quốc” được công bố. Theo đó, hầu hết các chuyên gia ngân hàng khi được phỏng vấn đều cho rằng, thị trường bất động sản đảm bảo tăng trưởng và trong tương lai, các khoản cho vay bất động sản không có nhiều rủi ro lớn cho dù trước đó (tháng 8/2010), Trung Quốc đã cấm một số công ty bất động sản mua thêm đất khi nắm giữ đất hơn 1 năm mà không phát triển cơ sở hạ tầng.


Nhiều người đặt câu hỏi, liệu bất động sản Trung Quốc có đi theo vết xe đổ của Mỹ? Điều đáng quan tâm nhất là quy mô bất động sản Trung Quốc lớn hơn Mỹ. Được biết, khoản đầu tư vào nhà đất của Mỹ trong thời kỳ đỉnh cao (năm 2005) chỉ tương đương với 6% GDP, nhưng trong năm 2010, hoạt động đầu tư bất động sản của Trung Quốc chiếm tới 12% GDP, cao hơn mức 10% GDP của năm 2009 (cao nhất trong lịch sử). Năm 2007, khoản nợ thế chấp nhà đất của Mỹ lên tới 103% GDP, nhưng tỷ lệ dự trữ dài hạn của các hộ gia đình này chỉ chiếm 16% GDP, còn ở Trung Quốc con số này khá cao - nếu tính cả khoản vay của các hãng bất động sản, khoản nợ từ chính quyền địa phương là gần 50% GDP.


Được biết, tăng trưởng đầu tư vào nhà đất đã giảm từ 31% cuối năm 2007 xuống còn 3% vào đầu năm 2009, nhưng một khi bong bóng bất động sản vỡ tại quốc gia hơn 1,34 tỷ dân thì hậu quả thật khôn lường

Theo Quốc Tuấn - Khắc Dũng (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland