Cách đây vài năm, bán lẻ luôn là một trong những phân khúc hấp dẫn của thị trường. Nhiều chủ đầu tư, cả trong nước và nước ngoài, đổ xô xây dựng các trung tâm thương mại. Bởi, họ đặt niềm tin thị trường bán lẻ tiềm năng ở Việt Nam sẽ phát triển trong tương lai gần.
Không chỉ vậy, với lợi thế nằm ngay cửa ngõ quan trọng phía Tây, nơi có sự kết nối của những tuyến giao thông huyết mạch của Thủ đô và tốc độ đô thị hóa cao, các trung tâm thương mại mở ra như một bước đi trước đón đầu thị trường.
Năm 2003, Metro chính thức khai trương trung tâm bán sỉ đầu tiên tại đường Phạm Văn Đồng. Đến năm 2008, Big C Thăng Long đến từ một hãng bán lẻ của Pháp đi vào hoạt động trên đường Trần Duy Hưng. Tiếp sau đó là các trung tâm mua sắm mới ra đời như The Garden, Indochina Plaza Hà Nội, Parkson Landmark 72, hay Grand Plaza...
Cảnh đìu hiu tai các trung tâm mua sắm. (Ảnh:D.A)
Tuy nhiên, dù tiềm năng là vậy nhưng năm qua, thị trường liên tục đón nhận những thông tin không mấy khả quan khi hàng loạt trung tâm thương mại cao cấp phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.
Khảo sát cho thấy, trong khi các siêu thị vẫn có một lượng khách hàng ổn định thì các trung tâm mua sắm hàng hiệu phải đối mặt với cảnh ảm đạm, đìu hiu. Indochina Plaza Hà Nội - dù là dự án cao cấp - nhưng hướng đến cả đối tượng học sinh, sinh viên và những người dân sống quanh khu vực này. The Garden phải có thêm rạp chiếu phim và siêu thị ở dưới tầng hầm để hút thêm khách.
Sau nhiều lần tái cơ cấu, không ít dự án đã gặp thất bại. Như Grand Plaza đã đóng cửa hẳn và đang đăng biển cho thuê. Parkson Landmark 72 tiếp tục đóng cửa vô thời hạn sau thông báo mở cửa ngày 7/1 vừa qua.
Sai lầm chiến lược
Trước đây, Grand Plaza hướng tới phục vụ nhu cầu mua sắm của nhóm khách hàng thu nhập trên 10 triệu đồng. Rất nhiều nhãn hàng nổi tiếng thế giới kỳ vọng, nhóm khách hàng có thu nhập cao sẽ kéo đến các trung tâm mua sắm, nên họ đã không tiếc tiền để thuê gian hàng tại đây. Sau hơn 2 năm hoạt động không hiệu quả, Grand Plaza đã phải đóng cửa và đang chờ chủ đầu tư mới.
Khuyến mại lớn nhưng vẫn vắng người mua. (ảnh:D.Anh)
Thực tế, Grand Plaza đã từng thay đổi theo hướng “bình dân hoá”, nhóm khách hàng đến mua sắm được định vị lại ở mức thu nhập hàng tháng 4-5 triệu đồng. Nhưng việc chỉ thay “áo” mà không thay “máu” đã khiến Grand Plaza tiếp tục gặp thất bại.
Ngay những năm đầu tiên có mặt tại Hà Nội, Parkson đã chọn cách tiếp cận khách hàng bằng các sản phẩm hàng hiệu giá không dưới 500.000 đồng/sản phẩm nhưng cung cách phục vụ vẫn theo kiểu “nửa mùa”, không gần gũi với người dân.
Trong khi đó, nhìn ra một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore hay Malaysia đều có sự phân cấp rõ ràng. Bên cạnh những trung tâm thương mại đẳng cấp, vẫn có những TTTM chỉ phục vụ cho khách bình dân.
Đánh giá nguyên nhân thất bại của các TTTM phía Tây, trao đổi với PV. VietNamNet, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Savills VN cho biết, về khách quan khu vực này hoàn toàn có nhiều lợi thế về hạ tầng, người dân có thu nhập rất cao, hơn hẳn với nhiều khu vực khác của Hà Nội, dân số lại đông. Do đó, nhu cầu bán lẻ chắc chắn là cao nhưng các chủ đầu tư đã chưa định vị được sản phẩm và hình thức kinh doanh chưa phù hợp.
Ông Richard Leech, Giám đốc CBRE Việt Nam, nhìn nhận, ở phía Tây, các dự án bán lẻ hình thành không phải để thu hút khách hàng đến từ khu vực khác của Thủ đô mà chỉ để dành cho cư dân của dự án đó.
Vì thế, nếu định hướng đúng cơ cấu khách hàng và đối tượng khách thuê khi bắt đầu phát triển, thì các dự án trung tâm thương mại ở phía Tây có khả năng lấp đầy tốt và hoạt động ổn định.