28/02/2012 2:58 PM
Vụ tranh chấp hi hữu trong mua bán cổ phần giữa Trung Nam; ông Nguyễn Sơn và Westernbank lên đến hồi căng thẳng khi các bên đẩy sự việc ra… Tòa.

Trong đó Trung Nam bên bán cổ phần, ông Nguyễn Sơn là bên mua cổ phần và Westernbank là bên bảo lãnh hợp đồng mua - bán cổ phần.

Khởi đầu bình yên của một thương vụ mua - bán

Ngày 20/1/2011, CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam (TNG) ký Hợp đồng số 01/VĐL/TNG/2011 chuyển nhượng 5.065.252 CP của CTCP Địa ốc Viễn Đông (VDL) do công ty này sở hữu cho ông Nguyễn Sơn, với tổng giá trị 165,05 tỷ đồng.

Để đảm bảo cho giao dịch trên, Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank) đã phát hành chứng thư bảo lãnh thanh toán với nội dung: “Ngân hàng chúng tôi cam kết trả cho bên thụ hưởng bảo lãnh số tiền bảo lãnh trên ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu bồi thường do bên được bảo lãnh vi phạm các quy định về thanh toán nêu trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa ông Nguyễn Sơn và TNG mà không cần phải chứng minh”. Theo đó, Western Bank cam kết bảo lãnh thanh toán cho TNG số tiền 132 tỷ đồng chia làm 2 đợt: 41,2 tỷ đồng (đến hạn ngày 30/3/2011) và 90,77 tỷ đồng (đến hạn ngày 29/1/2012).

Sau khi ký hợp đồng, ông Sơn đã thanh toán số tiền 82,5 tỷ đồng. Còn lại 90,77 tỷ đồng bao gồm 50% giá trị hợp đồng và lãi chậm trả, TNG đã nhiều lần gửi công văn đề nghị thanh toán. Đến ngày 17/1/2012, TNG gửi văn bản đề nghị Western Bank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, Wertern Bank thông báo sẽ chậm thanh toán cho đến khi có sự thống nhất giải quyết các vướng mắc giữa TNG và ông Nguyễn Sơn.

Dù đã ký hợp đồng bảo lãnh không hủy ngang, không cần chứng minh, nhưng Wertern Bank thông báo sẽ chỉ thanh toán tiền bảo lãnh khi có sự thống nhất giải quyết các vướng mắc giữa TNG và ông Nguyễn Sơn

Tranh chấp bùng phát

Sau gần 1 năm kể từ khi ký hợp đồng, giữa TNG và ông Nguyễn Sơn đã xảy ra tranh chấp quanh vấn đề xác định số vốn thực góp của TNG vào VDL và tranh chấp này phát sinh từ kết quả kiểm tra của Ban Kiểm soát VDL.

Cụ thể, ngày 16/1/2012, VDL có văn bản gửi TNG cho hay, nhân kết luận của Thanh tra Chính phủ sau cuộc làm việc tại VDL, Ban kiểm soát VDL đã phát hiện một số sai sót liên quan đến tiến độ góp vốn của cổ đông TNG. Theo đó, để tăng vốn điều lệ lên 220 tỷ đồng, các cổ đông phải góp đủ vốn trước ngày 30/5/2010, trong đó TNG phải góp thêm hơn 10,2 tỷ đồng, tương đương trên 1,02 triệu CP. Tuy nhiên, hết thời hạn nói trên, TNG không thực hiện góp vốn nên mất quyền góp vốn.

Ngoài ra, theo Ban kiểm soát VDL, việc chuyển nhượng CP tăng thêm từ việc nâng vốn từ 200 tỷ đồng lên 220 tỷ đồng (480.000 CP của TNG chuyển nhượng cho ông Sơn) khi chưa lập thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh nâng vốn, nên tại thời điểm chuyển nhượng, số tiền này chưa chuyển thành CP để có thể giao dịch. Như vậy, số CP VDL mà TNG nắm giữ hợp pháp chỉ là 3.571.821 CP, trong khi số CP chuyển nhượng là hơn 5 triệu CP.

Lý lẽ từ phía ông Sơn cho rằng, trong giấy phép kinh doanh thay đổi lần 2 ngày 9/3/2010 và giấy phép thay đổi lần 3 ngày 24/2/2011 của VDL thì cổ đông TNG đã chuyển đổi sang cá nhân ông Nguyễn Tâm Tiến và số CP thực tế chỉ có 4.600.000 CP. Với 2 căn cứ nói trên, ông Nguyễn Sơn cho rằng, TNG bán khống và đệ đơn khởi kiện TNG lên TAND quận Phú Nhuận (TP. HCM) đề nghị Tòa án hủy Hợp đồng chuyển nhượng nói trên.

Trung Nam “phản pháo”

Phản bác lại, phía TNG đưa ra các căn cứ khẳng định, công ty này đã góp đủ vốn cho hơn 5 triệu CP tại VDL. Bằng chứng đầu tiên TNG đưa ra là Thư xác nhận góp vốn của Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ Tin học TP. HCM. Theo đó, công ty kiểm toán xác nhận tình hình thực tế góp vốn của các cổ đông sáng lập vào VDL và đến ngày 31/1/2012, TNG đã góp không những đủ 23% vốn điều lệ 220 tỷ đồng, tương đương 5,06 triệu CP, mà còn thừa ra 52,5 triệu đồng.

TNG cũng đưa ra Biên bản đối chiếu góp vốn ngày 10/1/2011 với nội dung TNG và VDL đã tiến hành đối chiếu đến hết ngày 31/12/2010, TNG đã góp vốn vào VDL với số tiền 5,06 tỷ đồng (tương đương 5,06 triệu CP). Biên bản ghi: “Nếu số liệu phù hợp, xin vui lòng xác nhận, đóng dấu” và đã được đại diện VDL xác nhận.

Về việc giấy phép thay đổi lần 2 và lần 3, tên cổ đông đã chuyển từ TNG sang cá nhân ông Nguyễn Tâm Tiến là do cơ quan cấp giấy phép có lỗi đánh máy. Cổ đông thứ 2 đúng là Nguyễn Tâm Tiến (đại diện CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam), chứ không phải cá nhân ông Nguyễn Tâm Tiến. Ngoài ra, ngày 13/5/2011, Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng đã chứng nhận trong Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh của VDL về việc thay đổi tên cổ đông góp vốn từ TNG sang cho ông Nguyễn Sơn.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group khẳng định, Công ty có đầy đủ hồ sơ, chứng từ thể hiện TNG đã góp đủ vốn tại VDL, việc nói TNG chưa góp đủ vốn hay bán khống cổ phiếu là hoàn toàn bịa đặt. Đồng thời, TNG cũng cho biết đã đến trụ sở VDL để đối chiếu chứng từ, xác minh số vốn góp theo yêu cầu của VDL, song không có đại diện nào của VDL có mặt để làm việc.

Liên quan đến trách nhiệm bảo lãnh của Western Bank, TNG bày tỏ bức xúc về cách hành xử của ngân hàng này, thậm chí cho rằng, việc chây ỳ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng đã “gây ra hậu quả khôn lường cho Công ty, đề nghị cơ quan chức năng làm rõ sự việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của DN…”.

Ba câu hỏi chờ Tòa làm sáng tỏ

Phía Western Bank - đơn vị bảo lãnh thì cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng giữa Trung Nam và ông Nguyễn Sơn đang tranh chấp và đã khởi kiện ra Tòa, tức là chưa hoàn tất, nên chưa thể kết luận ông Nguyễn Sơn vi phạm trách nhiệm thanh toán.

Do đó, với Western Bank, trách nhiệm bảo lãnh chưa phát sinh, ngân hàng này chưa có trách nhiệm phải thanh toán khoản tiền 90,77 tỷ đồng cho phía Trung Nam. Bản thân ông Nguyễn Sơn đã có công văn gửi Western Bank yêu cầu dừng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho hợp đồng mua cổ phần của ông với Trung Nam.

Western Bank cho biết, nếu TNG vẫn tiếp tục đưa thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng gây mất uy tín của Ngân hàng, thì họ sẽ tiến hành các bước pháp lý tiếp theo để buộc TNG phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Một số phương tiện truyền thông đã phản ánh vụ việc bằng góc nhìn riêng của từng bên, nhưng xem xét kỹ hồ sơ của cả 3 bên sẽ thấy có 3 câu hỏi ngỏ mà chỉ có cơ quan chức năng, bằng quyền điều tra và phán xét của mình mới có thể tìm ra, đó là:

Trung Nam có đầy đủ hồ sơ chứng minh hợp lệ về việc đã góp đủ 5,06 triệu cổ phần vào VDL không?

Với ông Nguyễn Sơn và VDL, viện dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ để cho rằng, Trung Nam bán khống cổ phần cho ông Nguyễn Sơn, vậy kết luận của Thanh tra Chính phủ có thực sự nêu vấn đề này không? Nếu có nêu thì kết luận của Thanh tra Chính phủ có được coi là bằng chứng pháp lý để lật lại một hợp đồng mua - bán cổ phần đã được Sở KH&ĐT TP. Đã Nẵng chứng nhận tính hợp pháp bằng việc cấp Giấy đăng ký kinh doanh không? Xin nói thêm, ĐTCK đã nhiều lần đề nghị được cung cấp thông tin về kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhưng chưa được thấy văn bản này.

Với Western Bank, việc ký hợp đồng bảo lãnh với cam kết không hủy ngang, bảo lãnh không cần phải chứng minh, nhưng nay lại trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán với lý do hợp đồng đang tranh chấp, liệu có hợp lý không và được Tòa chấp thuận hay không?

ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới.

Ý kiến các bên liên quan

“Tôi có đủ giấy tờ chứng minh TNG đã cố tình bán khống cổ phiếu”

Ông Nguyễn Sơn, người mua cổ phiếu VDL từ Trung Nam

TNG đã bán khống CP cho tôi, do vậy, tôi đề nghị hủy hợp đồng do bên bán đã vi phạm điều khoản của hợp đồng. Điều này tôi cũng đã thể hiện rõ quan điểm trong đơn kiện và Tòa án đã thụ lý đơn kiện của tôi từ ngày 20/1/2012, hiện đang trong quá trình xử lý vụ việc.

Đối với việc TNG cho biết sẽ có đơn gửi cơ quan công an đề nghị điều tra vì bị vu khống, tôi khẳng định tôi không vu khống, tôi có đầy đủ mọi giấy tờ cho thấy rằng, TNG đã cố tình bán khống cổ phần cho tôi. Vì thế, tôi đã làm đơn kiện ra Tòa như dư luận cũng đã biết. Cũng nói rõ thêm, căn cứ vào văn bản trả lời của Sở KH&ĐT Đà Nẵng thì cho đến ngày 24/2/2011, TNG chỉ sở hữu 4,6 triệu CP, trong khi số CP họ đăng ký bán là 5,06 triệu CP. Hơn nữa, VDL, đơn vị phát hành cũng đã đề nghị TNG đến đối chiếu chứng từ góp vốn, vì họ cho rằng có một số điểm cần làm rõ.


“Tôi cho là phía ông Nguyễn Sơn đã không hiểu luật”

Luật sư Trương Đình Tùng, Trưởng văn phòng luật sư TDT Law House, đại diện của TNG:

Bán khống tức là bán hàng hóa không có thật. Nhưng số CP mà Trung Nam nắm giữ là có thật, bởi Trung Nam đã góp đủ vốn và CP đó có giá trị thể hiện ở tài sản của VDL. Bởi vậy không thể coi là bán khống.

Ông Nguyễn Sơn nại ra là số CP mà Trung Nam nắm giữ ở trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 2 chỉ có 4,6 triệu CP, ít hơn so với con số trên 5 triệu CP trong hợp đồng chuyển nhượng. Tôi cho là phía ông Nguyễn Sơn đã không hiểu luật.

Luật Doanh nghiệp không có quy định nào buộc DN phải thay đổi đăng ký kinh doanh trước khi tăng vốn. Ở đây, VDL đã thực hiện đầy đủ thủ tục cần phải làm khi tăng vốn từ 200 tỷ đồng lên 220 tỷ đồng và các cổ đông hiện hữu, trong đó có Trung Nam đã góp đủ số vốn theo tỷ lệ. Sau đó, Trung Nam chuyển nhượng CP cho ông Nguyễn Sơn, tên ông Nguyễn Sơn đã có trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 6 và sở hữu 32% vốn điều lệ VDL. Như vậy, tài sản đã chuyển giao, quyền lực đã chuyển giao (ông Sơn hiện đang là thành viên HĐQT VDL).


Phía ông Sơn phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho TNG. Nếu ông Sơn không thanh toán thì ngân hàng bảo lãnh phải đứng ra thực hiện nghĩa vụ này.

“Chúng tôi có đủ giấy tờ chứng minh 5,06 triệu CP VDL là hợp pháp”

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group

Chúng tôi yêu cầu Western Bank thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo chứng thư bảo lãnh. Bảo lãnh này là một cam kết thanh toán không hủy ngang và vô điều kiện. Đối với việc ông Nguyễn Sơn cho rằng TNG bán khống, chúng tôi có đầy đủ chứng lý để khẳng định 5,06 triệu CP bán cho ông Sơn là hợp pháp.

Trong hợp đồng, bên B (TNG) cam kết số CP đủ điều kiện pháp lý để chuyển nhượng và thực tế là đã chuyển nhượng xong rồi, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp lần 6 đã có tên ông Nguyễn Sơn là cổ đông chiếm giữ 32% vốn điều lệ.

Trước khi có hợp đồng chuyển nhượng, HĐQT đã họp và thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 220 tỷ đồng và đến 31/12/2010, TNG đã góp đủ số vốn cần thiết, có biên bản đối chiếu số vốn góp, có kiểm toán xác nhận. Đến khi chuyển nhượng, Đại hội đồng cổ đông của VDL đã họp và phê duyệt việc chuyển nhượng này. Sau đó 2 bên ký kết hợp đồng và TNG đã hoàn thành nghĩa vụ của bên bán là chuyển nhượng số CP này sang đứng tên ông Nguyễn Sơn. Vì thế ông Sơn không thể nói là TNG không có đủ 5,06 triệu CP VDL để bán cho ông ấy.

“Trách nhiệm bảo lãnh của chúng tôi chưa phát sinh”

Western Bank

Hợp đồng chuyển nhượng giữa Trung Nam và ông Nguyễn Sơn đang tranh chấp, tức là hợp đồng chưa hoàn thành, nên chưa thể kết luận ông Nguyễn Sơn vi phạm trách nhiệm thanh toán. Vì vậy, trách nhiệm bảo lãnh của Western Bank chưa phát sinh. Do đó, chúng tôi đã có công văn đề nghị các bên cùng nhau giải quyết. Nếu không thỏa thuận được thì nhờ Tòa án phân xử để có kết quả cuối cùng

Theo Đầu Tư CK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.