Xét trên phương diện xây dựng chiến lược tăng trưởng dài hạn, người Trung Quốc đang làm tốt hơn nhiều so với người Mỹ.

Trung Quốc đang thành công hơn Mỹ trong định hướng phát triển dài hạn

Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn mới sau khi kế hoạch kích thích tài khóa không thể đảm bảo được đà phục hồi của kinh tế Mỹ và châu Âu. Tại Mỹ, người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”, số lượng nhà xây mới giảm sâu, khả năng kinh tế lại rơi vào suy thoái là hoàn toàn có thể. Tại châu Âu, chính sách thắt chặt tài khóa hiện đang được tiến hành sau khi áp lực thị trường tăng cao, cần có cách tiếp cận mới với thời kỳ kinh tế phục hồi.

Yếu tố đáng chú ý nhất trong những cuộc tranh luận hiện nay liên quan đến việc thắt chặt ngân sách hay kích cầu chính là việc người ta thiếu chú ý đến hoạt động đầu tư. Người tiêu dùng không thể mang lại động lực cho hồi phục kinh tế và họ cũng không nên làm thế sau khi đã chi tiêu quá nhiều trong suốt 1 thập kỷ. Thay vào đó, Mỹ và châu Âu nên tận dụng việc tỷ lệ tiết kiệm tăng cao trong thời gian gần đây để khuyến khích đầu tư dài hạn như cách quan trọng để đảm bảo tăng trưởng.

Bất chấp thực tế tỷ lệ tiết kiệm của người Mỹ đã tăng sau năm 2008, Tổng thống Obama vẫn cố gắng kích thích tiêu dùng bằng việc đưa ra chương trình khuyến khích mua nhà, xe ô tô cho những người tiêu dùng nay đã cạn tiền, ông đã giảm thuế bất chấp thâm hụt ngân sách tăng cao. Cách tiếp cận này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn bắt nguồn từ quy trình 2 năm bầu cử tai Mỹ. Chương trình chững lại bởi người tiêu dùng Mỹ nhìn về dài hạn nhiều hơn chính trị gia của họ.

Ngược lại, sự quan tâm của chính quyền đối với hoạt động đầu tư chưa đi vào trọng tâm. Tổng thống Obama đã không thể thống nhất được chính sách y tế, năng lượng, thay đổi khí hậu và chính sách tài khóa dài hạn. Ở thời điểm khi Trung Quốc xây dựng hàng trăm dặm đường ngầm, hàng chục nghìn kilomet xa lộ, vài nhà máy thủy điện và hàng chục ngàn dặm đường xe lửa cao tốc liên thành phố, nước Mỹ vẫn khó khăn với chỉ một dự án. Người Trung Quốc tiết kiệm và đầu tư, người Mỹ nói, tiêu dùng, vay tiền và lại tiếp tục nói.

Trong trường hợp này, thật sai lầm khi tin rằng lựa chọn duy nhất chính là tiếp tục kích thích tài khóa để ngăn Đại Khủng hoảng trở lại. Việc tiếp tục giảm thuế trong ngắn hạn bất chấp thâm hụt ngân sách 1.500 tỷ USD sẽ không thể khiến nhu cầu tăng lên, trong khi đó sẽ khiến người ta lo lắng nhiều hơn về tương lai tài khóa thắt chặt. Các hộ gia đình đang hạn chế chi tiêu và nhiều người sẽ cho rằng khoản tiền thêm chẳng qua để giảm bớt nợ chứ không phải dành cho chi tiêu.

Nhóm doanh nghiệp, về phía họ chịu áp lực bởi sự thiếu định hướng. Phòng Thương mại Mỹ có lý do khi tuyên bố với báo giới: “Khi doanh nghiệp cố gắng tính toán về năm tới, tín dụng và môi trường đầu tư, họ không thể biết mọi chuyện sẽ ra sao. Sự thiếu chắc chắn khiến người ta đau đầu.”

Kế hoạch phục hồi kinh tế Mỹ hoàn chỉnh bao gồm 5 phần. Phần thứ nhất: tăng đầu tư vào năng lượng sạch và nâng cấp hệ thống điện. Việc này cần được thực hiện thông qua đảm bảo trợ cấp giá, thuế đối với khí thải các bon cần ngày một cao hơn. Hệ thống hạn chế khí thải gây ra nhiều rắc rối, không cần thiết.

Phần thứ hai: chương trình cải tổ cơ sở hạ tầng trong 1 thập kỷ với những dự án xây dựng đường sắt cao tốc liên thành phố, cơ sở hạ tầng nước và xử lý chất thải, nâng cấp đường cao tốc với nguồn tiền vừa từ chính quyền liên bang, chính quyền các bang và nguồn vốn tư nhân. Những dự án này hết sức phức tạp, cần đến sự điều hành của chính phủ trong vấn đề quản lý đất đai, thiết kế dự án, hợp tác nhà nước và tư nhân, trợ cấp một phần hay đảm bảo tín dụng.

Phần thứ ba: tăng cường hỗ trợ giáo dục, hướng nghiệp. Hàng chục triệu người lao động Mỹ thiếu kỹ năng cần thiết để có được việc làm và mức lương đúng với mong muốn của họ. Khủng hoảng việc làm đang tạo ra khủng hoảng cấu trúc về kỹ năng việc làm. Khủng hoảng ảnh hưởng mạnh đến lao động trẻ, những người đang trong quá trình cố gắng học hành và người lao động già hiện còn thiếu bằng cấp.

Phần thứ tư: tăng xuất khẩu cơ sở hạ tầng sang châu Phi và một số nước thu nhập thấp. Trung Quốc đang đi trước Mỹ và châu Âu trong hoạt động xuất khẩu này. Chi phí thấp, chỉ đơn giản là đảm bảo tín dụng, thế nhưng lợi ích không nhỏ bao gồm xuất khẩu hàng hóa sang châu Phi, hỗ trợ sự phát triển của châu Phi, cải thiện quan hệ địa chính trị và sự ổn định.

Phần thứ năm và thứ sáu: cần đưa ra khung tài khóa đáng tin cậy để giảm thâm hụt ngân sách liên bang xuống mức ổn định trong 5 năm tới. Chi phí quân sự sẽ bị cắt giảm, điều này đồng nghĩa với cần chấm dứt chiến tranh Iraq và chiếm đóng Afghanistan; ngưng sử dụng hệ thống vũ khí tốn kém. Biện pháp khác bao gồm cắt trợ cấp thuế, đánh thuế các tổ chức tài chính phố Wall, tăng thuế đối với người giàu và nếu cần, đưa ra thuế giá trị gia tăng. Chi phí đầu tư công có thể bù lại bởi việc đưa ra thuế cho lĩnh vực công như thuế đánh vào khí thải các bon...

Chính quyền Tổng thống Obama và nghị sỹ Đảng Dân chủ có tội khi đã thiếu cái nhìn về dài hạn. Cả hai bên đã mạo hiểm kéo dài tình trạng thâm hụt ngân sách thông qua hỗ trợ tài khóa và giảm thuế. Cả hai yếu tố này không phải điều người Mỹ cần, người Trung Quốc đang làm tốt hơn: đầu tư vào tương lai thông qua sự tập trung phát triển lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, kỹ năng làm việc của người lao động và phát triển quốc tế thông qua xuất khẩu cơ sở hạ tầng.


Cafeland.vn
Theo FT

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland